Tục lệ nhà trai đòi lại sính lễ và tiền cưới của người Thái khi ly hôn

Ông bà mối, người đại diện cho chú rể thường đóng vài trò “quan tòa” trong xử lý các trường hợp ly hôn theo tục cưới người Thái.

Sau ly hôn, theo luật tục của nhiều cộng đồng người Thái miền núi Nghệ An, nhà chồng thường đòi lại sính lễ và tiền thách cưới. Ông bà mối, người đại diện cho chú rể thường đóng vài trò "quan tòa" trong xử lý các trường hợp ly hôn theo tục cưới người Thái.

Gần đây có một trai núi ở huyện Con Cuông cưới vợ. Cô vợ đã qua một lần kết hôn. Chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như nhà trai không phải trả một khoản tiền khoảng 20 triệu đồng cho gia đình người chồng cũ của cô gái.

Dù cha mẹ chú rể phản đối nhưng cuối cùng phải chấp nhận vì lý lẽ nhiều khi phải nhượng bộ "lệ làng".

Tục lệ nhà trai đòi lại sính lễ và tiền cưới của người Thái khi ly hôn-1
Bản Yên Hòa với gần 100 hộ người dân tộc Thái sống cạnh bờ sông Nậm Nơn. Ảnh tư liệu

Chẳng là người Thái bản địa, trong đó có một số nơi ở huyện Con Cuông vẫn duy trì "thách cưới". Khoảng 30, 40 năm về trước thì khoản thách cưới này là 1 nén bạc cùng với rượu, gà, lợn, vải vóc… Nay người ta thường "thách" bằng tiền mặt.

Theo tìm hiểu của người viết bài thì hiện du di khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Đó là chưa kể các sính lễ như lợn, gà, rượu, vòng bạc…

Từ xưa đến nay, có một luật tục người ta quy định với nhau rằng, nếu người vợ mà đơn phương bỏ chồng thì phải trả lại tiền thách cưới cho bên nhà chồng. Nhiều khi bao gồm cả chi phí đám cưới nữa.

Với trường hợp kể trên cũng vậy. Cô gái nọ sau một thời gian chung sống không phù hợp đã đơn phương ly hôn. Sau những thủ tục về pháp lý, cô trở về nhà mẹ đẻ. Nhà chồng yêu cầu gia đình cô trả lại tiền thách cưới cùng chi phí đám cưới.

Nhà gái vì nhiều lý do mà đến khi con gái tái giá vẫn chưa chịu trả. Nhà kia bèn tìm cách đòi người chồng mới phải trả. Để đẹp lòng các bên liên quan, gia đình anh chồng mới của cô gái chấp nhận, coi như đó cũng là khoản thách cưới. Nhưng cũng vì vậy mà chi phí cho đám cưới thêm phần nặng nề.

Đó là một trường hợp khá đặc biệt trong tục cưới xin của cộng đồng người Thái ở miền núi Nghệ An. Kể ra có vẻ đơn giản nhưng để xong một cuộc cưới hỏi hay xử lý một vụ ly hôn theo tập quán bản địa cũng phải trải qua một quá trình phức tạp.

Người Thái một số nơi quan niệm rằng, khi làm thủ tục cưới phải trải qua 4 lần đến nhà gái để thăm thì khi ly hôn cũng phải trải qua 4 bước.

Một cặp đôi nếu xảy ra xung đột, thường là những mâu thuẫn phát sinh trong đời thường. Nếu mâu thuẫn nhỏ, có thể bỏ qua thì có thể chỉ cần cha mẹ hai bên khuyên giải là giải quyết được. Đó cũng là bước thứ nhất trong tiến trình hòa giải mâu thuẫn gia đình.

Tục lệ nhà trai đòi lại sính lễ và tiền cưới của người Thái khi ly hôn-2
Thủ tục xin nhận con dâu của nhà trai trong đám cưới người Thái ở huyện Con Cuông. Ảnh: Hữu Vi

Nếu mâu thuẫn nghiêm trọng hơn, thường phải nhờ đến ông bà mối. Ông mối theo tục cưới của người Thái ở huyện Con Cuông thì là người thân của chú rể. Có thể là anh trai, anh họ, chú bác trong họ.

Còn với người Thái ở huyện Quỳ Châu, một số nơi của huyện Quế Phong, Tương Dương thì ông mối là người được chọn nhưng thường đang sinh sống tại làng, bản của cô dâu.

Người làm "ông mối" thường đóng vai trò đại diện cho gia đình chủ rể đi hỏi cưới. Một người cùng làng với cô gái sẽ hiểu được tính nết của cô dâu tương lai cũng như cha mẹ cô ta.

Người cùng làng bản cũng dễ dàng hơn khi nói chuyện. Và một nguyên nhân khác nữa, ông mối thường là trọng tài trong trường hợp hai vợ chồng phải ly hôn. Chọn một người có sự gần gũi nhất định với gia đình nhà gái cũng khách quan hơn.

Bước hòa giải có sự tham gia của ông bà mối thường là mâu thuẫn rất nghiêm trọng, khó gắn kết. Để giải quyết những trường hợp như vậy, ông bà mối phải khéo léo khuyên giải, một, hai lần không được thì nhiều lần.

Còn nếu mâu thuẫn không thể hàn gắn được nữa thì đến bước thứ ba là gia đình nhà trai "đem trả" cô dâu về nhà cha mẹ đẻ. Bước này coi như cuộc hôn nhân đã chấm dứt. Ông bà mối sẽ phải "lựa lời mà nói" để các bên cùng chấp thuận.

Còn bước cuối cùng là giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản. "Nếu người chồng đơn phương ly hôn thường chẳng phải chịu khoản tổn thất nào. Vì chỉ có nhà chồng đem sính lễ đến nhà vợ" - ông Vi Ngọc Chân, một người nghiên cứu văn hóa bản địa ở huyện Quỳ Châu chia sẻ.

Theo ông Chân thì ông mối, theo tục cưới của người Thái có vai trò như là "quan tòa". "Dù sao thì phải có sự chấp thuận của ông bà mối thì mới coi như là đã bỏ nhau" - ông Chân giải thích thêm.

Tục lệ nhà trai đòi lại sính lễ và tiền cưới của người Thái khi ly hôn-3
Những cô gái Thái hòa mình trong điệu lăm tơi. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Tuy nhiên, ngày nay, Luật Hôn nhân và Gia đình đã ăn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ của nhiều cộng đồng thiểu số và việc thách cưới cũng không còn nặng nề, và việc giải quyết các vấn đề sau ly hôn theo phong tục cũng trở nên thứ yếu.

Hầu như các mâu thuẫn đều được tòa án giải quyết. Câu chuyện về việc trả tiền thách cưới ở đầu bài viết chỉ là một trường hợp khá hy hữu, thể hiện những tàn dư trong luật tục của những cộng đồng bản địa.

Theo báo Nghệ An

Xem link gốc Ẩn link gốc https://baonghean.vn/luat-tuc-doi-lai-sinh-le-va-tien-thach-cuoi-cua-nguoi-thai-khi-ly-hon-post239325.html

tục lệ ly hôn

Tin tức mới nhất