7 món đặc sản đậm đà dân dã của Đồng Nai

Nằm sát TP HCM, Đồng Nai từ lâu đã trở thành điểm du lịch quen thuộc, một phần vì phong cảnh và một phần vì cả những món ngon nơi đây.

Lẩu lá khổ qua rừng

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai

Khá phổ biến ở Long Khánh, đây là loại lá khổ qua rừng rất đắng nhưng có càng ăn lại càng thấy ngọt ngào, đậm đà dân dã. Là loại lá rừng, chỉ mọc trong mùa mưa nhưng để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của thực khách nhiều hộ dân đã nhân được giống khổ qua rừng để trồng ở vườn nhà, đến nay thì lá khổ qua rừng có quanh năm khi nào thực khách cần cũng đều có thể đáp ứng được.

Lẩu lá khổ qua rừng nếu được nấu bằng cá trào cững (giống cá lóc con) thì hợp khẩu vị hơn; nếu không thì nấu với sườn non, tôm khô cũng được. Lá khổ qua được nhặt, rửa sạch để ráo trên đĩa, nồi nước đang sôi chỉ cần nhúng một nắm lá vào lẩu vớt với ra ngay dùng liền, thì mới cảm được vị ngon đặc trưng.

Nấm mối

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai-1

Nấm mối chỉ mọc một lần trong năm, vào đầu mùa mưa khoảng dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch). Nấm mối mọc trong vườn rẫy, nhiều nhất là trong rừng lô cao su; những người sành nấm mối, chỉ nghe mưa là đoán ngay sẽ có nấm mối, sáng hôm sau đi tìm, y như rằng tha hồ mà nhổ. Nấm mối không nên rửa trước mà phải để khô, gọt cho sạch chân nấm cho hết đất, gọt xung quanh đỉnh nấm vì sợ ngộ độc. Sau khi gọt sạch nấm được ngâm nước muối rồi rửa sạch, để cho ráo nước là có thể đem xào nấu được, khi xào nên chọn mỡ heo để xào mới ngon.

Nấm mối chỉ cần xào tỏi là tuyệt lắm rồi; nấm búp là nấm mới nhú khỏi mặt đất xào ăn còn hấp dẫn hơn nhiều. Nấm mối còn được dùng để nấu cháo, đổ bánh xèo đều ngon hết chỗ nói. Nấm mối ngon ngọt hơn cả thịt gà, có hương vị lạ và quyến rũ. Nấm mối còn được gói bằng lá nghệ, lá chuối, lá lốp đem nướng chấm muối tiêu chanh ngon tuyệt cú mèo. Mùi thơm của nấm mối có sức quyến rũ lạ thường người nào may mắn ăn được một lần sẽ nhớ mãi.

Canh chua lá giang

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai-2

Long Khánh miền đông đất đỏ bazan lá giang mọc rất nhiều, nó thuộc họ dây leo, thường mọc trong rừng cao su. Lá giang được nhặt kỹ, rửa sạch, trước khi để ráo nhớ vò mạnh tay một tí cho lá hơi bị dập ra vị chua mới đáo để và hấp dẫn.

Trên bếp đã chuẩn bị sẵn con gà luộc, nước luộc gà dùng để nấu canh lá giang thì trên cả tuyệt vời; chỉ cần sử dụng một ít thịt đầu, cổ cánh, chân và cả phao câu nững cho nồi canh thêm ngọt. Sau khi nêm nếm vừa miệng ăn, nhớ bỏ thêm chút đường cát cho nó đậm đà, chua chua mà ngọt ngọt mới bắt mồi (món này dân nhậu khoái chí lắm). Lá giang để ráo, nồi nước vừa sôi sùng sục bỏ lá vào, khuấy đều để cho lá ngả màu vàng, nêm lại một ít là được. Lúc này bộ lòng gà được phi hành mỡ xào lên, nêm nếm cho vừa; nhắc nồi canh xuống đổ lòng gà vào nồi canh nghe một tiếng xèo, béo ngậy, toả mùi thơm hấp dẫn giữa thịt gà lá giang, hành ngò, rau quế. Cả nhà quây quần bên mâm cơm có tô canh chua gà lá giang, mải mê ăn quên cả no.

Cơm gà cá mặn

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai-3

Ở các quán ăn vừa sang trọng vừa bình dân như quán Bạn Tôi (Thích Quảng Đức nối dài), Hương Việt (Cách mạng tháng Tám, phường Xuân An), Thanh Mập (Nguyễn Văn Bé, phường Xuân Thanh), quán Tài Lộc (Thích Quảng Đức, phường Xuân An), xuất hiện món cơm gà cá mặn và đã trở thành món ăn phổ biến hấp dẫn như đặc trưng riêng của vùng đất Long Khánh.

Cơm được nấu trong nồi đất, được trộn lẫn các gia vị như thịt gà, chà bông, cá mắm, nêm nếm sao cho vừa ăn. Khi ăn, niêu cơm vẫn còn để trên bếp, lúc xới cơm hơi khói bay nghi ngút tỏa mùi thơm quyến rũ; cơm nấu càng cháy ăn càng ngon và đậm đà. Đãi khách bằng món cơm gà cá mặn vừa tiện, hấp dẫn lại ngon, thắt chặt thêm tình cảm thắm thiết giữ khách và chủ.

Dế cơm chiên nước mắm

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai-4

Dế cơm tuy là loại côn trùng, sống tự nhiên dưới hang nhưng là món ăn dân dã xuất hiện từ rất lâu ở Long Khánh. Thường vào mùa mưa, bọn trẻ thường đi đào dế cơm về cung cấp cho thực khách, dế cơm cũng có thể câu bằng cách thả kiến nhọt xuống hang, lấp miệng hang lại khoảng vài phút dế cơm bị kiến nhọt cắn, nhảy thót lên miệng hang tha hồ mà bắt.

Dế cơm chỉ cần nhặt sạch cánh, nhặt 2 chân sau (để đùi lại, 2 đùi dế rất béo), móc ruột bỏ hết, xong nhét hột đậu phộng vào ruột, rồi ướp nước mắm, nêm cho vừa ăn. Mắc chão dầu cho xôi, để dế vào chiên cho vàng là được.

Dế cơm chiên nước mắm ăn vừa dòn, vừa đậm đà hương vị nước mắm, vừa béo ngậy của dầu, béo thơm của đậu phộng mang đặc trưng món ăn dân dã miền Đông Nam bộ. Ngoài ra dế cơm còn được những bà nội trợ lăn bột chiên bơ để thêm một món đãi khách thì hết chỗ nói.

Trái ươi

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai-5

Ươi là loại thân cây to, cao cả chục mét. Mỗi cây có thể cho từ 30 đến 50 kg trái tươi. Trái ươi tươi đem về phơi vài nắng, khô lại còn bằng đầu ngón tay giữa của người lớn thì có thể cất vào nơi khô ráo hàng tháng có khi vài năm vẫn không bị hư.

Trái ươi có đặc điểm đụng vào nước, nhất là nước ấm thì mau nở ra. Sau khi bóc bỏ phần vỏ và hạt, thì trái ươi gần giống như mủ gòn. Nhiều người thường trộn ươi với hạt é, bỏ thêm ít đường vào làm nước giải khát. Già làng Năm Nổi cho biết, bà con đồng bào dân tộc Chơ-Ro ở Lý Lịch cũng như cán bộ, chiến sĩ ở Chiến khu Đ trước đây nhiều người biết, hạt ươi đem rang lên, xay ra hòa với nước uống trị nấc cụt và "tào tháo rượt" dứt cơn nhanh chóng.

Trái ươi có khá nhiều ở rừng miền Đông mà tập trung nhất là ở rừng Cát Tiên và Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu ngày nay. Giá mỗi kg tại chợ Lý Lịch bình quân 10-15.000 đồng. Nhưng khi ra đến thị xã, thành phố, giá ươi lên đến 50-70.000 đồng/kg. Hiện nay, tại một số quán giải khát và các xe hàng đẩy rong trong TP Biên Hòa , TP HCM thì hạt ươi trở thành món đắt hàng. Chẳng những thế, hạt ươi còn được một số nhà buôn ở Chợ Lớn xuất khẩu sang Hong Kong, Đài Loan.

Gỏi cá Biên Hòa

7-mon-dac-san-dam-da-dan-da-cua-dong-nai-6

Món gỏi cá ngon ở điểm nguồn nguyên liệu dễ tìm, luôn trong trạng thái tươi sống. Con cá còn bơi quẫy tung tăng trong hồ được vớt ra, với thao tác nhanh gọn, chính xác, đầu bếp cầm con dao bén xẻ một đường dọc theo xương sống từ đuôi đến mang, lộn ngược má thịt ra ngoài, dùng một dụng cụ nạo từng thớ thịt cá mỏng dài chừng hai đốt ngón tay. Miếng thịt cá trắng tươi, nổi rõ từng lằn gân máu đỏ, ngay lập tức được trộn với hỗn hợp những gia vị quen thuộc như riềng, hành, tỏi, sả, thính, bao phủ một lớp mỏng bọc ngoài miếng thịt cá. Vừa giữ cho miếng cá không đổi mùi tanh, và có độ khô cần thiết tạo cảm giác an tâm khi có một lớp đủ thứ gia vị màu vàng ươm bao bọc, nhìn thôi đã đủ thèm ứa nước miếng.

Nhìn đĩa cá sống trộn gỏi, cái thèm mới đi được một nửa, thứ nâng món gỏi cá lên hàng thương hiệu đặc sản này lại nằm ở nồi nước sốt. Một bếp ga, một cái xoong nhỏ, trong đó là lưng lửng nước sốt sền sệt, nổi váng mỡ vàng ươm điểm rải rác hạt mè, được chế biến từ thịt cá, gan cá, mỡ cá, riềng, sả, hành tím để trên bếp sôi sủi bọt sùng sục, nhả khói thơm nức mũi. Với tay bẻ miếng bánh đa, quẹt một đường vào nồi nước sốt để nhấm nháp vị mặn mà, béo ngậy của gia vị, của thịt cá.

Các quán gỏi thường nằm ngay mé sông, khung cảnh mát mẻ, hữu tình. Các quán ở đây kinh doanh theo mô hình gia đình, nhà ở ven sông, mở quán phục vụ khách nên rất gần gũi, dân dã. Đường vào quán, nếu tính từ vòng xoay Tam Hiệp, đi về trung tâm Biên Hòa, mất 2 km đến trụ sở phường Tân Mai, bên hông có con hẻm nhỏ, cứ thẳng đó đi mãi qua cây cầu, qua bãi tha ma, sẽ đến gỏi cá Biên Hòa nằm um tùm trong vườn cây lá. Với những quán gỏi cá ở cù lao Phố, đường đi rộng rãi, dễ tìm hơn, nếu không biết hướng chỉ cần hỏi ở đâu có gỏi cá Biên Hòa, những cư dân địa phương nhiệt tình chỉ điểm đến nơi đến chốn.

Theo Ngoisao


Tin tức mới nhất