Từ 1/7/2020, công dân Việt Nam có thể làm hộ chiếu ở bất cứ đâu mà không cần về địa phương

Những người đã được cấp căn cước công dân có thể thực hiện thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu tại bất cứ cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nào thuận tiện.

Hộ chiếu (passport) được coi là "chứng minh thư" bắt buộc cho phép bạn có thể xuất cảnh ra nước ngoài và được quyền nhập cảnh trở lại sau khi chuyến du lịch, công tác hay việc học kết thúc.

Có thể làm hộ chiếu ở bất cứ nơi nào thuận tiện

Để có được hộ chiếu, trước đây, người dân phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú đăng ký. Nếu đăng ký tại nơi tạm trú bắt buộc phải có sổ KT3 (theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP). 

Tuy nhiên, ngày 22/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 cho phép người dân chỉ cần có thẻ căn cước công dân thì có thể làm hộ chiếu tại bất kỳ nơi nào thuận tiện nhất mà không cần phải có sổ KT3 như trước đây đối với trường hợp làm hộ chiếu tại nơi tạm trú. 

Điều luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 15 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019:

Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

Như vậy, những người đã được cấp căn cước công dân thì có thể thực hiện thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu tại tại bất cứ cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nào thuận tiện, như nơi đang sinh sống và làm việc.

Thủ tục cho người đề nghị cấp hộ chiếu 

Để được cấp hộ chiếu phổ thông, người dân cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nào thuận tiện nhất.

Điều 15, cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm các giấy tờ sau:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;

b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;

d) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

Ngoài ra cũng từ hôm nay (1/7/2020), các loại hồ chiếu: Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu phổ thông cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được gắn chíp điện tử. Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.

Dĩnh Anh
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/tu-hom-nay-cong-dan-viet-duoc-lam-ho-chieu-o-bat-ky-dau-n-227389.html

nhập cảnh những điều cần biết về hộ chiếu Du lịch

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao