Lễ hội 'rước của quý' ở Lạng Sơn

Lễ rước "tàng thinh" và "mặt nguyệt", biểu tượng của nam và nữ, diễn ra ở xã Trấn Yên, Lạng Sơn, cầu một năm mưa thuận gió hòa.

Màn rước sinh thực khí nam (hay còn gọi là tàng thinh) là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an trong lễ hội xuân Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Lễ hội diễn ra hôm 19/2 (ngày rằm tháng Giêng hàng năm).

Từ sáng sớm, ông Mo, Hội và các anh Tưởng đã vào đình lấy ống bương đựng nước, ra làm lễ tại miếu thờ đức Vua Miêu Tĩnh (một cách gọi tên ẩn ý vì Thái Tổ Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão – 1483) và xin "nước Tiên" về để dâng vua.


Thầy mo lấy nước ở giếng Mỏ vàn, nằm ngay cạnh miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh.


"Tàng thinh" là linh vật của người đàn ông có chiều dài hơn 1 m, đường kính hơn 40 cm và nặng hơn 1 tạ, làm bằng gỗ. Linh vật được bọc kín để phía trong đình trước khi đem ra làm lễ.


Các trai làng chuẩn bị trang phục để vào vai lính trong lễ hội.


Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ". Các trai làng tham gia lễ hội sẽ bôi đen xì mặt mình.


Du khách thích thú và lạ lẫm với lễ hội này. Nhiều người tranh thủ ghi lại hình ảnh với "tàng thinh" trước khi lễ rước bắt đầu.


Tích trò sĩ nông công thương và biểu diễn võ thuật diễn ra suốt quãng đường từ đình làng Mỏ về miếu Xa Vùn, nơi thờ đức thánh Cao Sơn Quý Minh.


Các trai tráng thể hiện màn biểu diễn võ tái hiện cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.


Nếu "tàng thinh" là linh vật của người đàn ông thì "mặt nguyệt" tượng trưng cho người phụ nữ. Khi 2 linh vật giao hòa tạo sự an bình, sinh sôi trong cuộc sống.


Ông Hoàng Văn Páo, ban tổ chức lễ hội năm nay, cho biết: "Đây là phần rước được phục dựng từ năm 2013. Để lễ hội diễn ra suôn sẻ, gần 400 hộ dân trong xã phải chuẩn bị từ tháng 11 âm".


"Tàng thinh" cùng các lễ vật được rước từ đình làng Mỏ đến miếu Vũ nơi thờ đức thánh Cao Sơn Quý Minh. Mong đức thánh phù hộ cho dân làng một năm nhiều may mắn, bình an mưa thuận gió hoà.

Theo Ngôi Sao


lễ hội

Tin tức mới nhất