Từ vụ nữ sinh tử vong vì viêm màng não mô cầu: Phòng ngừa ra sao?

Thể nhiễm trùng đường huyết do vi khuẩn não mô cầu gây suy đa phủ tạng rất nhanh, bệnh nhân viêm màng não mô cầu có thể tử vong sau vài tiếng phát bệnh.

Nguy hiểm nếu phát bệnh

Mới đây, 1 ca bệnh viêm não mô cầu ở Hải Dương đã tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), khoảng 10% dân số có vi khuẩn gây viêm não mô cầu ở vùng họng, nhưng chỉ rất ít ca phát bệnh.

Bác sĩ Cấp cho biết, cho dù tỷ lệ dân số mang vi khuẩn gây viêm não mô cầu khá cao nhưng chỉ rất ít ca “bỗng dưng” phát bệnh. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể lý giải được con vi khuẩn đang bình yên chung sống trong cơ thể người lại “phát tác” thành các triệu chứng bệnh nghiêm trọng. “Nhưng khi đã phát tác thì con vi khuẩn với độc lực mạnh sẽ lây sang người khác qua đường hô hấp, khiến người bị lây cũng phát bệnh” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

tu vu nu sinh tu vong vi viem mang nao mo cau: phong ngua ra sao? hinh anh 1

Người bệnh viêm não mô cầu có thể bị nhiễm trùng huyết với các phát ban trên da |
(Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Cấp, trước đây khi công tác khoanh vùng, dập dịch chưa tốt thì mỗi ca bệnh mô cầu lại tạo ra ổ dịch, khiến hàng chục người tiếp xúc với bệnh nhân phát bệnh. Nhưng hiện nay, khi có ca bệnh, ngành y tế đã khoanh vùng, cách ly người bệnh ngay lập tức, đồng thời giám sát những người có tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, bệnh dịch không lây lan rộng. Mỗi năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chỉ điều trị 4-5 ca viêm não mô cầu.

Bác sĩ Cấp chia sẻ, bệnh viêm não mô cầu có hai thể: thể chính là viêm màng não mủ với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi. Nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân lại gặp thể nhiễm trùng đường huyết với biểu hiện chính là các vết hoại tử trên da, gần giống như bệnh nhân bị bệnh liên cầu lợn. Thể bệnh này đặc biệt nguy hiểm vì bệnh nhân có thể bị sốc đa phủ tạng ngay lập tức, chỉ sau vài tiếng phát bệnh, không kịp đi cấp cứu hoặc đến viện thì bác sĩ cũng bó tay.

Dễ lây truyền

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não mô cầu xuất hiện quanh năm, rải rác ở nhiều tỉnh. Trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã có 7 tỉnh có ca bệnh viêm não mô cầu như: Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương…, trong đó đã có trường hợp tử vong.

TS Phu chia sẻ, vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng và rất dễ lây truyền.  Chỉ cần dính vào dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể nhiễm bệnh. Do đó, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu thì cần cách ly người bệnh, khi tiếp xúc hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt như ly tách, khăn mặt, kể cả những tay cầm, dụng cụ mà người bệnh cầm nắm phải.

 “Viêm não mô cầu lại có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Vì thế Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần” – TS Phu cho biết.

Theo TS Phu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/TP đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/TP chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do não mô cầu.

Để phòng tránh bệnh viêm não mô cầu, ông Phu khuyến cáo người dân nên: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ; Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất