Nguyên nhân khiến người mẹ sinh năm 2000 sát hại con gái 4 tháng tuổi tại Bắc Kạn

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước cái chết đau lòng của một bé gái 4 tháng tuổi khi hung thủ lại chính là mẹ đẻ của cháu.

Khoảng 16h ngày 21/1, lực lượng chức năng nhận tin báo của anh Đặng Văn Cuối hiện đang làm thuê tại tỉnh Lào Cai trình báo về việc con gái gần 4 tháng tuổi tử vong chưa rõ nguyên nhân tại nhà riêng ở thôn Khau Phảng (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn).

Nạn nhân được xác định là cháu Đặng Ngọc Lê (sinh tháng 9/2020). Khám nghiệm phát hiện trên cổ cháu bé có 2 vết thương, nghi bị siết cổ dẫn tới ngạt thở, tử vong. Thời gian tử vong khoảng 14h-16h cùng ngày.

Hiện Công an tỉnh Bắc Kạn đang giữ hình sự đối với Hoàng Thị Đào (SN 2000, mẹ cháu Lê) để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên. Bước đầu Đào khai nhận, chiều 21/1, do bực tức cháu bé quấy khóc nên đã dùng khăn siết cổ cháu bé.

Sau khi gây án, Đào sang nhà hàng xóm gần đó để nhờ gọi điện thông báo cho chồng của mình đang làm thuê tại tỉnh Lào Cai.

Theo chính quyền địa phương, Đào và anh Cuối ở với nhau khoảng 1 năm, sau khi sinh cháu bé đã tổ chức đám cưới vào tháng 11/2020. Hiện 2 vợ chồng ở nhà riêng nên khi vụ việc xảy ra người thân không hay biết.

Đào vốn không được nhanh nhẹn như người bình thường, lại nghiện chơi game trên điện thoại và có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Nghi phạm này sinh ra và lớn lên tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn) và mới về làm dâu tại địa phương.

Chia sẻ về vụ việc đau lòng này, luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, người mẹ nào cũng thương và lo cho con, việc Đào thực hiện hành vi trên có thể đã mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh nên đã dẫn đến hành động bột phát trên.

Theo đó, chứng trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, tuyệt vọng xuất hiện sau sinh của phụ nữ. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.

"Sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hoóc môn tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, nhiều người còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến mất hết hứng thú trong cuộc sống.

Tình trạng càng trở lên trầm trọng nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính. Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm sau sinh là người phụ nữ bị suy nhược cơ thể.

Kèm theo đó, nhiều người sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể. Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm có thể do hoang tưởng, suy thoái, mất cân bằng và ảo giác chi phối nên dễ có những hành động không kiểm soát được", luật sư Tuấn nhận định.

Nguyên nhân khiến người mẹ sinh năm 2000 sát hại con gái 4 tháng tuổi tại Bắc Kạn-1
Hoàng Thị Đào tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an Bắc Kạn

Theo luật sư Tuấn, cho dù có mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh thì người mẹ này có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" được quy định tại điểm b, khoản 1 (Điều 123, BLHS 2015) với tình tiết định khung "giết người dưới 16 tuổi".

Để khởi tố người mẹ, cơ quan điều tra phải làm rõ động cơ, mục đích và trạng thái tâm lý lúc người mẹ này ra tay sát hại con mình.

Nếu xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho con do mâu thuẫn gia đình và do bị ảnh hưởng về bệnh trầm cảm sau sinh thì cần thiết phải giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người".

Khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để thực hiện công tác phòng ngừa chung cho xã hội. Còn nếu người mẹ chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

"Trong vụ việc đau lòng này, để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người mẹ trẻ, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng này. Nếu đối tượng chỉ mắc chứng trầm cảm thì chắc chắc người mẹ sẽ bị khởi tố về tội giết người. Bên cạnh chịu sự phán xét của pháp luật, một bản án lương tâm sẽ theo người mẹ ấy suốt quãng đời còn lại", luật sư Tuấn chia sẻ.

Theo Gia đình & Xã hội 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.net.vn/phap-luat/di-tim-nguyen-nhan-khien-nguoi-me-sinh-nam-2000-sat-hai-con-gai-4-thang-tuoi-tai-bac-kan-20210123080808341.htm

mẹ giết con Giết Người

Tin tức mới nhất