Nạn đào hài cốt xem bói và cuộc chiến chống tà thuật của vua Gia Long

Hơn 200 năm trước, do dân trí thấp, tà thuật, mê tín dị đoan khá phổ biến trong xã hội. Vua Gia Long đã có nhiều biện pháp mạnh tay để dẹp nạn này.

Trong những năm đầu trị vì đất nước, vua Gia Long và các triều thần rất quan tâm nạn mê tín dị đoan.

Dân chúng cả tin vào lời ma mị của đạo sĩ, thầy bói đã đắm chìm trong cơn mộng mị cầu đảo, quật mồ làm bùa chú, giết người luyện thuốc…Những tà thuật này đều được Đại Nam hội điển sự lệ của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép lại.

Đào hài cốt cha mẹ để xem bói

Trong những năm đầu trị vì của vua Gia Long, mê tín dị đoan là quốc nạn. Các đạo sĩ, thầy địa lý hoành hành khắp nơi.

Tin theo những lời xằng bậy, một bộ phận người dân thường theo tục “đào bới hài cốt cha mẹ, bậc tôn trưởng để chiêm nghiệm việc tốt xấu”. Người ta còn quật mồ mả để hủy hoại, làm thương tổn tử thi, trộm quần áo của xác chết.

Một số kẻ vô nhân tính hại người lấy tai mắt, nội tạng để luyện bùa thuốc.

Trước nạn mê tín dị đoan hoành hành, gây những hậu quả nghiêm trọng, vua Gia Long khẳng định trước triều thần: "Những thuật cầu đảo, sám hối, giải ách đều là vô ích cả. Kẻ có tà thuật đều giả trá, lừa dối cho người nghe sinh biến đổi rối loạn trong lòng, vẽ bùa, viết khoán, nhờ pháp thuật để sinh nhai, chuộc mạng, chiêu hồn, lấy con bệnh làm của báu”.

Nạn đào hài cốt xem bói và cuộc chiến chống tà thuật của vua Gia Long-1
Vua Gia Long rất mạnh tay chống nạn mê tín dị đoan.

Dẫn lại sử sách xưa, nhà vua khẳng định, “từ xa xưa, những kẻ lấy bói toán, cầu đảo làm mê hoặc dân chúng sẽ bị các đấng quân vương giết đi, chỉ cúng tế vị thần chính đáng, trừ khử sự mê hoặc, bỏ thuyết gian tà để cho tục dân hết thảy theo về chính đạo".

Năm 1804, Gia Long ra chỉ dụ “có kẻ phù đồng ấp bóng, bịa ra lời nói của thần, kiêng ăn, cấm thuốc, kẻ đau ốm không thể cứu lại được. Lại có những thuật làm người bằng giấy, làm ngựa bằng cỏ, ném gạch đá vào nhà, đốt cháy nhà cửa, cùng những bùa thuốc làm mê hoặc, đã lấy pháp thuật để quấy nhiễu người lại đến tận nhà để xin chữa, lừa dối trăm cách, thực là mối hại lớn của nhân dân".

Cuộc chiến chống tà thuật

Theo lệnh vua, triều đình cấm những kẻ hành nghề phù thủy. Bộ Hình định rõ tội danh và trừng trị thẳng tay những kẻ phạm tội, nhẹ thì đánh roi, nặng tử hình.

Những thầy cúng, đồng cốt, vẽ bùa đọc chú vào bát nước hầu giá lên đồng tự xưng là Đoan Công, Thái Bảo, Phật Di lặc, các hội Bạch Liên xã, Minh Tôn Giáo, Bạch Vân Tôn sẽ bị tống giam chờ ngày xử tử.

Những kẻ tòng phạm sẽ bị phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm, suốt đời không được trở về quê.

Những kẻ đóng giả thần tượng, gõ thanh la, đánh trống, đón thần mở hội, phạt 100 trượng. Lý trưởng biết không tố cáo, phạt xuy 40 roi - bị nọc ra đánh đòn, vừa bị đánh vừa bị răn cho biết nhục. Đàn bà phạm tội làm đồng cốt, hình phạt sẵn dành là "phạt xuy 100 roi, bắt đi giã gạo 6 tháng".

Với những kẻ đào mồ mả người khác chưa đụng đến quan quách "phạt 100 trượng, đày 3 năm", đào đến quan quách "phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm", nếu đã mở quan quách thấy xác người sẽ bị "tội giảo giam hậu", tống giam chờ ngày treo cổ.

Riêng những kẻ lấy tai mắt, tạng phủ của người sống làm thuốc sẽ bị xử tội “lăng trì”, vợ con bị bắt đi đày tới 2.000 dặm. Kẻ hành động nhưng chưa làm bị thương nạn nhân cũng là chém đầu, vợ con bị đày 2.000 dặm. Kẻ tòng phạm bị xử phạt 100 trượng, đày 3.000 dặm.

Can phạm làm ra hay nuôi chứa loài sâu có chất độc để giết người, bị phát giác, sẽ bị xử trảm. Vợ con và người ở chung nhà cũng bị xử lưu 2.000 dặm.

Kẻ khắc vẽ hình người để yểm phản, làm phù chú nguyền rủa, muốn làm chết người khác, sẽ bị khép vào tội mưu giết người, tội này theo luật hình thời bấy giờ cũng là trảm.

Theo Đại Nam hội điển sự lệ, chống bùa chú, mê tín dị đoan là cuộc chiến cam go của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Dù cho vua Gia Long đã rất mạnh tay, trừng trị nghiêm khắc can phạm, không vì thế mà tệ nạn này sớm bị xóa bỏ. Trái lại, nó vẫn âm ỉ trong dân chúng.

Sau khi Gia Long qua đời, kế nghiệp vua cha, Minh Mạng tiếp tục với cuộc chiến chống tà thuật. Ngoài việc xử tử những kẻ phạm trọng tội, vua còn xử phạt nặng quan lại ở những địa phương để xảy ra mê tín dị đoan.

Vua Gia Long tên thật Nguyễn Phúc Ánh, sinh năm 1762, mất năm 1820. Ông là vị vua đã dựng nên nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam (1802-1945).

Ông trị vì đất nước trong 18 năm, sau khi mất được suy tôn là Thế Tổ Cao Hoàng Đế, an táng ở lăng Thiên Thọ.

Gia Long chính là vị vua đầu tiên trong lịch đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam.

Theo Zing

 


tin tức

Tin tức mới nhất