Hãy đi xét nghiệm sớm nếu không muốn "rước" bệnh phụ khoa

Đó là ý kiến của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về sản phụ khoa khi nói về vai trò của việc xét nghiệm trong Hội nghị “Ứng dụng xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa Sản-Phụ” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Trao đổi bên lề Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Nghiêm Luật – GĐ chuyên môn Bệnh viện Medlatec nhấn mạnh: “Hiện nay, với các kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến hiện đại, việc phát hiện sớm các bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ không phải là khó khăn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân những người phụ nữ này phải đi kiểm tra, xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm. Đa số các trường hợp phát hiện bệnh liên quan đến phụ khoa hiện nay là ở giai đoạn muộn”.

Ví dụ như các trường hợp nhiễm virus Human papillomavirus (HPV), đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung (UTCTC). Tuy nhiên HPV có hơn 100 chủng được mô tả, nhưng chỉ có 13 chủng có nguy cơ mắc UTCTC cao nhất với 99,7%.

Tuy nhiên, bệnh ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua với các biểu hiện như ra máu bất thường không liên quan đến chu kỳ kinh, ra máu khi giao hợp, ra dịch hôi, kéo dài, đau vùng chậu,… Vì vậy, chị em không đi khám phụ khoa kịp thời thì đây sẽ là căn nguyên gây bệnh UTCTC.

Cũng tại Hội nghị này, Ths.BS Đinh Thị Hiền Lê - Phó khoa Ung thư (Bệnh viện Phụ sản TW) chia sẻ, với những tiến bộ của y khoa hiện đại như kỹ thuật sàng lọc UTCTC gồm phương pháp Pap smear, ThinPrep, xét nghiệm HPV,… sẽ giúp sàng lọc UTCTC giai đoạn sớm.

Hãy đi xét nghiệm sớm nếu không muốn "rước" bệnh phụ khoa - 1
Bệnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn phát hiện và đề phòng được nếu đi xét nghiệm sớm.

“Trong đó, đặc biệt là phương pháp ThinPrep sẽ giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là các tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện. Theo các nghiên cứu, phương pháp ThinPrep giúp tăng 55% số phát hiện tế bào nguy cơ ung thư cao so với phương pháp Pap truyền thống”, Ths Lê nhấn mạnh.

Ngoài những vấn đề trên, tại Hội nghị này, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những vấn đề về bất thường nhiễm sắc thể (NST) hay gặp như rối loạn NST và các bước để chẩn đoán trước sinh hiệu quả được như: xét nghiệm sàng lọc (Double test, Triple test), siêu âm thai, nuôi cấy tế bào ối để phân tích NST,...

“Nhiễm sắc thể đồ là xét nghiệm chuyên sâu chưa được chỉ định rộng rãi cho các cặp vợ chồng muốn sinh con. Hiện chỉ có các cặp vợ chồng bị vô sinh, hoặc bị sảy thai, thai lưu nhiều lần, gia đình có người sinh con bị dị tật mới được các bác sĩ sản khoa chỉ định làm nhiễm sắc thể đồ để phát hiện bất thường nhiễm sắc thể ở bố mẹ có thể gây bất thường ở thai nhi.

Xét nghiệm này là một kỹ thuật mới, đồng thời được coi là "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán sớm nhất tình trạng bệnh ở thai nhi nhằm có biện pháp điều trị, can thiệp sớm giúp giảm thiểu biến chứng, dị tật ở trẻ”, Ths.BS rịnh Thị Quế, Trưởng khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết.

Theo Khám Phá

Tin tức mới nhất