Kỹ năng du lịch tại 'Chảo lửa' châu Âu lúc này!

Nhiều nước châu Âu đang trải qua nắng nóng thiêu đốt. Du khách nên chuẩn bị kỹ phương pháp hiệu quả nếu có kế hoạch du lịch ở khu vực này.

Thời điểm này, các bản đồ thời tiết châu Âu gần như đỏ rực. Giới khoa học nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây sóng nhiệt cực đoan và dự đoán các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng hay hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Theo Reuters, nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo nhiều cách như gây kiệt sức, với các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, run, khát nước.

Người dân và du khách ở châu Âu được khuyên uống nhiều nước, ăn đủ để tránh kiệt sức do sốc nhiệt. Nếu có thể, du khách nên tránh đến một số điểm du lịch nóng kỷ lục ở châu Âu thời điểm này.

Kỹ năng du lịch tại Chảo lửa châu Âu lúc này!-1
Ảnh: Reuters.

Anh

Ngày 15/7, lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng Anh ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng. Nhiệt độ ở một số khu vực nước này chạm mức 40 độ C, phá vỡ kỷ lục nắng nóng từng ghi nhận là 38,7 độ C năm 2019.

Ở một quốc gia vốn quen với thời tiết ôn đới, đợt nắng nóng gay gắt tạo ra thách thức đối với cơ sở hạ tầng.

Kế hoạch du lịch nước Anh của bạn có thể không trọn vẹn khi một số chuyến tàu hỏa bị hủy bỏ hoặc chạy chậm lại vì sợ đường ray vênh. Hơn hết, nhiều tuyến tàu điện ngầm ở đây không có điều hòa.

Bảo tàng đóng các phòng trưng bày, cung điện Buckingham hạn chế việc thay đổi lính canh... cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến khách tham quan.

Trên đường cao tốc M11 ở phía bắc London, du khách dễ bắt gặp biển báo đường bộ với cảnh báo: "Nắng nóng cực độ, bạn hãy chuẩn bị chu đáo cho hành trình và mang theo nước".

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha đang trải qua đợt nắng nóng thứ 2 trong năm với nhiệt độ nhiều nơi lên đến 43 độ C. Theo Reuters, du khách đổ xô đến tắm mát tại các bể bơi công cộng ở công viên.

Nhiều người tìm đến nghỉ ngơi dưới bóng râm, bãi biển hoặc nhấm nháp đồ uống lạnh để làm dịu bớt cái nóng gay gắt.

Tại quốc gia này, đợt nắng nóng đã bước sang ngày thứ 9, với hơn 30 đám cháy rừng bùng lên khắp nơi. Gần một nửa khu vực rừng cây của dãy núi Sierra de la Culebra nằm ở tây bắc bị thiêu rụi.

Đám cháy rừng mới xảy ra có quy mô lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Tây Ban Nha.

Trong khi đó, gần Costa del Sol, một địa điểm du lịch nổi tiếng, hàng nghìn người phải sơ tán do cháy rừng lan rộng.

Kỹ năng du lịch tại Chảo lửa châu Âu lúc này!-2
Ảnh: AP.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cảnh báo nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân và du khách, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Cơ quan này khuyến cáo người dân uống nước thường xuyên, mặc đồ mỏng, ở trong bóng râm và phòng điều hòa càng lâu càng tốt.

Pháp

Người dân Pháp đã trải qua ​​nhiều ngày nhiệt độ như thiêu đốt trong đợt nắng nóng bắt đầu vào tuần trước. Tuy nhiên, Météo France dự đoán nhiệt độ sẽ còn leo cao hơn trong tuần này.

Nhiệt độ khắc nghiệt gây ra cháy rừng ở miền Nam và dự kiến còn quét qua miền Bắc nước này, đặc biệt là dọc theo khu vực bờ Đại Tây Dương.

Một khu vực dài 9 km và rộng 8 km vẫn bốc cháy gần Dune of Pilat - cồn cát cao nhất châu Âu. Đám cháy biến cảnh quan đẹp như tranh vẽ, các khu cắm trại nổi tiếng, bãi biển hoang sơ nơi đây thành một đống hỗn độn.

Marc Vermeulen, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa địa phương, cho biết ngọn lửa thổi tung mọi thứ. Những thân cây thông 40 năm tuổi đang cháy dữ dội.

Riêng ở Paris, theo Accuweather, nhiệt độ ngày 19/7 là 40 độ C. Tuy nhiên, từ 20/7, nhiệt độ giảm xuống còn 26-30 độ C, thỉnh thoảng có mưa rào hoặc mưa giông.

Kỹ năng du lịch tại Chảo lửa châu Âu lúc này!-3
Nhiệt kế ngoài trời ngày 17/7 ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp. Ảnh: AFP.

Không chỉ Anh, Pháp hay Tây Ban Nha, nhiều quốc gia châu Âu cũng chịu cảnh nắng nóng vượt quá mức chịu đựng của con người. Lực lượng cứu hỏa ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp đã phải đối mặt với những vụ cháy rừng tàn phá hàng nghìn ha đất.

Trong khi đó, tại Italy, bên cạnh nắng nóng, nước này cũng chống chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm. Theo New York Times, 2 nhà máy thủy điện ở đây đã phải đóng cửa vì thiếu nước.

Ireland chứng kiến ​​nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1887 là 33 độ C ở Dublin. Tại Hà Lan, nhiệt độ lên tới 35,4 độ C ở thành phố phía nam Westdorpe. Nước láng giềng Bỉ cũng dự kiến ​​nhiệt độ từ 40 độ C trở lên.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chao-lua-chau-au-post1337120.html

Mùa hè chống nóng châu Âu

Tin tức mới nhất