Chiêu trò PR bẩn trong ngành truyền hình Trung Quốc

Lợi dụng tranh cãi để gây chú ý, thổi phồng số liệu là chiêu trò quảng bá và tạo thành tích đầy toan tính của giới làm phim Trung Quốc.

Tuần qua, dư luận Trung Quốc ồn ào về việc đoàn phim Đương gia chủ mẫu lạm dụng, ngược đãi động vật trên phim trường. Tác phẩm lên sóng vào giữa tháng 11, nhưng cả truyền thông và khán giả đều thờ ơ. Dự án có lượng người xem tương đối hạn chế, và đứng trước nguy cơ thất bại.

Thế nhưng, chỉ với một cảnh phim gây tranh cãi về cái chết của chú mèo, tác phẩm này có màn lội ngược dòng. Cái tên Đương Gia Chủ Mẫu trở thành từ khóa hot trên truyền thông, nhưng theo chiều hướng tiêu cực.

Trò dẫn dắt gây phẫn nộ của Vu Chính

Theo 163, vụ ầm ĩ bắt nguồn từ phân cảnh một chú mèo bị đầu độc chết ở tập 32 của Đương Gia Chủ Mẫu. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả cho biết họ rùng mình, ám ảnh vì chú mèo "diễn" cảnh chết quá chân thật.

Điều này dấy lên nghi vấn đoàn phim hạ độc mèo thật để tạo hiệu ứng cho cảnh quay. Làn sóng phẫn nộ với dự án càng leo thang sau khi một người tự nhận là diễn viên quần chúng tiết lộ chú mèo đã bị giật điện chết trên phim trường.

Công chúng yêu cầu ê-kíp Đương Gia Chủ Mẫu cập nhật tình hình mới nhất của chú mèo trong phim.

Chiêu trò PR bẩn trong ngành truyền hình Trung Quốc-1
Thành tích của Đương Gia Chủ Mẫu tăng lên sau khi vướng lùm xùm ngược đãi động vật trên phim trường. Ảnh: Sina.

Trước việc bị khán giả chất vấn, đoàn phim Đương Gia Chủ Mẫu phủ nhận thông tin giết hại động vật. Đại diện cho biết chú mèo quay phim dưới sự giám sát, chăm sóc của chủ nhân và người có chuyên môn. Sau cảnh quay, chú mèo đã an toàn trở về nhà.

Liên tục đăng tải bài viết bác bỏ cáo buộc, thậm chí dọa kiện những tài khoản loan tin sai sự thật trong 7 ngày, nhưng ê-kíp Đương gia chủ mẫu vẫn không đưa ra được bất kỳ bằng chứng xác thực nào cho thấy chú mèo trong phim vẫn còn sống.

Trên mạng xã hội, khán giả bức xúc cho rằng Vu Chính đang tránh né sự thật, sử dụng chiêu trò PR bẩn là lợi dụng sự quan tâm của người hâm mộ dành cho chú mèo để tăng độ hot cho Đương gia chủ mẫu.

Thực tế, sau khi dính nghi án ngược đãi động vật, lượng người xem Đương gia chủ mẫu tăng đột biến. Từ tác phẩm ít được chú ý, dự án của Vu Chính vào top 3 phim có lượt xem trực tuyến cao nhất tuần, chỉ xếp sau Nữ bác sĩ tâm lý của Dương Tử và Hộc Châu Phu Nhân của Dương Mịch.

Các tờ báo và trang tin lớn ở Trung Quốc như Nhân Dân nhật báo, Thanh Niên nhật báo, Sina, Sohu liên tục có bài viết thể hiện sự bức xúc trước cách xử lý vòng vo, kém nhân đạo với động vật của ê-kíp Đương gia chủ mẫu.

"Giải thích nhiều nhưng nghi vấn vẫn chưa ngã ngũ. PR vốn chẳng phải chuyện gì xấu trên thị trường giải trí. Nhưng kiểu PR không tôn trọng sống chết của động vật lại quá đỗi rẻ tiền. Thành tích tác phẩm quan trọng hơn một sinh mạng?", Nhân Dân nhật báo bình luận.

"Vu Chính đang mạo hiểm đánh đổi sự nhạt nhòa của tác phẩm do mình sản xuất để lấy ác cảm từ dư luận", QQ nhận xét.

Khán giả tẩy chay Đương Gia Chủ Mẫu bằng cách hạ điểm chất lượng, và để lại vô số bình luận tiêu cực cho dự án trên trang đánh giá Douban. Sau một tuần vướng lùm xùm, từ con số 5,1, điểm chất lượng phim giảm chỉ còn 2,8/10.

Biên kịch Vu Chính bị chỉ trích là kẻ đồ tể động vật trên màn ảnh Trung Quốc. Khán giả yêu cầu cơ quan quản lý xử lý sai phạm trong công tác sử dụng động vật nhỏ khi làm phim của nhà sản xuất này.

Trước Đương gia chủ mẫu, nhiều tác phẩm của Vu Chính như Diên Hi Công Lược, Mỹ Nhân Tâm Kế, Mỹ Nhân Thiên Hạ đều có cảnh quay tàn nhẫn với động vật. Không ít người từng hợp tác với biên kịch sinh năm 1978 tố cáo Vu Chính sẵn sàng hy sinh tính mạng của con vật để tạo hiệu ứng chân thật cho cảnh quay.

Vấn nạn ở hậu trường

Theo Sina, quảng bá có vai trò quan trọng trong việc thu hút khán giả theo dõi dự án phim ảnh. Vì vậy, nhà sản xuất Trung Quốc có chiến lược PR rất bài bản và chịu chi.

Đã qua đời quảng cáo phim chỉ với những tấm poster đơn giản, công tác truyền thông hiện nay là ma trận tận dụng mọi nguồn lực, kể cả sự tiêu cực để tăng mức độ quan tâm.

163 cho hay chiến dịch marketing phim bắt đầu khi dự án lấy được giấy phép sản xuất. Lúc này, ê-kíp sẽ nhả dần danh tính ngôi sao góp mặt trong tác phẩm.

Công tác truyền thông sẽ được đẩy lên khi phim khởi quay với những thông tin hậu trường xoay quanh tạo hình, tương tác giữa nam - nữ chính.

Chiêu trò PR bẩn trong ngành truyền hình Trung Quốc-2
Loạt phim lên sóng vào dịp cuối năm trên màn ảnh Trung Quốc đều lộ việc dùng chiêu trò để mang lại hiệu quả về truyền thông lẫn thành tích. Ảnh: Sohu, QQ.

Khi tác phẩm bước vào giai đoạn phát hành, các bài nhận định được tung ra với nhiều quan điểm khen, chê trái chiều nhằm gây chú ý. Trên Sohu, Khương Lỗi, phó chủ tịch của công ty Hoan Thụy Thế Kỷ, cho biết chi phí PR cho một dự án phim tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.

"Năm 2016, chúng tôi tốn hơn 2,5 triệu NDT (392.000 USD) để tuyên truyền cho Thanh Vân Chí. Nhưng hiện nay, giá PR đã tăng lên gấp 2-3 lần", Khương Lỗi cho biết.

Theo ông, chi phí truyền thông cao nhưng hiệu quả lại mang tính "năm ăn, năm thua". Điều này khiến không ít nhà sản xuất phải chủ trương sử dụng kèm chiêu trò trong quảng bá như khai thác đời tư nghệ sĩ, phim giả tình thật, đưa ra phát ngôn và nhận định gây tranh cãi hoặc ăn theo ồn ào để vực dậy thành tích.

Và việc này thường dẫn tới hậu quả khó lường như trường hợp của Vu Chính. Đương gia chủ mẫu từ tác phẩm tôn vinh nghề dệt tơ lụa truyền thống, nhưng cuối cùng bị mất giá trị vốn có vì cách xử lý khủng hoảng lòng vòng của đoàn phim.

Trên Sohu, Khương Lỗi chia sẻ truyền thông đen như trên chưa bao giờ cũ và nhàm. Với những dự án nghệ sĩ không đồng ý bán đời tư hay tạo tin đồn hẹn hò, nhà sản xuất cũng có "trăm phương nghìn kế" để tiếp thị và tăng thành tích cho dự án như tạo ra số liệu ảo.

Trong 2 tháng cuối năm, màn ảnh Hoa ngữ sôi động với nhiều dự án đặc sắc. Theo Sohu, việc nối tiếp những tác phẩm mới lên sóng tạo ra cuộc đua khốc liệt trên thị trường. Để tránh thất bại, không ít ê-kíp dùng trò PR, mua thành tích được đánh giá lộ liễu.

Như Phong khởi lạc dương đã để lộ việc mua đánh giá sau khi gặp sự cố kỹ thuật phải chiếu muộn hơn một tiếng. Theo QQ, tác phẩm chưa lên sóng nhưng trên nhiều trang bình luận phim đã xuất hiện hàng loạt bài viết khen chê về nội dung, diễn xuất.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Hộc Châu Phu Nhân. Lên sóng mới được một phút nhưng trên mạng đã có hàng chục bài viết khen ngợi tác phẩm mới của Dương Mịch.

Lương Ngôn Tả Ý của Trình Tiêu, La Vân Hi và Nữ Bác Sĩ Tâm Lý do Dương Tử và Tỉnh Bách Nhiên đóng chính, hứng chỉ trích gian lận thành tích bằng cách làm giả số liệu. Hai tác phẩm bị phát hiện có lượt xem tăng nhanh phi thực tế, như Lương ngôn tả ý tăng một triệu trong một phút ngay ở ngày đầu lên sóng.

Theo Sina, hiện tượng nhà sản xuất "bơm số liệu", làm giả thành tích là vấn nạn của ngành truyền hình Trung Quốc. Nhằm tránh ảnh hưởng danh tiếng của nghệ sĩ, không ít ê-kíp cố tình nâng lượt người xem để che giấu thành tích thảm hại.

Bộ phim Vô tình nhặt được tổng tài của Triệu Lộ Tư bị phát hiện khai khống số liệu lên đến 65%.

Trên Hoàn Cầu, nhà phê bình Vân Phi Dương chia sẻ khán giả ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng phim. Vì vậy, quảng bá và công khai thành tích thực là khâu cần được thể hiện chuyên nghiệp để đánh giá toàn diện chất lượng sản phẩm lẫn con người.

Do đó, nhà sản xuất không nên áp dụng chiêu trò đen để dẫn dắt và đánh lừa dư luận.

Ông cho rằng khán giả ngày nay đủ tỉnh táo để nhận ra mưu tính của đoàn phim. Nếu tác phẩm không đảm bảo chất lượng, dù cho nhà sản xuất sử dụng phương thức PR nào đi nữa, người xem cũng sẽ phản hồi tiêu cực.

Việc lạm dụng chiêu trò truyền thông bẩn không chỉ khiến phim vẫn nhận về kết đắng, mà còn làm giảm uy tín của nhà sản xuất và nghệ sĩ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chieu-tro-pr-ban-trong-nganh-truyen-hinh-trung-quoc-post1281287.html?fbclid=IwAR07LLhh_VvWFXHY5G0FcuNheJJJZ5Js_2QR7KcmRDsxzMEBE9sXDnMXaJs

phim trung quốc vu chính

Tin tức mới nhất