Cựu Giám đốc BV Bạch Mai 'hút máu' bệnh nhân

Mỗi ca bệnh chỉ phải thanh toán 6,6 triệu đồng tiền phẫu thuật bằng robot nhưng bệnh viện Bạch Mai thu hơn 23 triệu đồng, hưởng chênh lệch 16,5 triệu.

Mới đây, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc đơn vị này) cùng 6 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan CSĐT nêu rõ, hành vi vi phạm của các bị can tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và Công ty VFS dẫn đến hậu quả, thiệt hại làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế với 637 ca phẫu thuật có thu tiền, gây thiệt hại tổng số tiền trên 10 tỷ đồng, khiến dư luận bức xúc.

Cựu Giám đốc BV Bạch Mai hút máu bệnh nhân-1
Từ trái qua: các bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận.

Nâng giá thiết bị từ 7 tỷ lên 39 tỷ đồng

Năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiều đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết hoặc góp vốn với doanh nghiệp để đặt trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Sau khi được bổ nhiệm giám đốc, ông Nguyễn Quốc Anh đặt mục tiêu phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức và các cơ sở y tế khác về điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho cơ sở Bạch Mai và tăng thu nhập.

Để thực hiện, bị can cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu, kêu gọi một số bác sĩ ngoại khoa có chuyên môn từ Bệnh viện Việt Đức về giữ các chức vụ trong Bệnh viện Bạch Mai.

Năm 2016, nắm được chủ trương phát triển ngoại khoa trên, Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) chủ động đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh. Tuấn nói doanh nghiệp này là đơn vị phân phối robot phẫu thuật và đề nghị cung cấp robot Rosa với giá 39 tỷ và robot Mako giá 44 tỷ đồng.

Giám đốc bệnh viện không đồng ý mua bán trực tiếp mà đề nghị Tuấn lập đề án liên kết đặt máy trong bệnh viện. Về thủ tục, ông Quốc Anh yêu cầu để bệnh viện quyết định. Còn giá máy móc chỉ cần có chứng thư nhằm hợp thức hóa, Công ty BMS có trách nhiệm tìm đơn vị thẩm định giá.

Sau vài cuộc gặp, 2 bị can thống nhất liên doanh với điều kiện giá robot do Tuấn đưa ra. Việc thỏa thuận chỉ có 2 người trao đổi. Ông Quốc Anh đồng ý với đối tác, không thông qua Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai.

Theo kết quả điều tra, quá trình thực hiện, bị can Quốc Anh chỉ đạo Nguyễn Ngọc Hiền và cấp dưới lựa chọn Công ty BMS là đối tác đặt máy móc.

Để hợp thức thủ tục, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên) để thỏa thuận cấp chứng thư giá robot Rosa là 39 tỷ và robot Mako 44 tỷ. Đồng thời, Tuấn chỉ đạo Ngô Thị Thu Huyền (Phó giám đốc Công ty BMS) liên hệ Phòng Tài chính của bệnh viện để hoàn tất thủ tục.

Cơ quan điều tra cho rằng bị can Tuấn chỉ đạo cung cấp hồ sơ nhập khẩu robot nhưng xóa giá trị trên tờ khai hải quan trước khi giao dịch với phía bệnh viện.

Bị can Tuấn thừa nhận giá robot Rosa kèm các chi phí phát sinh chỉ hơn 7 tỷ, song nhờ câu kết và được ông Nguyễn Quốc Anh chỉ đạo việc hoàn tất thủ tục, giá robot phẫu thuật được nâng thành 39 tỷ đồng.

Cựu Giám đốc BV Bạch Mai hút máu bệnh nhân-2
Robot Rosa được sử dụng trong phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận hơn 300 triệu đồng từ đối tác

Theo kết luận, ngoài “bắt tay” với Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (Cty BMS) “thổi” giá robot từ vài tỷ thành vài chục tỷ, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai còn nhận hơn 300 triệu đồng vào dịp, lễ, Tết của Giám đốc công ty cung cấp thiết bị y tế này.

Cụ thể, kết luận điều tra nêu rõ, về việc hưởng lợi cá nhân từ Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Công ty BMS, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh khai Phạm Đức Tuấn và Công ty BMS có quan hệ để thực hiện đề án liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.

Mỗi lần đưa cựu Giám đốc BV Bạch Mai số tiền 20 - 30 triệu đồng, 1.000 hoặc 2.000 USD

Trong lần gặp cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào khoảng tháng 5/2016 và một số dịp lễ, Tết Âm lịch, ngày thầy thuốc Việt Nam năm 2017 - 2019, Tuấn đến Bệnh viện Bạch Mai đưa phong bì biếu Quốc Anh.

Mỗi lần có số tiền 20 triệu hoặc 30 triệu đồng, 1.000 hoặc 2.000 USD, Quốc Anh khai tổng số tiền nhận từ Tuấn là 100 triệu đồng và 10.000 USD

Liên quan đến việc này, bị can Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Công an BMS khai, quá trình gặp gỡ bị can Nguyễn Quốc Anh trong giai đoạn công ty BMS tham gia đề án liên doanh, liên kết, Tuấn đã chi cho Quốc Anh 3.000 USD vào tháng 5/2016.

Sau đó, vào các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống 27/2 năm 2017-2019 (trước khi bị can Quốc Anh về hưu), Tuấn đưa cho Quốc Anh 50 triệu đồng/lần, có một vài lần đưa số tiền 1.000 - 2.000 USD.

Ngoài ra, khoảng tháng 6/2018, Tuấn đưa cho Quốc Anh 5.000 USD để đề xuất đưa các hệ thống robot vào danh mục trang bị cho cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.

Tổng cộng, từ tháng 5/2016 đến cuối năm 2019, Tuấn khai đưa cho Quốc Anh nhiều lần với số tiền khoảng 400 triệu đồng và 1.000 USD.

Kết luận xác định, lời khai của bị can Tuấn và Quốc Anh phù hợp về bối cảnh, thời gian việc đưa, nhận các khoản tiền nhưng còn khác nhau về số tiền VNĐ. Việc đưa nhận tiền không có tài liệu, ghi chép, không có người chứng kiến và kết quả đối chất giữa các bị can không làm rõ được số tiền, đưa nhận.

Do đó đủ cơ sở kết luận, số tiền Tuấn đưa cho bị can Nguyễn Quốc Anh là 100 triệu đồng và 10.000 USD. Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền quy đổi theo tỷ giá có lợi nhất đối với bị can xác định Tuấn đã cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai số tiền hơn 318 triệu đồng.

Cựu Giám đốc BV Bạch Mai hút máu bệnh nhân-3
Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt

Hưởng chênh lệch 16,5 triệu/bệnh nhân

Qua điều tra cho thấy trên thực tế, mỗi người bệnh chỉ cần thanh toán hơn 6,6 triệu tiền phẫu thuật bằng robot. Tuy nhiên, bệnh viện thu hơn 23 triệu đồng mỗi ca, qua đó hưởng chênh lệch 16,5 triệu trên mỗi bệnh nhân.

Trong vụ án, bệnh viện đã sử dụng robot phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu về gần 23 tỷ. Như vậy, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán trái quy định cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh, tương đương số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Bị can Quốc Anh thừa nhận sau vụ câu kết với Công ty BMS, ông ta nhiều lần nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD từ Phạm Đức Tuấn. Hai bị can khác tham gia hợp thức thủ tục liên danh, liên kết trái quy định là Nguyễn Ngọc Hiền hưởng 150 triệu, Trịnh Thị Thuận (cựu Kế toán trưởng bệnh viện) nhận 50 triệu.

Giai đoạn điều tra, bệnh nhân và người nhà đều trình bày trong quá trình điều trị, bệnh viện giải thích nếu phẫu thuật thông thường, không có robot hỗ trợ thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần.

Còn phẫu thuật bằng robot có chi phí cao hơn khoảng 100 triệu nhưng sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn và phục hồi nhanh. Người bệnh không biết robot do đối tác liên doanh đặt tại bệnh viện, cũng không được giải thích cụ thể về chi phí khấu hao, nhưng mong muốn nhanh khỏi nên họ đồng ý phẫu thuật bằng robot.

Làm việc với cảnh sát, bệnh nhân biết việc bệnh viện liên kết đặt robot trái quy định nhằm nâng khống giá để thu thêm chi phí khấu hao so với thực tế. Họ đề nghị được nhận lại số tiền đã bị thu chênh lệch.

Chi hàng trăm triệu cho lãnh đạo Bệnh viện để duy trì quan hệ, "ngoại giao"

Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2017 - 2019, vào các dịp Tết âm lịch, Tuấn còn đưa tiền biếu cựu Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền mỗi lần 50 triệu đồng, tổng cộng 150 triệu đồng; chỉ đạo Phan Thị Hiền, Cao Văn Định, nhân viên Công ty BMS đưa tiền biếu cho Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng BV Bạch Mai vào các dịp lễ, Tết hoặc khi chuyển chứng từ thanh toán mỗi lần 5 hoặc 10 triệu đồng, tổng cộng 50 triệu đồng.

Bị can Tuấn khai, việc chi tiền cho bị can Quốc Anh và các bị can để duy trì mối quan hệ, "ngoại giao" với lãnh đạo BV, giúp thúc đẩy triển khai đề án, đảm bảo hài hòa lợi ích của công ty và bệnh viện.

Việc đưa tiền do Tuấn chủ động, không có thỏa thuận, hứa hẹn trước, cũng như không có yêu cầu từ phía các bị can tại BV Bạch Mai.

Nguồn tiền đưa cho các cá nhân tại BV Bạch Mai là tiền cá nhân của Tuấn hoặc tiền của Tuấn gửi cho bà Cao Thị Chuyên (mẹ Tuấn) để khi có nhu cầu sử dụng thì Tuấn, Định, Hiền nhận, đưa sang BV Bạch Mai.

Tuy nhiên, việc đưa tiền của Phạm Đức Tuấn và nhân viên công ty BMS cho Nguyễn Quốc Anh cùng 2 bị can tại BV Bạch Mai không có tài liệu theo dõi, không có người chứng kiến, những người tham gia đưa, đổi tiền như Chuyên, Trọng, Hiền không nhớ chính xác, không ghi chép.

Kết luận điều tra của cơ quan CSĐT cũng thông tin, nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và hưởng lợi không chính đáng, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có đơn đề nghị khắc phục hậu quả, gia đình bị can đã phối hợp nộp khắc phục toàn bộ số tiền 100 triệu đồng và 10.000 USD vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Hai bị can Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc BV Bạch Mai) và Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng) cũng đã phối hợp và gia đình đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền 150 triệu (của bị can Hiền), 50 triệu đồng (của bị can Thuận).

MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/cuu-giam-doc-bv-bach-mai-hut-mau-benh-nhan-nhu-the-nao-n-259055.html

bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân

Tin tức mới nhất