Ông Bùi Danh Liên: 'Vi phạm giao thông cho đi cọ rửa nhà vệ sinh sẽ nhớ suốt đời'

Chuyên gia cho rằng, thay vì tăng mức xử phạt như hiện nay, nước ta nên có quy định phạt lao động công ích với người vi phạm để có tính răn đe và thay đổi ý thức của người dân.

Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ. Trong đó, sẽ tăng mức phạt 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông so với Nghị định 171, 107 được ban hành và áp dụng trước đó.

Đây không phải lần đầu tiên việc tăng mức xử phạt được áp dụng nhằm răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cho đến nay tai nạn giao thông vẫn là một vấn nạn của đất nước.

vuot-den-do
Người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ khi không thấy CSGT.

Vậy, việc tăng mức xử phạt liệu có nâng cao ý thức của người tham gia giao thông hay không?

 PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, việc tăng phí xử phạt theo nghị định mới liệu có khiến người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông không?


Việc tăng mức xử phạt là phù hợp với quy luật quản lý xã hội, phạt càng nặng – tính răn đe càng cao. Nhưng tôi nghĩ còn có nhiều cách có tính nhân văn hơn, giáo dục, răn đe người dân hơn là cứ đè đầu ra phạt tiền. Nhà quản lý nhà nước phải nghĩ phạt để răn đe nhưng người ta ý thức không lặp lại vi phạm.

Để làm được điều đó lại quay trở lại vấn đề ý thức con người. Phải xây dựng chiến lược lâu dài, xây dựng, giáo dục ý thức văn hóa giao thông từ bé, từ trên ghế nhà trường…

Việc lao động công ích không gây ức chế bằng việc đè đầu người vi phạm ra phạt với đủ mọi quy định và mức tăng, việc lao động công ích chắc chắn sẽ có tác động nhiều đến tâm lý người vi phạm và qua đó, thay đổi nhận thức và hành vi trong tham gia giao thông.

Ông Bùi Danh Liên

Người thực thi pháp luật phải là người thực hiện nghiêm luật, không bảo kê, bao che cho sai phạm, không lợi dụng luật để trục lợi cá nhân, nhóm lợi ích. Người hành pháp mà liêm chính thì người dân mới tuân thủ, nâng cao ý thức. Nếu không làm được điều đó, không chống tiêu cực được trong lực lượng thực thi pháp luật thì không bao giờ nâng cao được ý thức người tham gia giao thông.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như hạ tầng giao thông, giáo dục…tác động đến ý thức chấp hành luật lệ của con người.

- Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng làm đủ mọi cách để nâng cao ý thức, hình thành văn hóa giao thông cho người dân nhưng chưa thành công. Theo ông, ngoài việc tăng mức phí thì có hình thức xử lý nào khác để nâng cao ý thức?


Việc chỉ tăng mức thu phí với những thành phần có tiền thì họ không sợ, phạt một vài trăm nghìn họ sẵn sàng nộp phạt rồi đi tiếp, không tác động được đến tâm lý người dân. Đánh vào kinh tế cũng là 1 cách nhưng hình thức này không đánh được vào ý thức người dân.

Có thể lấy ví dụ về mô hình xử phạt ở một số nước khác. Đơn cử như Trung Quốc, với những lỗi nhỏ người vi phạm thay vì bị xử phạt theo hình thức nộp tiền thì sẽ phải lao động công ích. Ví dụ như đứng cầm cờ điều khiển giao thông tại ngã tư đường, có sự giám sát và hỗ trợ của cơ quan chức năng trong thời gian nhất định.

dau_troc_xam_tro13_1
Chuyên gia cho rằng, nên có quy định người vi phạm giao thông thay vì bị xử
 phạt theo hình thức nộp tiền thì sẽ phải lao động công ích.

Thậm chí là đi cọ rửa nhà vệ sinh công cộng, hay làm vệ sinh nơi công cộng. Một số nước trên thế giới cũng áp dụng hình phạt này. Nó sẽ khiến người vi phạm nhớ suốt đời, xấu hổ và không dám vi phạm nữa. Hơn hết, việc lao động công ích không gây ức chế bằng việc đè đầu người vi phạm ra phạt với đủ mọi quy định và mức tăng, việc lao động công ích chắc chắn sẽ có tác động nhiều đến tâm lý người vi phạm và qua đó, thay đổi nhận thức và hành vi trong tham gia giao thông.

Tôi cho rằng ngoài vi phạm giao thông thì các vi phạm khác nếu không nghiêm trọng như bẻ hoa công viên, xả rác ra đường, hút thuốc nơi công cộng… đều nên áp dụng hình thức xử phạt bằng việc lao động công ích.

Năm 2014, cựu Thủ tướng Italia - ông Silvio Berlusconi bị tòa án nước này xử phạt lao động công ích 1 năm. Đây là hình phạt nhân văn, mang tính giáo dục cao nên được áp dụng, nên nghiên cứu đề xuất để sớm đưa vào Luật.

- Có ý kiến cho rằng, việc nâng mức phạt sẽ nảy sinh tiêu cực?

Trước hết, về phía người dân phải tuân thủ pháp luật, chấp hành quy định pháp luật khi mắc lỗi.

Về phía nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật cụ thể là lực lượng CSGT phải thực hiện cuộc thanh lọc những thành phần tử tiêu cực. Tăng cường giám sát trong ngành CSGT, tăng cường sự giám sát của người dân.

- Đợt ra quân xử lý theo Nghị định mới được đánh giá là thành công nhưng còn mang nặng hình thức, ông đánh giá thế nào?


Ở nước ta hay mắc bệnh thành tích, mỗi năm không biết bao nhiêu đợt ra quân xử lý rầm rộ, kết quả đạt được cũng rất tốt nhưng ra quân xong tất cả lại về và tình hình lại đâu vào đấy. Bệnh của nước ta là làm theo phong trào, không duy trì được lâu dài, không thành quy chế thực hiện thường xuyên. Nó làm cho người dân mất lòng tin. Nó như một viên đá ném xuống nước, tạo nên sóng nhưng rồi lại yên lặng.

Thay vì những đợt ra quân rầm rộ thì cơ quan chức năng nên thực hiện xử lý thường xuyên, ngày nào cũng là ra quân xử lý, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật để người dân tâm phục khẩu phục. Kết hợp với nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục khác…chắc chắn ý thức của người tham gia giao thông sẽ tăng lên.

Người nước ngoài, ý thức tham gia giao thông của họ rất tốt, vì họ được giáo dục từ bé, từ trong nhà trường, cơ quan thực thi pháp luật họ rất nghiêm minh.

Video: Tắc đường người dân đua nhau lao lên vỉa hè


- Theo Nghị định 46, lỗi vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ khiến người dân xôn xao. Có ý kiến cho rằng nên bỏ đèn vàng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi cho rằng đèn tín hiệu được người ta phát minh ra thì đều có công - năng của nó cả. Đèn đỏ để báo hiệu cho người ta dừng lại, đèn vàng để cảnh báo, là bước chuyển từ đèn xanh sang đèn đỏ để người tam giao giao thông không bị bất ngờ. Trong quá trình lưu thông, đèn vàng chỉ sáng khoảng 3 giây thôi, báo hiệu cho người tham gia giao thông rằng phải giảm tốc độ và dừng lại. Tác dụng của đèn vàng là như vậy, không nên nhìn nhận việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng tương tự như đèn đỏ mà có ý kiến đòi bỏ đèn vàng.

Hiện nay, một số đèn giao thông tại các ngã tư đường chưa có đèn đếm số ngược, cần phải lắp đặt ngay cho những điểm này đèn đếm số để tránh làm khó cho người tham gia thông. Theo tôi được biết, trên thế giới chưa nước nào bỏ đèn vàng cả.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VTC

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao