Cuộc chiến giành sự sống cho người đàn ông 'mang rắn vào viện cấp cứu'

Anh Tâm bị rắn hổ mang chúa có nọc chứa độc tính rất cao cắn nên trải qua nhiều lần nguy kịch.

16 năm cứu được 2 người

Tại buổi họp báo chiều 11/9, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ về quá trình cứu sống anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ Tây Ninh). Anh Tâm bị rắn hổ mang chúa cắn và đem theo cả rắn nhập viện cấp cứu. 

Sau 16 năm thành lập Khoa Bệnh nhiệt đới, trường hợp của anh Tâm là ca thứ 8 bị rắn hổ mang chúa cắn. Anh Tâm nằm trong số hai ca được cứu sống, các ca còn lại vì nhập viện trễ nên không thể điều trị kịp thời.

Cuộc chiến giành sự sống cho người đàn ông mang rắn vào viện cấp cứu-1
Anh Tâm đã hồi phục và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới

Theo bác sĩ Hùng, nọc rắn hổ mang chúa có độc tính cao nhất trong các loại rắn trên cạn. Anh Tâm được chữa khỏi nhờ các thiết bị máy móc hiện đại và sự phối hợp của nhiều chuyên khoa qua từng giai đoạn.

Sau 24 ngày, anh Tâm đã vượt qua những nguy hiểm tính mạng để trở về với cuộc sống bình thường. Riêng vết thương hoại tử do rắn cắn sau nhiều lần cắt lọc hiện đã ổn định và tiếp tục được theo dõi. 

Để cứu sống anh Tâm, bệnh viện sử dụng 20 lọ huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện bệnh viện đã hết huyết thanh và đang nhập thêm để đề phòng cho những trường hợp sau.

Bác sĩ Hùng cho biết: “Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, huyết thanh kháng nọc rắn luôn có sẵn. Dù thuốc rất mắc và hiếm khi sử dụng do ít bệnh nhân. Tuy nhiên, chủ trương của ban lãnh đạo là lúc nào cũng phải có sẵn thuốc để điều trị khi cần thiết”. 

Theo bác sĩ Hùng, để cứu chữa thành công cho anh Tâm là sự chắt chiu kinh nghiệm với những ca bệnh bị rắn hổ mang chúa cắn trước đó nhằm tiên lượng trước các tình huống có thể xảy ra. 

Ngày đầu tiên, anh Tâm được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng nhiễm độc nặng.

Tại đây, anh Tâm được sử dụng huyết thanh kháng nọc và điều trị hỗ trợ. Sau 12 tiếng, anh có dấu hiệu tỉnh, tiếp xúc tốt và được cai máy thở. Tuy nhiên, ngày thứ 2, sau khi cai máy thở, bệnh nhân có chuyển biến xấu.

Vì tiên lượng trước nên y bác sĩ theo dõi rất kỹ nhịp tim. Khi phát hiện tình trạng đầu tiên của viêm cơ tim, các bác sĩ đã hội chẩn cùng khoa Tim mạch và đặt máy tạo nhịp. Sau đó, bệnh nhân tươi tắn trở lại.

Tuy nhiên, khoảng 2 tiếng sau, tình trạng lại chuyển biến xấu và bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị.

Vì bệnh nhân đã tổn thương cơ tim nên phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, đặt máy tạo nhịp… Đồng thời, ê-kíp dự tính nếu những can thiệp khác không ổn định thì có thể sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) tại khoa. 

Chia sẻ về quá trình cứu chữa cho anh Tâm, bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết, lúc tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, tri giác lơ mơ, chỉ số về nhiễm trùng huyết tăng, bạch cầu giảm thấp.

Dù bệnh nhân đã được truyền huyết thanh trung hòa độc tính nhưng vết rắn cắn bị hoại tử nên Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành lọc máu đồng thời phối hợp với Khoa Chấn thương chỉnh hình cắt lọc mô hoại tử và dùng kháng sinh cho anh Tâm.

TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo Hình, cho biết, vùng hoại tử chiếm 5% diện tích da cơ thể. Bệnh nhân đã phải trải qua nhiều lần cắt lọc các phần mô bị hoại tử. Các mô hoại tử ở phần bụng và đùi phải của bệnh nhân hiện đã lành.

Thời gian tới, các vết sẹo ở khớp háng có thể khiến anh Tâm gặp khó khăn khi vận động. Tuy nhiên, các vết thương đã ổn định nên bệnh nhân có thể được xuất viện trong vài ngày tới. 

TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 800-1.000 trường hợp bị rắn cắn. Riêng bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn, trong 16 năm qua chỉ tiếp nhận 8 ca, trong đó có 2 ca được cứu sống.

Các ca tử vong đa số do không nhập viện ngay mà tự điều trị tại nhà, đến khi biến chứng nặng mới đến bệnh viện nên không thể cứu chữa.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, dùng huyết thanh, thở máy nhưng vẫn tử vong do nhiều biến chứng nặng nề khác.

Cuộc chiến giành sự sống cho người đàn ông mang rắn vào viện cấp cứu-2
Các bác sĩ điều trị cho anh Tâm tại buổi họp báo

Chi phí điều trị hơn 400 triệu đồng

Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, cho biết, tính từ ngày 19/8 đến nay, tổng chi phí điều trị cho anh Tâm là 482 triệu đồng. Sau khi biết hoàn cảnh của bệnh nhân, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, vợ chồng anh Tâm cũng được tặng 2 thẻ bảo hiểm y tế để thăm khám và điều trị bệnh sau này.

Sau khi đóng viện phí, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ anh Tâm) cùng chồng tặng lại 80 triệu đồng cho một bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol có hoàn cảnh khó khăn.

“Qua vụ việc rắn cắn, chúng ta thấy được lòng tương thân tương ái của người dân. Nếu không có sự giúp đỡ này, bệnh nhân và gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cũng trân trọng sự sẻ chia của vợ chồng anh Tâm. Dù hoàn cảnh còn khó khăn, anh chị đã sẵn sàng tặng lại một số tiền lớn cho người bệnh có cùng hoàn cảnh”, thạc sỹ Hiển chia sẻ.

Đang được theo dõi tại Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, anh Tâm cho biết, hai vợ chồng đi làm thuê. Vụ tai nạn giao thông vào cuối tháng 12/2019 khiến anh mất sức lao động. Từ trụ cột gia đình, anh phải ở nhà trông 2 con, mọi gánh nặng dồn lên đôi vai người vợ.

Anh mới rút đinh nẹp bên chân trái được 2 tháng thì bị rắn cắn vào đùi phải. Vì thương vợ, nên khi nhìn thấy con rắn hổ mang chúa, anh Tâm liều bắt con vật vì nghĩ sẽ bán được nhiều tiền lo cho con sắp nhập học. Không may, anh bị rắn cắn vào vùng đùi. Khi vào viện, anh Tâm vẫn giữ chặt đầu rắn, thân rắn cuốn vào tay và cổ. 

Trải qua cơn thập tử nhất sinh, hiện tại, anh chỉ mong sớm được trở về nhà vì đã lâu chưa được gặp 2 con.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cuoc-chien-gianh-su-song-cho-nguoi-dan-ong-mang-ran-vao-vien-cap-cuu-673249.html

rắn hổ mang bệnh nhân

Tin tức mới nhất