Hàng loạt nạn nhân lên tiếng tố cáo hot girl bán hàng online lừa tiền trắng trợn

Ngày 14/6, chị Kim Nga (SN 1988, ngụ quận Thủ Đức, TP. HCM) đã chia sẻ việc cô gái tên T.Đ (SN 1992, ngụ Bình Dương) lừa tiền gia đình chị suốt 2 năm qua.

Trong bài viết này, chị Nga đề cập đến việc rất nhiều người khác cũng là nạn nhân của Đ., với hàng loạt thủ đoạn và cách thức gần giống nhau.

Theo những gì trên facebook chị Nga chia sẻ, vào khoảng 2 năm trước, em trai của chị là Mạnh Hòa (SN 1991) góp vốn với cô gái xinh đẹp T.Đ để lấy Iphone từ nước ngoài về bán. T.Đ yêu cầu Hòa đưa 60 triệu để đặt mua Iphone. Nhưng sau một tháng, T.Đ cho biết nguồn hàng bị kẹt lại nên không thể đem về nước bán. Gia đình chị Nga tin tưởng nên tiếp tục chờ đợi. Ít lâu sau đó, T.Đ lại gọi điện cho chị cả của Nga là chị Diệu Hiền (SN 1985) để nói rằng có người bác bên Mỹ sắp về nên bảo chị Hiền gửi tiền để mua Ipad, mỹ phẩm... kinh doanh online. Vì gia đình chị Nga đều biết nhà của T.Đ nên không nghĩ cô gái này dám lừa mọi người trong nhà mình, chị của Nga chuyển khoản cho T.Đ 36 triệu đồng.

Nhận được tiền, cô gái này liên tục khất hẹn, nêu lý do hàng chưa về được và chỉ trả lại 10 triệu cho gia đình chị Nga vào ngày 2/7/2013. Mẹ của T.Đ là bà M.L. hứa sẽ trả dần số tiền con gái còn nợ nhưng đến nay vẫn chưa trả hết.

Trong khoảng 2 năm đó, chị Nga nhận thấy trên facebook bắt đầu chia sẻ những câu chuyện về hành vi lừa đảo của T.Đ, nhiều người cho biết mình đã là nạn nhân của cô hot girl xinh đẹp này nhưng có người ngậm ngùi bỏ qua vì chỉ mất số tiền vài trăm, nhưng cũng có người mất hàng chục triệu, dù cố gắng thúc giục đến mấy, cô gái T.Đ vẫn cố "ngâm"số tiền nợ rất lâu.

Facebook này đã đăng hàng loạt bài viết của các nạn nhân khác đã bị cô gái T.Đ lừa tiền.

Chúng tôi đã liên hệ với nhiều nạn nhân thì được biết cách thức thường thấy của T.Đ đó là sau khi đăng những hình ảnh túi xách, giày dép hàng hiệu lên facebook, có khách đặt mua, T.Đ sẽ bảo đem đến gửi tiền mặt trực tiếp, hoặc chuyển vào một số tài khoản nào đó không phải do cô đứng tên và hứa sẽ trả hàng trong thời gian sớm nhất. Nhưng đến 2,3 tháng sau, cô gái này vẫn liên lạc với các nạn nhân và kêu than rằng hàng hóa lại bị... kẹt, không thể về được.

Mọi người bắt đầu sốt ruột, một vài người nghi ngờ mình bị lừa nên đã đăng bài viết cảnh cáo lên facebook cá nhân, ngay lập tức T.Đ xoay xở đủ số tiền nợ để trả cho người này và đề nghị gỡ bài viết xuống để cô... tiếp tục bán hàng. 

Qua một số tin nhắn các nạn nhân cung cấp, vào năm 2013, T.Đ có nhắn với một khách hàng: "Em đi Đà Lạt điều trị ung thư máu, chị biết không? Chị chỉ thấy hình nhưng thực chất không biết em làm gì. Em bị bệnh, và em phải đặc trị. Đừng nhìn cuộc sống qua facebook mà phán xét em. Em muốn trả chị nên rất đàng hoàng nhưng gia đình chị đối xử với em tệ quá".

Sáng 18/6, chúng tôi đã gặp chị Nga và anh V.M.H. - một nạn nhân của T.Đ từ tháng 2/2015. Về phần chị Nga, chị cung cấp những biên bản hòa giải cũng như đơn khởi kiện cô gái T.Đ. đã được ký tên tại UBND phường An Bình.

Đây là biên bản làm việc về số tiền mà T.Đ yêu cầu Minh Hòa (em trai chị Nga) góp vốn để mua Iphone làm ăn nhưng rồi không trả, cũng không mua được hàng.

Chị Nga cho biết, gia đình chỉ trả số tiền 10 triệu đợt đầu, những đợt sau theo thỏa thuận, họ phải trả 4 triệu nhưng họ chỉ trả 2 triệu nên gia đình không lấy. 

Còn về phần anh V.M.H, anh cho biết: "Tôi bị lừa mất trắng số tiền từ vài tháng nay, nhưng cũng không có bằng chứng gì để tố cáo vì tôi chỉ giao tiền mặt hoặc nếu chuyển khoản thì T.Đ cung cấp số tài khoản của người khác. Tôi không muốn lên tiếng nhưng thời gian gần đây thấy nhiều người cũng bị như mình, tôi hiểu rằng đây là việc nghiêm trọng, nếu không dừng lại, sẽ còn nhiều nạn nhân khác nữa".

Theo anh H., khoảng thời gian trước Tết, anh có đặt mua một chiếc đồng hồ giá 11 triệu đồng và đã đến một căn nhà ở đường Trần Phú, Quận 5 để giao 8 triệu tiền cọc cho T.Đ. Vài ngày sau, T.Đ liên tục nhắn tin nói cần tiền gấp và hỏi mượn anh H. Do anh H. cũng đã từng đi cafe với T.Đ nên tin tưởng và cho mượn tiền, lúc 1 triệu, lúc 2 triệu.

"Tôi thấy mình xem như đã chuyển đủ 11 triệu tiền đồng hồ nên cũng không nghĩ gì, chỉ việc đợi hàng về thôi. Nhưng một tháng sau, T.Đ nói rằng hàng đang bị kẹt ở Mỹ, chưa về được. Tôi đã sinh nghi nhưng không nghĩ cô gái này dám lừa mình. Hàng chưa về, một thời gian sau, T.Đ lại gọi cho tôi với giọng sốt sắng, bảo tôi rằng sắp có một chú xe ôm đưa 4 triệu cho tôi, nhờ tôi chuyển khoản giùm T.Đ. Nhưng đợi mãi không thấy ông xe ôm ấy đâu, T.Đ thì cứ giục nên tôi tự lấy tiền túi mình ra chuyển cho cô ấy 4 triệu. 3 tiếng sau, bác xe ôm đến và đưa tôi... 2 triệu", anh H. kể về những lần mất tiền của mình.

Trước đó, khi liên lạc với T.Đ qua điện thoại vào tối ngày 17/6, cô gái trẻ khẳng định mình không lừa đảo mà chỉ đang trả dần tiền cho từng khách hàng. "Những ngày qua em rất khủng hoảng, em chỉ muốn chết thôi, mọi người tạo áp lực lên em rất nhiều, một số người còn gọi điện thoại đe dọa em. Chị nghĩ đi, mình đặt hàng, cũng phải trả tiền hàng, mà hàng thì kẹt lại, tiền nợ khách em và gia đình phải tự xoay xở để trả cho từng người. Nếu em là người lừa đảo, em đóng facebook và trốn luôn rồi, chứ đâu có tìm cách trả tiền cho từng người như vậy", T.Đ cho biết.

Cũng theo cô gái này, cô và mẹ đã lên phường làm việc. "Họ hẹn đóng dấu và chú công an ký tên xác nhận là gia đình em không lừa đảo. Nếu bạn muốn, có thể đến gặp chú công an đó với mình".

Chiều 18/6, chúng tôi tìm đến nhà của T.Đ (khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương), tiếp xúc với chúng tôi ngoài cổng, bà Nguyễn Thị M.L. (mẹ T.Đ.) cho biết: "Họ vu cáo và lăng mạ con tôi trên Facebook, không cho con tôi làm ăn gì được. Về việc có người tố con tôi lừa đảo đó, gia đình đã đem vụ việc giao hết cho công an phường xử lý. Theo như biên bản hòa giải, hàng tháng gia đình tôi đều lên phường để trả lại số tiền còn thiếu nhưng bên đó không đến nhận".

Bà L. còn cho hay, sáng ngày 18/6 bà đã lên làm việc với Công an phường An Bình về vụ việc này. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào chiều cùng ngày, đại diện Công an phường cho biết từ trước đến nay không hề biết và chưa từng tiếp nhận vụ việc của gia đình bà L.

Còn biên bản hòa giải của bên bà L. và bên chị Hiền vào ngày 2/8/2013 có sự góp mặt của đại diện UBND phường An Bình. Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ tịch UBND phường An Bình khẳng định: "Phường đã từng đứng ra hòa giải cho các bên tranh chấp vào thời gian trên. Trong bản hòa giải bên bà L. cũng đã đồng ý trao trả lại số tiền còn nợ. Trách nhiệm của phường vào năm 2013 là đứng ra hòa giải cho 2 bên dễ thỏa thuận với nhau hơn, nhưng theo quy định mới từ 2014 thì phường không có chức năng hòa giải nữa mà chuyển xuống cấp khu phố".

Như vậy có thể thấy, ngoài gia đình chị Nga có đầy đủ chứng cứ cũng như biên bản hòa giải từ UBND phường, thì các nạn nhân khác hầu như không có bằng chứng nào ngoài những tin nhắn trao đổi qua lại giữa T.Đ và họ.

"Chúng tôi đã nghĩ đến việc mỗi cá nhân bị lừa tiền sẽ viết đơn khởi kiện, tố cáo và gửi cùng lúc đến các cơ quan chức năng. Dù không có bằng chứng nhưng chúng tôi là những nhân chứng sống ở đây, không hề nói sai nửa lời. Hy vọng sau khi gửi đơn kiện hàng loạt, công an điều tra sẽ vào cuộc để làm rõ vụ việc này", một nạn nhân cho biết.

Có thể thấy, nếu hành vi của cô gái T.Đ đúng như những lời tố cáo của các nạn nhân thì đây có thể xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do chứng cứ của những nạn nhân liên quan đến các giao dich này chưa được rõ ràng, không có bằng chứng cụ thể để kết luận cho hành vi lừa đảo của T.Đ

Chính vì thế, với một loạt các nạn nhân bị lừa như thế này, thiết nghĩ, các nạn nhân nên cùng làm đơn tố cáo hành vi của đối tượng trên lên cơ quan công an. Có thể với số lượng nạn nhân nhiều như vậy, cơ quan công an sẽ xem xét và tiến hành điều tra vụ việc.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM

 

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất