Thừa kế nào bằng sinh mạng mẹ cha

Tiếng kêu thất thanh trong clip 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ ở vùng quê Hưng Yên khiến nhiều người ám ảnh. Diễn biến sau đó thật đau xót, khởi tố vụ án, người chị cả tử vong, còn em và mẹ vẫn nguy kịch.

Đến ngày 18/11, chị Đỗ Thị Đ. (SN 1982), người con gái cả trong vụ 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ ở xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã tử vong sau gần 20 ngày điều trị tại Viện bỏng quốc gia.

Mới đây, khi Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, một số đại biểu cũng cảnh báo về các vụ án mạng từ mâu thuẫn gia đình.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu, thực trạng tội phạm có xu hướng giảm, nhưng rất báo động về tình trạng người thân trong gia đình bột phát sát hại nhau.

“Động cơ chủ yếu từ mâu thuẫn trong cuộc sống, tranh chấp đất đai, hận thù cá nhân…”, ông Tám nhận định.

Thừa kế nào bằng sinh mạng mẹ cha-1
Hiện trường vụ việc 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ . Ảnh: Thành An

Ở khía cạnh hệ giá trị gia đình, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu nhận định rất đáng suy ngẫm, đó là cách ứng xử giữa người thân trong gia đình giờ không còn như trước.

Theo ông Hòa, từ chuyện 3 người con gái đổ xăng đốt nhà mẹ chỉ vì mâu thuẫn chia đất, khi biết thông tin, không chỉ ông mà nhiều người khác đều cảm thấy đau lòng.

Sự tình, bà Vũ Thị Đ. (61 tuổi) có 4 người con, gồm 3 con gái và 1 con trai. Sau khi chồng qua đời, bà sở hữu thửa đất ở mặt đường và trong ngõ nên đã chia tài sản cho các con. Bà Đ. chia phần đất ngoài đường cho con trai, còn 3 người con gái mỗi người được một phần đất trong ngõ.

Tưởng chừng con cái có được tài sản, hưởng phước từ bố mẹ sẽ là niềm vui, nhưng trong sự việc này, sóng gió lại từ đây, tới mức chính quyền địa phương phải 3 lần hòa giải nhưng vẫn xảy ra kết cục đau lòng như trên.

Vụ việc ở Hưng Yên gợi nhớ những chuyện tương tự ở làng quê, nơi vẫn tồn tại quan niệm, mảnh đất hương hỏa phần cho con trai, con gái xuất giá tòng phu, bố mẹ cho chút ít làm vốn.

Éo le từ chia thừa kế cũng không hiếm gặp, thậm chí còn là gánh nặng của khá nhiều gia đình khi bố mẹ chưa già mà con cái đã đòi chia tài sản.

Thực tiễn cũng có gia đình chia tài sản ngay lúc bố mẹ còn trẻ để con cái tạo lập. Nhưng cũng không hiếm trường hợp con cái mặc định “tài sản của bố mẹ đương nhiên là của mình”, nhất quyết phải chia đều, con nào chẳng là con.

Một người chị tôi biết có quan điểm khác, chị bảo, tiền của tự làm ra mới thực sự là của mình. Nếu không tự thân, sẽ lại như câu nói: “Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở”.

Vì thế, chị “khó chịu” khi nghe chuyện con cái gây áp lực với bố mẹ tuổi đã cao, hết khả năng lao động, đòi chia tiếp tài sản dành dụm cho thế hệ đang sức dài vai rộng. “Hãy làm điều ngược lại, đó là phụng dưỡng thay vì bòn rút”, chị nói.

Sẽ khó có công thức chung làm hài lòng trong chuyện chia thừa kế. Ở thành phố, sau nuôi dạy và hỗ trợ con cái lập nghiệp, một số gia đình bí mật thể nguyện việc chia thừa kế trong di chúc. Còn ở một số nước, đã có tỷ phú USD hiến tặng toàn bộ tài sản cho các quỹ từ thiện.

Suy cho cùng, nếu mặc định tài sản của bố mẹ phải chia cho mình, ít nhiều sẽ có tâm lý sân si, tranh giành, mâu thuẫn, thậm chí án mạng, sân hận.

Nói như Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, “dù kinh tế - xã hội phát triển đến đâu, văn hóa vẫn là gốc rễ của mọi vấn đề. Trong thời buổi kinh tế thị trường, càng không nên mải miết chạy theo tiền bạc mà quên đi mái ấm gia đình”.

Thực tế, gia sản bố mẹ cho chỉ là vốn, còn thứ quý giá nhất, không thừa kế nào bằng sinh mạng mẹ cha.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/thua-ke-nao-bang-sinh-mang-me-cha-2082799.html

đốt nhà Hưng Yên tử vong

Tin tức mới nhất