Cách thoát hiểm khi gặp người “ngáo đá”

Ngày càng nhiều vụ giết người thương tâm xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ thủ phạm bị “ngáo đá”.

Đau xót hơn, trong cơn điên dại, chúng đã ra tay giết hại cả người thân. Làm sao để nhận diện người bị “ngáo đá” và bảo vệ an toàn tính mạng trước các đối tượng này, nhất là người thân trong gia đình là câu hỏi của nhiều người.
 
Khi bị người “ngáo đá” đe dọa đến tính mạng, cần bình tĩnh và hãy cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Ảnh minh họa
Khi bị người “ngáo đá” đe dọa đến tính mạng, cần bình tĩnh và hãy cuốn
 theo dòng hoang tưởng của họ. Ảnh minh họa

 
Những thảm án vì “ngáo đá”

Vụ thảm sát 4 bà cháu ở Quảng Ninh dù nghi can đã bị bắt nhưng tới giờ vẫn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Đối tượng Doãn Trung Dũng, 45 tuổi, trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí (Quảng Ninh) là cháu rể của bà Nguyễn Thị Hát. Khi bị bắt, y đã khai nhận trước khi sát hại bà Hát cùng 3 người cháu ở phường Phương Nam, TP Uông Bí đã có sử dụng ma túy đá.

Trước đó, một thảm án tại Thanh Hóa cũng xuất phát từ việc hung thủ sử dụng ma túy đá. Theo đó, khoảng 16h30 ngày 7/7, Nguyễn Văn Hồng (ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc) đến nhà anh Lê Thanh Hải gần nhà chơi. Tại đây, Hồng có biểu hiện “ngáo đá”, liên tục nói lảm nhảm nhiều điều rồi dùng dao chém hai con anh Hải mới 5 tuổi và 7 tuổi. Do vết thương quá nặng, hai cháu tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện. Sau khi chém hai cháu bé, Hồng định tự tử bằng dao nhưng không thành.

Hay như trường hợp một người phụ nữ ở số nhà 100, đường Nhật Tảo, phường 4, quận 10 (TP HCM) đã bị chính con trai đẻ của mình ra tay sát hại dã man trong cơn ngáo đá cuồng loạn vì nghĩ là người ngoài hành tinh. Trong cơn phê ma túy đá, Sỉn đã lao xuống đòi mở cửa ra ngoài đi chơi tiếp. Biết con đang trong cơn phê ma túy, bà Phạm Thị H (SN 1952, mẹ Sỉn) ra ngăn cản không cho Sỉn ra ngoài. Trong cơn phê, Sỉn hoảng loạn, không còn nhận thức ra mẹ mình. Sỉn chạy đi lấy dao quay lại đâm nhiều nhát vào người mẹ mình khiến bà tử vong ngay tại chỗ. Khi bị khống chế, hung thủ còn luôn miệng kêu: "Công... mày thả anh ra để anh đi cứu mẹ, người ngoài hành tinh xuống đâm mẹ anh rồi kìa".

Có lẽ, chẳng cần phải thống kê một con số cụ thể về các án mạng từ “ngáo đá” gây ra mà chỉ với những bi kịch để lại cũng đã thấy sự tàn phá kinh khủng của loại ma túy này. Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng này một lần nữa cảnh báo về hiểm họa của chúng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP HCM) cho biết, ma túy đá thực chất là hóa chất tổng hợp từ thuốc kích thích amphetamine, có tên khoa học là methamphetamine. Nó được xếp vào loại ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương.

Khi dùng, thuốc sẽ kích thích hệ thần kinh và tạo ảo giác trong một thời gian dài khiến thần kinh rối loạn, tính cách trở nên hung hãn. Theo các nhà nghiên cứu, methamphetamine trước đây được nhiều binh sĩ phương Tây sử dụng trước mỗi trận đánh, để kích thích hưng phấn, mất cảm giác đói, không buồn ngủ và không sợ hãi khi làm nhiệm vụ.

Người bị “ngáo đá” thường mất kiểm soát hành vi, mặt ngáo ngơ, có những hành động kỳ quặc như tưởng tượng mình là siêu nhân, là chim, là cá bơi dưới nước… và có thể làm những điều không kiểm soát như: Tự rạch, cào, cắn vào chính cơ thể mình, quan hệ tình dục tập thể, nhảy nhót, la hét, ảo giác cho rằng những người xung quanh đang muốn hãm hại mình. Khi đó, họ sẵn sàng sử dụng hung khí để tấn công, sát hại người xung quanh, ngay cả người thân (bố mẹ, anh, chị, em…).

Để phát hiện một người có sử dụng ma túy đá hay không, có thể căn cứ vào đặc điểm: Nếu họ sử dụng theo đường hút sẽ có thể có vết bỏng trên môi hoặc ngón tay do thủy tinh hoặc ống kim loại. Nếu sử dụng đường tiêm chích, sẽ có dấu kim tiêm trên cánh tay.

Theo các bác sỹ tâm thần học, dùng ma túy đá liều lượng nhỏ cũng khiến con người ta nhanh chóng bị lệ thuộc. Dùng liều lượng, cường độ cao sẽ khiến hệ thần kinh người sử dụng bị tê liệt, bị loạn thần dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.

Hiện nay không ít người cho rằng, ma túy đá không gây nghiện như các loại ma túy khác. Rồi người từng sử dụng heroin lại chuyển sang sử dụng ma túy đá với mong muốn để cai nghiện heroin vì nghĩ không bị nghiện và có thể dừng sử dụng lúc nào cũng được. Nếu có cai ma túy đá cũng không bị vật vã, đau đớn như cai heroin. Nhưng thực chất, nó gây nghiện nguy hiểm và người đã từng nghiện heroin chuyển sang dùng ma túy đá thì bị rối loạn tâm thần nhanh hơn.

Xử lý khi gặp người “ngáo đá”

Người “ngáo đá” thường không kiểm soát được hành vi của mình nên nếu gặp, mọi người không nên xúm lại tò mò xem hành vi của đối tượng này vì dễ làm họ kích động mạnh và có thể gây nguy hiểm. Càng không nên một mình lao vào khống chế đối tượng “ngáo đá”, nhất là khi họ có hung khí. Mọi người cần gọi điện thoại ngay cho các cơ quan chức năng.

Người “ngáo đá” họ thậm chí còn không nhận thức được người thân của mình. Vì vậy, người thân cũng cần phòng tránh. Nếu ở trong phòng thì người thân nên tránh xa và khóa cửa lại để tránh họ có những hành vi nguy hiểm đối với những người dân khác xung quanh.

Trong trường hợp bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, đe dọa tính mạng, bạn cần bình tĩnh tránh hành động làm họ hoảng sợ, kích động vì khi mất kiểm soát rất dễ gây án. Cũng đừng vì tiếc tài sản mà cố giằng co với đối tượng ngáo đá. Nếu bị đối tượng gí dao vào cổ và yêu cầu đưa tiền thì cứ thực hiện yêu cầu của chúng trước rồi sẽ giải quyết sau.

Theo tư vấn của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, khi bị người “ngáo đá” đe doạ đến tính mạng, điều quan trọng nhất là bình tĩnh và hãy cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Nghĩa là nếu đối tượng “ngáo đá” nói, “có người đuổi theo truy sát” thì người nhà cần có thái độ rất ân cần, đồng cảm, nói nhẹ nhàng “hãy yên tâm, đã bố trí người cảnh gác cẩn thận, bảo vệ rất chu đáo rồi…”.

Sau khi dòng hoang tưởng bị ngắt quãng, lấy đá lạnh chườm lên trán và khắp cơ thể nạn nhân. Thân nhiệt nạn nhân hạ xuống, họ sẽ khát nước, thèm ăn, cường độ hoang tưởng thưa dần, nạn nhân sẽ thèm ngủ, buồn ngủ. Khi nạn nhân thoát khỏi cơn “ngáo đá”, người nhà nên nhanh chóng đưa đến các trung tâm cai nghiện, giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.

Ma túy đá được dùng phổ biến bằng hình thức hít, dùng nhiệt độ để chuyển ma túy đá thành dạng hơi, sử dụng một dụng cụ chuyên dụng gọi là “ục” để hít từ miệng vào phổi, các đối tượng nghiện ma túy đá gọi động tác hít này là “đập đá” hay “phá núi”. Ngoài ra, chúng còn dùng bằng cách pha loãng để tiêm chích.

Theo Gia Đình & Xã Hội


Tin tức mới nhất