Kiêng đường để diệt ung thư: Ung thư chết hay người bệnh chết?

Một số nhà khoa học uy tín của Mỹ đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong hướng điều trị ung thư, với chế độ ăn Keto. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mới dừng lại ở quan điểm cá nhân.

1. Mách nhau low carb và high good fat để chống ung thư

Sau sự ra đi của ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập, nhiều người rất bàng hoàng về sự tàn phá khủng khiếp của căn bệnh ung thư. Trên khắp các diễn đàn, người ta truyền nhau những cách để phòng tránh và tiêu diệt ung thư.

Một trong những phương pháp được chia sẻ rất nhiều, đó là phương pháp ăn kiêng low carb và high good fat (giảm thiểu tinh bột và tăng cường chất béo có lợi).

Phương pháp này dựa trên cơ sở những hình ảnh chụp PET Scan của bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn (metastasis) để nhận thấy rằng khối u ung thư có đặc điểm khác biệt là khả năng hấp thụ Glucose gấp 20 lần tế bào bình thường.

 Hình ảnh chụp PET Scan của bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn (Ảnh lấy từ diễn đàn chia sẻ phương pháp dinh dưỡng Keto phòng chống ung thư)

Hình ảnh chụp PET Scan của bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn (Ảnh lấy từ diễn đàn chia sẻ phương pháp dinh dưỡng Keto phòng chống ung thư)

Nhìn vào hình minh họa chúng ta sẽ thấy khi bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn di căn thì nó càng hấp thụ Glucose mạnh và có nghĩa rằng bao nhiêu cơm gạo, hoa quả, đường sữa bệnh nhân ăn hàng ngày sẽ đem ra để nuôi tế bào ung thư hết.

Và càng chữa trị thì tế bào ung thư sẽ càng phát triển. Bởi đơn giản phẫu thuật, xạ trị, tiêm hóa chất không tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Cắt xẻo chỗ này, mà vẫn cung cấp glucose cho tế bào ung thư thì nó lại lan ra chỗ khác.

Theo lập luận của những người ủng hộ phương pháp này, giải pháp duy nhất ở đây đó là phải cho bệnh nhân ung thư theo chế độ low carb và high good fat.

Bằng việc nâng nồng độ ketone trong máu, giảm glucose xuống tối đa. Tế bào ung thư sẽ chết và không thể phát triển trong môi trường ketosis.

Những ai có người nhà bị bệnh ung thư có thể theo chế độ high fat của DAS rất đơn giản là ăn các loại rau xanh, củ quả không tinh bột.

Các loại thịt thì không nên ăn thịt nạc như ức gà, hay ăn thịt bò (vì ít chất béo). Nên các loại thịt ba chỉ, chân giò, đùi gà không bỏ da, dùng dầu oliu...

Bằng cách trên 1 lúc chúng ta sẽ làm 2 việc, 1 là tiêu diệt nguồn thức ăn của tế bào ung thư, 2 là nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống chọi lại tế bào ung thư, cải thiện sức khỏe của bệnh nhân ung thư.

Thực chất, phương pháp này xuất hiện từ rất lâu, và được gọi dưới cái tên chế độ chế độ dinh dưỡng Ketogenic (chế độ ăn Keto).

2. Chỉ là quan điểm cá nhân của một số nhà khoa học

Năm 1921, tại một cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y tế Mỹ, tiến sĩ Henry Rawle Geyelin đến từ Trung tâm Y tế Mayo, Mỹ đã chứng minh chế độ dinh dưỡng ketogenic (chế độ ăn Keto) có thể điều trị bệnh động kinh.

Và từ đó, các loại thuốc chống động kinh dựa trên nguyên lý của chế độ ăn này được phát minh. Tuy nhiên, việc áp dụng các chế độ ăn Keto chưa được công nhận.

90 năm sau, chế độ ăn này đã được "sống lại" như một phương pháp giảm cân nhanh chóng và hiệu quả.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2004 có tên “Tim mạch lâm sàng”, tiến sĩ Henry Dashti, tác giả cho biết chế độ ăn Keto làm giảm mạnh trọng lượng cơ thể, giảm lượng cholesterol và không có tác dụng phụ đáng kể.

Năm 2007, Bệnh viện Würzburg ở Đức đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng với chế độ ăn uống Keto, bao gồm hàm lượng tinh bột thấp, protein đầy đủ và nhiều chất béo với các bệnh nhân ung thư.

Một số bệnh nhân đã tử vong trước khi kết thúc lộ trình thử nghiệm. Một số người bỏ cuộc vì không "cưỡng lại được đồ ăn ngọt".

5 bệnh nhân chiến đấu đến "hơi thở cuối cùng" đã gặt hái thành công. Các khối u không cơ cơ hội phát triển thêm. Sau đó, bệnh viện tiếp tục áp dụng phương pháp điều trị này và kết quả thu được cũng rất khả quan.

Tiếp đó, năm 2012, trong cuốn sách có tên “Ung thư là căn bệnh của chuyển hóa”, giáo sư sinh học Thomas Seyfried đến từ Trường Đại học Boston, Mỹ đã đưa ra kết luận nguồn gốc của ung thư là từ quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

 Giáo sư Thomas Seyfried và cuốn sách mang tên Ung thư là căn bệnh của chuyển hóa.

Giáo sư Thomas Seyfried và cuốn sách mang tên "Ung thư là căn bệnh của chuyển hóa".

Theo đó, không giống như các tế bào bình thường, các tế bào ung thư chỉ có thể sử dụng glucose, thành phần chính của các carbohydrate, như một nguồn năng lượng để tồn tại và phát triển.

Bằng cách hạn chế carbohydrates, bệnh nhân có thể ngăn ngừa các tế bào ung thư phát triển. Nếu không có glucose, các tế bào ung thư có thể bị chết.

Kết quả này đã dẫn đến những thay đổi trong cách điều trị bệnh ung thư khác hẳn với phác đồ điều trị truyền thống chủ yếu là sử dụng hóa trị liệu và xạ trị.

Căn cứ theo lý thuyết trên cùng với những tham khảo từ các nghiên cứu của Bệnh viện Würzburg, giáo sư Seyfried và đồng nghiệp giới thiệu một phương pháp điều trị ung thư mới. Đó là chế độ ăn Keto.

Đây là một chế độ ăn cắt giảm hầu hết mọi tinh bột đưa vào cơ thể con người và thay thế vào đó là tập trung các loại chất đạm chất lượng cao, chất béo tốt và các chất carbohydrates từ rau quả.

Chế độ ăn Keto dành cho bệnh nhân ung thư (Việt hóa bởi Soha.vn)
Chế độ ăn Keto dành cho bệnh nhân ung thư (Việt hóa bởi Soha.vn)

Khi bệnh nhân thực hiện chế độ ăn Keto, tế bào ung thư sẽ bị bỏ đói và không thể thực hiện quá trình chuyển hóa năng lượng và phát triển.

“Chế độ ăn Keto không điều trị khỏi bệnh ung thư hoàn toàn nhưng làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh. Tùy thuộc cơ địa của từng bệnh nhân mà có những phản ứng khác nhau với phương pháp này.

Một số người đáp ứng rất nhanh trong khi một số khác thì rất khó giảm được lượng đường trong máu. Chúng tôi biết có nhiều người đã có khối u ngừng phát triển hoặc trở lên “lười hoạt động” khi áp dụng chế độ ăn này”, giáo sư Seyfried nói.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là nghiên cứu của riêng giáo sư Seyfried. Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư bằng chế độ ăn Keto vẫn chưa được công nhận và cũng chưa được áp dụng rộng rãi.

3. Chuyên gia Việt Nam nói gì?

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Xuân Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tế bào ung thư phát triển rất nhanh, tấn công và lan rộng ra tế bào thường.

Để đảm bảo mức phát triển nó cũng cần năng lượng rất lớn trong đó các chất glucose và protein đều được tế bào ung thư hấp thụ nhanh và nhiều hơn tế bào thường nhưng không phải vì thế mà ăn kiêng để diệt tế bào ung thư.

Cơ thể suy kiệt, tế bào lành cũng bị tiêu diệt , tế bào ung thư sẽ có cơ hội phát triển hơn. Bệnh nhân nhanh tử vong hơn. Bác sĩ Dũng cho biết trong mọi điều kiện không nên ăn kiêng bất cứ điều gì mà bệnh nhân ung thư phải ăn nhiều để có sức đề kháng tốt.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho rằng ăn kiêng là việc không được phép với người bị bệnh ung thư.

Người bệnh cần phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm 4 nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo và chất xơ. Tuy nhiên, ăn bất cứ cái gì cũng phải ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều.

Rất nhiều bệnh nhân sau khi bị ung thư đã ăn kiêng, nhịn ăn vì nghĩ nhịn ăn tế bào ung thư không có thức ăn nó sẽ chết nhưng thực tế thì bệnh nhân đã chết vì đói.

Tại Bệnh viện K Trung ương, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Bệnh viện K trung ương cơ sở 3 cho biết rất nhiều bệnh nhân đã nhịn ăn để chữa ung thư và khi vào đến viện cấp cứu thì cơ thể suy kiệt, thậm chí có bệnh nhân còn tử vong vì suy kiệt cơ thể.

Bác sĩ Hương cho biết có những bệnh nhân nghe lang băm phán uống thuốc, không được ăn thịt, uống sữa, ăn cơm. Sau hơn tháng thì bị suy thận, người phù mới vào viện cấp cứu.

Lúc này, bác sĩ điều trị cũng khó mà nguy cơ tử vong do suy đa phủ tạng cũng cao hơn.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội cho biết bệnh nhân ung thư vẫn phải điều trị dinh dưỡng trước tức phải khoẻ mạnh mới có thể chiến đấu được bệnh tật, không được nhịn ăn hay chữa theo trường phái gì.

Về phần tế bào ung thư, nguyên tắc ung thư gây ra do sự phân chia tế bào bị lỗi và tế bào này phát triển, lấn át tế bào lành.

Nhưng tế bào ác tính lại rất “tham ăn” nên khi truyền hoá chất thì tế bào ác tính sẽ bị tiêu diệt đầu tiên do hấp thụ phải các “chất độc” từ hoá chất, tế bào lành chỉ bị tổn thương.

Nếu điều trị hoá chất, ăn khoẻ, ngủ khoẻ bồi dưỡng cơ thể tốt là cơ hội để tế bào lành phát triển lấn át đi tế bào ác tính. Các bài ăn kiêng đều không được bác sĩ khuyến khích nhiều.

Theo Soha/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất