Tác hại ít biết của trà atiso

Vào mùa hè, trà atiso trở thành thức uống giải nhiệt không thể thiếu cho cơ thể. Liệu trà atiso thực sự có phải là thần dược?

Dùng trà atiso thay nước uống hàng ngày

Cứ đến mùa hè, gia đình chị Thuận (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại rất khoái khẩu với món trà atiso .

Được người bà con ở miền núi tặng cho cả bao tải to chứa những bông atiso khô, nên gia đình chị thường nấu thành trà uống hàng ngày.

Thậm chí, chị cũng khuyến khích con cái uống thay nước lọc. Mỗi ngày chị đều chuẩn bị cho mỗi cháu một chai to mang đến trường để mỗi khi khát thì lấy ra uống.

“Mình tìm hiểu thấy atiso rất tốt cho sức khỏe, là thần dược, nếu có thể dùng thay nước uống hàng ngày thì rất tốt cho sức khỏe nên càng lấy đó làm động lực để uống nhiều hơn mỗi ngày.

Đồng thời khuyến khích chồng con cùng sử dụng theo”, chị Thuận nói.

Nhưng không hiểu sao, kể từ ngày trời chuyển hè đến nay, con chị bỗng nhiên sinh chán ăn, luôn kêu người mệt mỏi, không muốn đi học.

Chủ quan cho rằng thời tiết mùa hè nóng bức, khó chịu nên chị không để ý.

Tình trạng kéo dài liên tục 1 tháng trời, chị phải đưa con đến gặp bác sĩ thì được cảnh báo rất có thể con chị đã gặp tác dụng phụ khi lạm dụng uống trà atiso hàng ngày.

 Atiso giúp giảm huyết áp, giàu chất chống oxy hóa. (Ảnh minh họa: Internet)
Atiso giúp giảm huyết áp, giàu chất chống oxy hóa. (Ảnh minh họa: Internet)

Trà atiso đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe…

Đúng là chúng ta không thể phủ nhận những tác dụng mà trà atiso đem lại cho cơ thể. Dưới đây là những tác dụng mà trà atiso mang lại cho cơ thể:

Hạ huyết áp

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ăn uống bổ sung vào năm 2009 cho thấy, bệnh nhân huyết áp cao đã giảm huyết áp khi ăn canh atiso.

Nghiên cứu sau 12 tuần khẳng định, những người dùng 50-100 ml nước lá atiso có mức huyết áp thấp hơn, không phụ thuộc vào lượng thức ăn được hấp thụ.

Do đó, atiso có thể làm giảm huyết áp ở những người có huyết áp tăng nhẹ.

Chống oxy hóa

Vào năm 2010, tạp chí Nghiên cứu về Liệu pháp Thực vật cho thấy, atiso giúp giảm cholesterol trong máu. Lá atiso rất giàu chất chống oxy hóa, thường được hòa tan vào trà. Nhờ đặc tính này, trà atiso có thể bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do và độc tố từ môi trường.

Chống ung thư

Lá atiso chứa polyphenol – một loại chất chống oxy hóa hòa tan vào nước, có tác dụng phòng ngừa bệnh tim và ung thư.

Một ấn bản của “Tạp chí sinh lý học tế bào” được phát hành năm 2012 còn cho thấy, lá atiso làm giảm sự phát triển, tăng trưởng của các tế bào ung thư vú .

… nhưng cũng gây nhiều tác hại khi lạm dụng

Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền) khẳng định, đúng là chúng ta không thể phủ nhận các tác dụng mà atiso mang lại.

Ngoài các tác dụng nêu trên, chuyên gia cho rằng, uống trà atiso còn giúp mát gan, giải độc gan .

 Lạm dụng trà atiso khiến cơ thể thừa sắt nhưng lại thiếu các nguyên tố vi lượng. (Ảnh minh họa: Internet)
Lạm dụng trà atiso khiến cơ thể thừa sắt nhưng lại thiếu các nguyên tố vi lượng.
(Ảnh minh họa: Internet)


“Tuy nhiên, việc lạm dụng atiso, tầm 2 lít nước atiso trở lên mỗi ngày, có thể gây suy giảm chức năng gan. Mặc dù đây là loại thảo dược có thể chữa bệnh, người sử dụng không nên lạm dụng”, lương y cảnh báo.

Chưa hết, chất chát trong trà atiso khiến khung ruột co thắt, thậm chí co cứng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều vào cơ thể.

Thêm nữa, atiso rất giàu sắt - thêm một lý do khiến bạn mắc bệnh táo bón.

Lạm dụng trà khiến cơ thể thừa sắt nhưng lại thiếu các nguyên tố vi lượng như kẽm, crom, mangan… rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Do đó, sử dụng quá nhiều atiso có thể khiến bạn chán ăn, mệt mỏi, buồn bã…

Ông Trung cho biết thêm, lạm dụng atiso cũng gây co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, khiến bạn luôn rơi vào tình trạng đầy hơi, chướng bụng khi sử dụng trong một thời gian dài.

“Khi uống quá nhiều cứ tưởng là càng tốt cho gan nhưng thực ra việc tiêu thụ nhiều atiso vào cơ thể lại khiến gan, thận làm việc nhiều hơn để đào thải phần dư thừa chất ra bên ngoài.

Do đó, lúc này atiso không tốt cho cơ thể nữa mà lại gây hại cho chính người sử dụng”, lương y chia sẻ.

Từ đó, chuyên gia khuyên chúng ta chỉ nên dùng 10-15g atiso khô mỗi ngày.

Không nên dùng trà atiso để thay hoàn toàn việc uống nước lọc hàng ngày.

Những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, có mỡ máu cao mới nên sử dụng atiso sẽ giúp nhuận gan, lợi mật, phục hồi chức năng gan.

Ông Trung cho biết thêm, không chỉ atiso, việc uống quá nhiều nước vối, nhân trần mỗi ngày cũng là điều không nên.

Trong mỗi loại nước này đều có một số chất nhất định, nếu lạm dụng có thể dẫn đến suy gan, suy thận.

Do đó, chúng ta không nên có tư tưởng thay thế hoàn toàn nước lọc uống hàng ngày bằng trà atiso, nước vối, nhân trần… vì tin rằng những loại nước này có tính chất giải độc, thanh nhiệt cực tốt vào mùa hè.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất