Thanh Tùng gieo những trong veo, mộng mơ về âm nhạc

Nhà báo Chu Minh Vũ, người từng tiếp xúc và làm việc với nhạc sĩ Thanh Tùng trong một thời gian dài đã có những chia sẻ rất gần gũi và xúc động về người nghệ sĩ quá cố.

Một trong những may mắn của nghề nghiệp là tôi được ông chọn. Thời điểm năm 2005, khi tôi từ nghề báo bước qua làm truyền hình. Concept chương trình Con đường âm nhạc, hai chữ Thanh Tùng hiện ngay lên trong đầu.

Thời trung học của tôi, nhạc Thanh Tùng làm đẹp một cách trong veo những mộng mơ về âm nhạc. Từng bài của ông đều ghi từng chữ trong đầu, ấn định với những gương mặt ca sĩ mà tôi hâm mộ.

Thanh Tùng gieo những trong veo, mộng mơ về âm nhạc
Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Năm 2005, chúng tôi liên lạc với nhạc sĩ Thanh Tùng, trình bày ý tưởng âm nhạc “Tôi sẽ kể em nghe” . Đó là thời điểm ông đã rời xa showbiz, cũng tạm ngưng công việc kinh doanh và lui về nhà riêng ở Bình Thạnh. Ông hẹn gặp ở Sài Gòn và tôi ngay lập tức đặt vé máy bay vào gặp ông. Gặp từ sáng sớm, tại Chu’s Bar góc Đồng Khởi Lý Tự Trọng.

Ngồi xuống góc bàn nhiều nắng sớm hắt vào, phục vụ đem ra một chai rượu whisky đặt lên bàn. Thanh Tùng đó, ông uống rượu nhiều lắm, chai Chivas mà xếp hàng rào có thể kéo dài cả phố. Sớm đã rượu, tối đi ngủ cũng phải thêm một ly. Sau này ông nằm bệnh, phần nhiều cũng do rượu.

Chúng tôi được ông “kiểm tra” trình độ hiểu biết nhạc của ông và của các nhạc sĩ khác trong vài hôm. Sau đó, ông mời đến tư gia tiệc tối nghe nhạc, vừa để biết đời sống riêng của ông, vừa để hiểu ông muốn nhạc của mình vang lên thế nào. Thanh Tùng giống con sư tử (lời của Hà Trần), oai hùng- đơn độc nhưng kiêu hãnh. Ông yêu nhiều lắm, nhưng cuối đời vẫn gà trống nuôi con. Đời sống ấy rồi lại chuyển hóa thành tác phẩm....

Tôi nhớ buổi tiệc tối đặc biệt cùng ông, đã khắc nhớ trong tôi hai điều không thể quên. Hai bài hát chưa công bố là Lời chim đỗ quyên và Cơn bão nghiêng đêm. Ông còn nhờ tôi tìm giúp tác giả của bài thơ Cơn bão nghiêng đêm. “Chú phổ nhạc bài hát từ một mảnh báo xé vội bài thơ cảm động này” – ông nói.

Chị em ca sĩ đến từ Đà Nẵng – Lê Cát Trọng Lý đợi sẵn chúng tôi và hát cả đêm những bài hát Thanh Tùng bằng màu sắc âm nhạc trong trẻo nhất. Không thiết bị âm thanh, không son phấn... chỉ có ca từ (thứ mà nhạc sĩ Thanh Tùng luôn tự hào) và kỷ niệm về những cuộc tình đã qua!

Con đường âm nhạc đã thành công trên sóng VTV. Đấy là chương trình thứ 4 và kết thúc series là chương trình của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Theo đánh giá của cá nhân, chương trình về nhạc sĩ  Thanh Tùng đã ghi một dấu ấn mạnh mẽ. Hồi đó nhạc sĩ Thanh Tùng vui vẻ lắm, mời bạn bè khắp nơi về Bảo tàng Mỹ thuật thành phố để nghe nhạc và đón nhìn sự “trở lại”.

Lần nào đi nhà sách, tôi cũng cầm và chỉ muốn chạm tay vào bộ 2 đĩa Thanh Tùng được nhạc sĩ Quốc Bảo biên tập. Đối với tôi, Thanh Tùng và những ca sĩ thế hệ vàng Việt Nam đủ để vẽ về nhạc Việt những năm thập niên 1980 - 1990 .

Thanh Tùng gieo những trong veo, mộng mơ về âm nhạc
Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

 “Chú còn nhiều bài ngăn kéo không?”- tôi hỏi. Chú trả lời: “Tao viết nhiều lắm, nhưng sự nghiệp có bấy nhiêu đó! Tao đi khắp Việt Nam dàn dựng chương trình phong trào, đến đâu chẳng phải viết thêm một bài đơn vị ca. Bài hay thì nhớ, bài dở thì giấu đi đừng để ai biết nó là của Thanh Tùng”. Ý của nhạc sĩ Thanh Tùng là những bài đưa ra công chúng - và điển hình là 20 bài trong bộ CD tác giả được Phương Nam Film ấn hành.

Thanh Tùng trẻ lắm, trẻ từ lối sống cho đến âm nhạc. Thế hệ hậu chiến sau 1975, có lẽ được biết đến yêu đương trong âm nhạc là nhờ ông. Nhiều danh ca, divas bây giờ cũng nổi tiếng là nhờ ca khúc của Thanh Tùng. Nhiều mối tình duyên nợ cũng nhờ bài hát của ông. Với cá nhân tôi, những bài hát của Thanh Tùng “pop nhất”, gần gụi và trẻ trung lâu đời nhất... Hôm qua, hôm nay, rồi ngày mai, vẫn luôn vậy!

Lần công bố bài Cơn bão nghiêng đêm, nhạc sĩ Thanh Tùng dặn tôi phải tìm ca sĩ hát chuẩn giọng Bắc. Không những thế, ông còn muốn người ca sĩ phải hát ra được chất của câu hát “Ta đã bên nhau, thề mãi mãi bên nhau cơ mà?”. Mỗi bài cố gắng có một điểm nhấn về ngôn ngữ đặc biệt như thế!- chú nói. Lần đó, Hà Hồ là người đầu tiên đưa ca khúc này đến với công chúng!, đặc biệt hay.

Với riêng tôi, Hoa tím ngoài sân vẫn là bài hát tôi thích nhất. “Ai vội đi, để ai còn đứng đó!, tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi!”. Đại từ nhân xưng chú dùng trong bài hát, duyên dáng và ý nhị như trong ca dao vậy!

Với Thanh Tùng, sự chia ly đôi khi, nhẹ nhàng như vậy. Được tin ông mất, tôi cũng chỉ biết nghĩ rằng “một ngày tình cờ, trên đường phố tôi vắng bàn chân em”... thế thôi! Nhạc sĩ Thanh Tùng và âm nhạc của ông đã xong nhiệm vụ một cách xuất sắc từ lâu rồi!

Theo Zing

Tin tức mới nhất