Bắt bệnh sao Việt thích 'hạch sách': Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!

Hóa ra những người nắn chỉnh văn phong là vì họ mắc hội chứng grammar pedantry syndrome (hội chứng phả hệ ngữ pháp)... chứ không phải họ thích bắt bẻ câu chữ gì sất.

Thời kỳ công nghệ lên ngôi cộng thêm dịch bệnh hoành hành, kinh doanh online được dịp lên ngôi. Chỉ cần ngồi một chỗ thao tác cú kích chuột với một vài bình luận, các khách hàng đã có thể đặt mua được thứ mình muốn mà chỉ không cần di chuyển. Bên cạnh tiện ích, văn hóa mua bán online cũng có nhiều tranh cãi.

Bắt bệnh sao Việt thích hạch sách: Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!-1
Đỗ Mạnh Cường gay gắt khi khách hàng giao tiếp trống không

Sáng 1/6, Đỗ Mạnh Cường lên tiếng bàn luận về vấn đề này. NTK họ Đỗ tỏ ra khó chịu khi một bộ phận khách hàng nói trống không khi hỏi về các mẫu thiết kế bên anh.

"Có nhiều người bất lịch sự kinh khủng luôn! Vào nhắn tin cho mình hỏi giá đầm mà kiểu: Bao nhiêu? Cái này bao nhiêu shop? Inbox giá... Không hiểu nổi cái lối ăn nói trống không, không chủ ngữ, vị ngữ đấy là kiểu gì. Mình có tên đàng hoàng nha!

Mình là Đỗ Mạnh Cường chứ mình không phải là shop nha! Xin lỗi là tôi không bao giờ trả lời những người bất lịch sự vậy luôn cho nhanh nhé!".

Bắt bệnh sao Việt thích hạch sách: Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!-2Bắt bệnh sao Việt thích hạch sách: Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!-3

Bài đăng của Đỗ Mạnh Cường đã gây tranh cãi lớn. Người đồng tình, kẻ lại tỏ ra khó chịu. Họ giật mình "hoá ra lâu nay mình mất dạy đến thế" vì hầu hết đều dùng câu hỏi kiểu "Cái này giá bao nhiêu shop?" mỗi khi muốn giao dịch online.

Hiện Đỗ Mạnh Cường đã xoá post về chủ đề này nhưng dân mạng đã nhanh tay chụp lại, chia sẻ khắp nơi.

Cũng bàn luận chung chủ đề với Đỗ Mạnh Cường nhưng Trà My - nữ diễn viên Thương Nhớ Ở Ai mới đây lại đưa quan điểm trái ngược. Trên trang cá nhân, nữ diễn viên cho rằng ai thích bắt bẻ câu chữ thì... nghỉ đi chứ đừng làm nghề dịch vụ.

Bắt bệnh sao Việt thích hạch sách: Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!-4
Trà My cho rằng ai thích bắt bẻ câu chữ thì... nghỉ đi đừng làm nghề dịch vụ

"Không hiểu sao nhiều người chỉ trích khách hàng hỏi giá không có chủ ngữ vị ngữ, mà mình cũng không rõ cái trend bắt bẻ chính tả xuất phát từ đâu, đã hay tự ái thì nghỉ đi, đừng làm nghề dịch vụ. Thử đặt địa vị là khách hàng, họ có tiền, họ có quyền được phục vụ, họ là bố mẹ chúng ta.

Mình thì nghĩ mục đích tối thượng là làm khách hàng hài lòng và quay lại. Khách hàng là thượng đế, luôn cảm ơn và xin lỗi khách. Nói chung xứ An Nam này cần học nhiều về phục vụ khách hàng lắm, còn mấy đứa vô học đi làm kinh doanh và bán hàng thì mình không nói", Trà My gay gắt.

Bắt bệnh sao Việt thích hạch sách: Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!-5
Trà My chia sẻ quan điểm

Quan điểm khách hàng là thượng đế "nói gì cũng được" của Trà My được bàn tán rôm rả. Nhiều người đồng tình, song cũng có ý kiến cho rằng không mất gì câu nói nên khi hỏi cũng cần đủ vế câu hoàn chỉnh cho vui lòng người bán.

Một Facebooke lấy mình ra làm ví dụ: "Không phải là bắt bẻ đâu bà ạ. Như tôi là dạng bị hội chứng grammar pedantry syndrome (hội chứng phả hệ ngữ pháp) ấy. Kiểu cứ nhìn thấy sai chính tả là thấy khó chịu và muốn sửa ngay ý.

Nhưng may là từ hồi bán hàng đến giờ chưa thấy khách nào sai chính tả. Còn nếu họ sai thì tôi đành nhắn đứa bạn trả lời hộ để mình bình tĩnh lại. Còn cảm ơn và xin lỗi khách thì luôn luôn phải có trong từ điển".

Bắt bệnh sao Việt thích hạch sách: Thì ra mắc hội chứng phả hệ ngữ pháp!-6
Một số cho rằng có người mắc "hội chứng phả hệ ngữ pháp"

Đáp lại, nữ diễn viên Thương Nhớ Ở Ai cho rằng: "Xin lỗi tôi phải nói thẳng, bị hội chứng đó là vấn đề sức khoẻ tâm thần của ông và ông phải chấp nhận điều đó chứ không phải khách hàng phải nói đúng chính tả để vừa lòng ông vì khách đâu có biết mình bị vấn đề gì?

Tôi vẫn cho rằng trong mua bán thì người bán phải làm vừa lòng người mua, tất nhiên dựa trên win win".

Hiện câu chuyện về văn phong khi mua bán online đang được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn. Dù trăm người vạn ý nhưng tựu trung lại người mua kẻ bán muốn vui vẻ chỉ cần "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Nói cho rõ hơn thì hội chứng Grammar Pedantry Syndrome (GPS), tạm dịch là “Hội chứng quá để tâm đến lỗi ngữ pháp”. Theo đó, GPS là một dạng của chứng “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế” (Obsessive compilsive disorder – OCD) – chứng rối loạn lo âu khá nổi tiếng trong các bộ phim về khoa học.

Dấu hiệu của OCD có thể là sạch quá mức, tích trữ quá nhiều đồ, ám ảnh suy nghĩ về một vấn đề gì đó… Và trong đó có cả GPS. Có rất nhiều người trên thế giới mắc chứng rối loạn này, nhưng hầu hết mọi người thậm chí không biết là mình mắc phải.

GPS có thể ảnh hưởng đến con người theo nhiều cách, nhưng không phải tất cả mọi người đều có cùng những triệu chứng giống nhau. Một số thích bắt lỗi về ngữ pháp. Số khác thích sửa lỗi chính tả, sao cho dùng đúng đến hoàn hảo thì thôi. Và thậm chí, việc cứ phải nhìn thấy các lỗi xuất hiện sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu.

Ngoài những tình huống, công việc, văn bản đòi hỏi độ chính xác cao thì những lỗi ngữ pháp thực sự không phải là một vấn đề quá lớn trong giao tiếp hàng ngày. Ngay cả những người chuyên đi sửa lỗi họ cũng có thể mắc, chỉ khác là họ sẽ nhận ra nó ngay và sửa lại rất nhanh.

Nhưng những lỗi này thực sự là “những kẻ khó ưa” đối với những người mắc GPS. Và nếu bạn không thể ngừng việc chỉnh sửa những lỗi ngữ pháp, bạn có thể đang mắc hội chứng này đấy.

Lam Hà
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/bat-benh-hach-sach-khach-hang-cua-sao-viet-ban-hang-online-n-263975.html

Thương nhớ ở ai Đỗ Mạnh Cường

Tin tức mới nhất