Bạn sẽ dễ bị kẻ xấu thôi miên nếu rơi vào những trường hợp này

Nếu rơi vào trạng thái bị thôi miên thì rất khó để tự thoát ra mà phải dựa vào kích thích thật mạnh - một chuyên gia cho biết.

Thời gian gần đây, lại xuất hiện một số vụ việc liên quan đến cướp tài sản mà nhiều người dân nghi ngờ xuất phát từ việc tội phạm thôi miên người bị hại.

Điển hình là vụ việc mới đây ở Thái Bình, hai người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc bị người dân nghi ngờ có hành vi thôi miên người bán hàng để cướp đoạt tài sản. Do đó, chủ nhà và người dân xung quanh đã hô hoán nhau để giữ hai đối tượng đó lại và báo lên công an địa phương.

Tuy nhiên, ngay sau đó, sự việc được làm rõ và xác minh hai người đàn ông Trung Quốc này không hề có hành vi cướp đoạt số tiền hơn 20 triệu đồng bằng cách thôi miên cô bé bán hàng như tin đồn. Đây chỉ là một trong số ít trường hợp nhầm lẫn, nhưng vấn đề cần lưu tâm ở chỗ, sự thiếu hiểu biết, lo sợ và manh động của nhiều người dân có thể dẫn tới những hậu quả ngoài ý muốn.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về các vấn đề liên quan trong thôi miên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần học.

Bạn sẽ dễ bị kẻ xấu thôi miên nếu rơi vào những trường hợp này-1

Vụ việc ở Thái Bình mới đây, dù chưa có căn cứ nhưng nhiều người dân đã vây bắt hai người đàn ông nước ngoài do nghi họ có hành vi thôi miên và cướp đoạt tài sản. Ảnh: Cắt từ clip

Chiều 31/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Lê Đào Nghĩa (Phó trưởng Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội) cho biết:

"Thôi miên là một trạng thái tâm thần nửa thức, nửa ngủ (trạng thái giai đoạn) và người ta sẽ điều khiển được người bị thôi miên. Khi đó, người bị thôi miên sẽ tự động làm theo lời của người điều khiển. Trong tâm thần, cũng có sử dụng thôi miên để điều trị bệnh, thay đổi hành vi của bệnh nhân".

Theo bác sĩ Nghĩa, thôi miên thường xảy ra theo các trường hợp thông qua sử dụng ám thị (ánh mắt, cử chỉ, đặt biệt là lời nói, để tạo nên sự thư giãn tinh thần cho người khác) hoặc sử dụng thuốc để đưa người khác vào trạng thái này. Tuy nhiên, việc dễ dàng bị thôi miên hay không thì còn tùy thuộc vào nhân cách và môi trường, hoàn cảnh xung quanh. Cụ thể:

"Tùy thuộc vào từng người mà có người không thôi miên được và có người sẽ thôi miên được. Với trường hợp sử dụng ám thị, đặc biệt là những người dễ bị ám thị, dễ tin tưởng người khác thì sẽ dễ bị thôi miên.

Đồng thời còn phải do môi trường khi đó, ví dụ như nếu để thôi miên bệnh nhân thì phải để họ trong không gian yên tĩnh, ánh sáng lờ mờ và dùng những kích thích lặp đi lặp lại để làm cho người ta vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ".

Ngoài ra, còn cách khác là sử dụng thuốc, theo ông Nghĩa thì cũng là hành vi đưa bệnh nhân vào trạng thái thôi miên như vậy.

Cụ thể hơn về những người nào dễ bị thôi miên, ông Nghĩa nói thêm, thường là những người dễ chịu ám thị, liên quan đến vấn đề sức khỏe và trạng thái tâm thần. Những người có sức khỏe tốt, tâm thần khỏe mạnh hơn thì sẽ khó bị thôi miên hơn.

Bạn sẽ dễ bị kẻ xấu thôi miên nếu rơi vào những trường hợp này-2
Thực chất, thôi miên sẽ dễ thực hiện trong môi trường yên tĩnh và với những người sức khỏe, tinh thần yếu. (Ảnh minh họa)

"Thực ra, khi người ngoài không biết thì cho rằng thôi miên có gì đó thần bí nhưng thật ra là có cơ sở khoa học. Tức là khi con người trong trạng thái thôi miên thì còn được gọi là trạng thái giai đoạn, nửa thức, nửa tỉnh và dễ bị ám thị và dễ chịu tác động".

Đồng thời, trước câu hỏi với một người đã bị thôi miên thì có thể tự điều khiển để thoát khỏi trạng thái đó hay không, ông Nghĩa thông tin khả năng này khó và cần phải có kích thích mạnh để giúp họ tỉnh lại.

Về cách phòng ngừa nguy cơ bị thôi miên, theo bác sĩ Nghĩa thì trước hết cần phải giữ tinh thần tỉnh táo, đồng thời chú ý đến môi trường, hoàn cảnh xung quanh, bởi đa phần các vụ thôi miên dễ được thực hiện ở môi trường vắng vẻ, yên tĩnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thôi miên được biết tới cách đây hàng trăm năm nhờ những nghiên cứu của bác sĩ Franz A. Mesmer (người Áo, sống ở thế kỷ 18). Sau này, người ta gọi thuật thôi miên là “hypnotism” (vốn có gốc Hy Lạp nghĩa là trạng thái ngủ).

Theo một kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ David Spiegel (Mỹ), có khoảng 20% người lớn không thể bị thôi miên bởi những người khác.

Vì vậy, chỉ cần có ý thức đủ mạnh, nạn nhân hoàn toàn có thể chống lại năng lực thôi miên của người đối diện. Theo đó, những người có chỉ số thông minh và kinh nghiệm xã hội cao rất khó bị người khác “tẩy não”. Ngoài ra, những người sức khỏe tốt có xu hướng khó và lâu bị thôi miên hơn so với người bình thường.

 

Theo Giadinh.net


tin hot tội phạm tin tức

Tin tức mới nhất