Khi Kpop bị thờ ơ ở chính quê nhà

Đông đảo thần tượng Hàn Quốc kiếm tiền từ thị trường nước ngoài nhiều hơn nội địa. Bởi thế, hầu hết nhóm nhạc hiện giờ có thành viên ngoại quốc.

K trong Kpop là viết tắt của Hàn Quốc, nhưng đã quá lâu kể từ thời kỳ dòng nhạc này chỉ được yêu thích ở trong nước. Giờ đây, Hàn Quốc thậm chí không phải quốc gia tiêu thụ các sản phẩm, nội dung liên quan đến Kpop nhiều nhất.

Theo phân tích dữ liệu của JoongAng Ilbo, quốc gia phát trực tuyến các video và bài hát của nhóm nhạc nam BTS nhiều nhất trong năm qua là Nhật Bản. Nội dung liên quan đến BTS - bao gồm MV, bản nhạc chính thức, video lời bài hát và nội dung do người hâm mộ tạo ra - tích lũy được khoảng 15,1 tỷ lượt xem từ tháng 3/2021 đến 2/2022, 2 tỷ trong số đó từ Nhật Bản.

Khi Kpop bị thờ ơ ở chính quê nhà-1

Nhóm nhạc nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và cả 7 thành viên là người Hàn Quốc. Nhưng chỉ có 5% lượt xem (768 triệu) đến từ Hàn Quốc.

Lượt xem ít ỏi từ người Hàn Quốc

Đối với nhóm nhạc nữ BlankPink - nghệ sĩ Kpop có lượt xem nhiều thứ hai (8,59 tỷ) sau BTS, quốc gia có lượng người xem lớn nhất là Ấn Độ với 820 triệu lượt xem. Với TWICE, ITZY và Seventeen, lượt xem lớn nhất đến từ Nhật Bản, Stray Kids là Mexico. IU và aespa là trường hợp hiếm hoi có lượt xem từ Hàn Quốc lớn nhất.

Nhờ sự phổ biến toàn cầu, doanh số bán đĩa album Kpop cũng tăng vọt. Sau nhiều năm tăng đều, doanh số bán album Kpop lần đầu tiên vượt qua con số 50 triệu bản vào năm 2021.

Trưởng nhóm nghiên cứu Kim Jin Woo của công ty theo dõi doanh số album Gaon Chart cho biết: “Một nửa doanh số bán đĩa CD là từ thị trường nước ngoài. Album Kpop được xuất khẩu sang 23 quốc gia vào năm 2012, sau đó là 88 quốc gia vào năm 2021”.

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, lượng album trị giá 270,3 tỷ won (222 triệu USD) được xuất khẩu vào năm 2021.

Choi Bong Hyun - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc - cho biết: “Sự toàn cầu hóa của Kpop không phải ngẫu nhiên. Kpop đã thiết lập một chu kỳ sản xuất sản phẩm âm nhạc, bao gồm việc đào tạo những cá nhân tài năng, phát triển sự nghiệp của họ không chỉ với tư cách nhạc sĩ mà cả nhân vật truyền hình và diễn viên. Sau đó, họ nghỉ ngơi và trở lại với sản phẩm âm nhạc mới. Hệ thống được tổ chức tốt đã mang lại cho Kpop một lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”.

Mori Mayumi, cựu Giám đốc Văn phòng Singapore của Asahi Shimbun, cho biết: “Chất lượng âm nhạc và hiệu suất cao của Kpop là điều khiến nó trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Trong khi đó ở Mỹ, Kpop được coi là một thứ gì đó mới mẻ vì không có nhiều ca sĩ Mỹ có thể nhảy đồng bộ trong một nhóm”.

Các nhóm nhạc Kpop khác đã tiếp bước thành công ở thị trường quốc tế do BTS mở đường. Nhóm nhạc nam 8 thành viên Stray Kids đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 vào ngày 28/3 với sản phẩm mới nhất Oddinary. Họ trở thành nhóm nhạc Kpop thứ ba đạt được thành tích này sau BTS và SuperM. Oddinary bán được 103.000 bản chỉ riêng tại Mỹ trong 6 ngày.

Tin tức này không gây bất ngờ bởi Stray Kids phổ biến ở Bắc Mỹ hơn so với Hàn Quốc. Họ là nhóm nhạc có lượt xem nhiều thứ 4 với 1,75 tỷ lượt, sau BTS, BlackPink và Twice. Hàn Quốc thậm chí không nằm trong top 10 quốc gia xem nội dung của Stray Kids. Nhóm có 45,4 triệu lượt xem ở Hàn Quốc nhưng 178 triệu lượt ở Mexico, 146 triệu lượt ở Mỹ và 79,8 triệu lượt tại Brazil.

Sự nổi tiếng ở nước ngoài giúp Stray Kids gần đây lập kỷ lục album mới. Nhóm bán được 853.000 bản album Oddinary trên toàn thế giới trong một tuần. Gần đây, ngày càng có nhiều nhóm nhạc Kpop phá kỷ lục của chính họ. Tháng trước, NCT Dream nhận được 2 triệu đơn đặt hàng album Glitch Mode. Nhóm bán được 700.000 album trong ngày đầu tiên phát hành.

Khi Kpop bị thờ ơ ở chính quê nhà-2

Cùng tháng, Red Velvet bán được 440.000 bản cho album The ReVe Festival 2022 - Feel My Rhythm trong một tuần. Con số này cao gấp đôi so với doanh thu của sản phẩm trước đó là Queendom (2021). Đây là một thành tích đáng chú ý của nhóm nhạc nữ hoạt động từ năm 2014.

Sim Se Na, trưởng nhóm Quan hệ công chúng tại Hanteo Chart, cho biết: “Thành công của BTS đã thu hút nhiều người mua album Kpop hơn. Khi việc tiêu thụ âm nhạc chuyển sang phát trực tuyến và tải xuống, doanh số bán album đã giảm ở hầu hết quốc gia, bao gồm Mỹ. Nhưng người hâm mộ Kpop lại ngày càng mua nhiều album. Ngay sau khi nghệ sĩ phát hành album, người hâm mộ đoàn kết và quyết tâm thiết lập kỷ lục mới cho thần tượng”.

Thị trường nội địa không còn là trọng tâm

Giờ đây, các nhóm nhạc Kpop không cần tập trung nhiều vào việc nổi tiếng trong nước. Chương trình sống còn của Mnet Girls Planet 999 phát sóng vào mùa hè năm 2021, chưa bao giờ đạt tỷ xuất người xem cao. Nhóm nhạc nữ 9 thành viên Kep1er được thành lập bởi chương trình và ra mắt vào tháng 1. Ở trong nước, thành tích của nhóm rất ảm đạm.

Tuy nhiên, nhóm nổi tiếng ở nước ngoài. Sản phẩm đầu tay của Kep1er là First Impact bán được 206.000 bản trong tuần đầu phát hành. Con số trên giúp Kep1er lập kỷ lục mới về doanh số bán album đầu tay của một nhóm nhạc nữ Kpop. Điều đó chứng minh mức độ nổi tiếng ở Hàn Quốc không phản ánh mức độ thành công của một nhóm nhạc.

Girls Planet 999 có sự tham gia của 99 thần tượng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong số 9 thí sinh lọt vào đội hình ra mắt của Kep1er, 6 người đến từ Hàn Quốc, một từ Trung Quốc và hai người Nhật Bản. Đây là chương trình đầu tiên của Mnet nhận phiếu bầu từ khán giả nước ngoài. Điều này cho phép người hâm mộ nước ngoài có tiếng nói trong việc ai lọt vào đội hình ra mắt. Girls Planet 999 thu hút hoảng 103 triệu phiếu bầu, 90% trong số đó đến từ nước ngoài, theo Mnet.

Daniel, một khán giả người Nhật gốc Anh ở độ tuổi 40, chia sẻ với Korea JoongAng Daily anh đã xem chương trình này vào năm 2021 thông qua nền tảng phát trực tuyến video của Nhật Bản. Daniel bình chọn cho một thí sinh Nhật Bản tên là Sakamoto Mashiro.

Anh bình chọn cho Sakamoto mỗi ngày và cùng những người hâm mộ khác quyên tiền để quảng bá nữ thần tượng. Ở tập cuối cùng, Sakamoto Mashiro đứng vị trí thứ 8 và ra mắt cùng nhóm nhạc Kep1er. Daniel cho biết anh ấy mua hơn 30 bản album First Impact để ủng hộ nhóm nhạc nữ.

Theo quan điểm từ các công ty Kpop, quốc tịch của người hâm mộ và người mua không quan trọng - miễn họ tích cực phát trực tuyến nhạc và mua album, hàng hóa. Sự nổi tiếng trong nước không còn là trọng tâm chính của các công ty giải trí.

Khi Kpop bị thờ ơ ở chính quê nhà-3

Lượng khán giả lớn hơn, đa dạng hơn đồng nghĩa với việc các công ty phải nỗ lực để đáp ứng thị hiếu. Vẫn có những nhóm nhạc Kpop thành công khi họ chỉ toàn người Hàn chẳng hạn BTS, Red Velvet, ITZY. Tuy nhiên, ngày nay rất khó để có thể tìm ra một nhóm nhạc không có ít nhất một thành viên ngoại quốc. Ngoài ra, các bài hát cũng thường được sáng tác bởi nhạc sĩ Hàn Quốc và nước ngoài. Các công ty giải trí cũng giao phần vũ đạo cho biên đạo trên toàn thế giới.

Quy trình sản xuất các thần tượng Kpop hiện được thiết lập như một chuỗi giá trị toàn cầu và có hệ thống. Hệ thống này sử dụng tất cả nguồn lực sẵn có từ khắp nơi trên thế giới. Một ví dụ hit Life Goes On (2020) của BTS. Đây là bài hát có lời Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

Đứng sau bài hát không chỉ có các nhà sản xuất Hàn Quốc và một số thành viên BTS. Các nhạc sĩ, nhà sản xuất nước ngoài gồm Ruuth, Chris James và Antonina Armato cũng tham gia quá trình sản xuất.

SM Entertainment thậm chí thành lập "trại sáng tác" kể từ năm 2009 để tập hợp các nhạc sĩ Hàn Quốc và nước ngoài. Họ cùng nhân viên SM thực hiện những sản phẩm mới.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/khi-kpop-bi-tho-o-o-chinh-que-nha-post1308065.html

Kpop

Tin tức mới nhất