'Cơ trưởng Sully': Câu chuyện có thật, về con người thật và những điều hơn cả sự thật

Không có những cảnh hành động đến nghẹt thở, "Sully" thực tế chỉ là một tác phẩm tâm lý phác họa dựa trên một thảm họa hàng không.



Cơ trưởng Sully, hay tên gốc Sully – một cái tên thật chẳng có gì hấp dẫn hay gợi mở. Một bộ phim ngắn ngoài sức tưởng tượng, khiến người xem phải ngỡ ngàng. Một bộ phim sâu sắc ngoài mong đợi, không cần suy nghĩ mà vẫn thấy lắng đọng.
 

Sully - Một câu chuyện có thật, về một con người thật

Cơ trưởng Sully là bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra tại nước Mỹ vào năm 2009. Một chiếc máy bay vừa mới cất cánh, hẳn chưa đầy 5 phút, vẫn còn đang lưng chừng giữa trời xanh, gần những tòa nhà cao tầng và mây vẫn ở trên cao, bất ngờ gặp sự cố làm các động cơ hư hại một cách nghiêm trọng.

Giữa rất nhiều phương án, cơ trưởng Sully đã chọn cách đáp xuống dòng sông Hudson êm ả, cứu sống 155 người trên chiếc máy bay, vốn đã đứng rất gần ở cánh cửa của tử thần.

Một lẽ dĩ nhiên, ông được coi là vị anh hùng của những ai có mặt trong chuyến bay hôm đó, trở thành chủ đề nóng trên báo đài. Mọi chuyện, nếu thông thường, sẽ được gọi là một kết thúc đẹp và may mắn cho một khởi hành bất trắc.

Nhưng rồi người anh hùng ấy lại phải đối mặt với bản án đặc biệt. Dù 155 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đều được cứu sống trong gang tấc, dù cơ trưởng đã nỗ lực hết mình và thành công, ông vẫn phải đối mặt với thứ có thể gọi là “chủ nghĩa xét lại”. 

Liệu quyết định hạ cánh trên nước có thực sự là giải pháp tối ưu, hay vẫn có những sự lựa chọn khác an toàn hơn? Và nếu đây là sự thực, vị cơ trưởng đáng kính với 40 năm kinh nghiệm sẽ mất tất cả, ra đi với sự ê chề, những cái nhìn ngờ vực, bất kể trong bao nhiêu năm đón đưa hàng triệu hành khách, ông có làm tốt đến đâu.

Phim “thảm họa” mà không phải thảm họa

Mở đầu, phim giới thiệu “một bộ phim dựa trên một thảm họa hàng không có thật”. Cũng trong vài phút làm quen, khán giả thấy chớp nhoáng hình ảnh một chiếc phi cơ chao đảo trên không chúng. Rõ ràng là một thảm họa chờ người đến giải cứu.

Và phần nhiều người xem hồi hợp chờ đợi những pha hành động  nghẹt thở, những phút hiểm nguy chân tơ kẽ tóc, đổ vỡ khắp nơi và hẳn số nạn nhân sẽ tăng lên nhanh chóng theo chiều dài của tác phẩm.

Trước khi hạ cánh được trên dòng sông chảy giữa New York, hắn sẽ là những khoảnh khắc đứng tim, tiếng người la hét, có thể có súng, biết đâu có cả khủng bố hay những tay trùm ma túy…  Đây vốn là những hình ảnh thường thấy trong các bộ phim thảm họa – dù đã quá quen thuộc, nhưng vẫn gợi được sự tò mò của người đến rạp.

Nhưng không, Sully đã chọn một con đường khác, một cách tiếp cận khác. Tuy khó, nhưng thông minh hơn rất nhiều. Bởi nếu chỉ đơn thuần là hành động, bộ phim “thản họa hàng không” này cũng chỉ khiến người xem phấn khích vào giây phút đó, rồi nhanh chóng “lạc trôi” sau khi kết thúc phim.

Nếu đơn giản chỉ là những quả bom nổ chậm, một tên sát nhân…  thì cuối cùng, dù cơ trưởng Sully có xuất sắc đến mấy, phim cũng lại lặng lẽ rơi vào thinh không.

Cơ trưởng Sully – người hùng trên bầu trời đứng trước dấu hỏi của cục An ninh hàng không, của Ủy ban Giao thông Quốc gia, của hàng loạt các hãng bảo hiểm. Họ giả lập bằng các tình huống, vẽ đủ thứ mô hình độ họa, lập trình nên nhiều lựa chọn…

Tất cả chỉ để muốn khẳng định, sự lựa chọn đáp lên dòng sông giữa mùa đông lạnh giá là một quyết định nguy hiểm, thiếu tính toán, trong khi hoàn toàn có thể bay đến những sân bay gần kề.


Những điều này khiến chính phi công dạn dày kinh nghiệm như cơ trưởng Sully cũng phải băn khoăn trước hành động của mình. Liệu ông có quá tự tin vào hành động mạo hiểm đó? Phải chăng vẫn có những sự lựa chọn tốt hơn? 

Và đến đây, rõ ràng, Sully là một bộ phim tâm lý.

Cơ trưởng Sully, thực tế là một tác phẩm tâm lý phác họa dựa trên một thảm họa hàng không. Bởi vậy, nó mới hay và đáng nhớ. 

Thấy gì từ Sully – Thấy những điều hơn cả sự thật!

Phim ngắn đến không ngờ, là sự đan xen giữa hiện thực và quá khứ, giữa những dấu hỏi về tâm lý sâu thẳm với những cảnh hành động diễn ra thoáng chốc. Tất cả đều gọn gàng, cô đọng, và quan trọng là “vừa đủ”. Tất cả gói gọn trong 96 phút ngắn ngủi, nhưng lại đem đến nhiều điều hơn thế.

Để khán giả biết rõ hơn trọng trách của những người phi công. Họ - bản lĩnh, kinh nghiệm, dạn dày – nhưng luôn là những người cô đơn nhất mỗi khi máy bay cất cánh. Bởi đồng hành cùng phi công là hàng trăm hành khách, nhưng giữa mây trời rộng lớn, khi xảy ra sự cố, họ thường chỉ có một mình, đơn độc phán quyết và chiến đấu hết mình.

Họ bước lên máy bay đầu tiên, là người xuống cuối cùng, là người anh hùng thầm lặng của mọi hành khách. Hãy luôn nhớ điều này nhé, dù chúng ta ngồi ở hạng thương gia, hay may mắn sở hữu được những chiếc vé 0 đồng. 

Là người xem sẽ thấy biết ơn những con người thầm lặng đang làm việc đâu đó trong các bộ phận kiểm soát không lưu. Dù không bao giờ bước lên máy bay, nhưng họ luôn đồng hành cùng mỗi một hành khách từ điểm bắt đầu đến khi kết thúc một hành trình.

Là giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, hãy cứ luôn làm theo những gì trái tim mách bảo. Giống như cơ trưởng Sully, quyết định đưa 155 hành khách của mình trượt dài trên dòng sông, chẳng phải hoàn toàn do sự tính toán đơn thuần từ các yếu tố vận tốc, hướng gió, độ cao đầy vật lý.

Đó còn là bởi ông tin rằng, mỗi một quyết định đưa ra đều cần đến nhân tố của con người, là trái tim của con người lương thiện luôn hướng về những điều đúng đắn, là hãy biết đặt niềm tin vào chính mình.

Sân  bay là một nơi kỳ lạ. Với một số người, đây là nơi đoàn tụ nhiều hạnh phúc. Với ai đó, có thể là điểm chia ly trong nỗi buồn. Sân bay là nơi khởi đầu cho những ước mơ nhưng cũng có thể là điểm cuối của một cuộc hành trình. Sân bay có thể hiện đại bậc nhất, cũng có thể chỉ là những căn nhà đơn sơ nơi gió đèo heo hút.

Với các hành khách trong chuyến bay định mệnh này, sân bay là mặt nước mênh mông, dập dềnh, tiếng còi cứu hộ vang đầy trời, nhưng cũng chính là nơi họ được kéo ngược trở về từ cõi chết, được trao thêm một cơ hội để tiếp tục theo đuổi những ước mơ của mình. 

Và với Cơ trưởng Sully, sân bay và những chiếc máy bay trở thành những điều hơn thế. Không chỉ là một không gian, một phương tiện, nơi đi điểm đến, mà còn là nơi mỗi chúng ta nhìn thấy rõ hơn bản chất của chính mình và của mỗi người.

San San
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/co-truong-sully-cau-chuyen-co-that-ve-con-nguoi-that-va-nhung-dieu-hon-ca-su-that-n-117825.html

sully thảm họa hàng không Tom Hanks

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao