Hàng triệu người Trung Quốc mất Tết lần thứ 3

Hàng triệu người dân Trung Quốc thất vọng, mệt mỏi với chính sách "Zero Covid-19" khi một lần nữa họ bị hạn chế về quê dịp Tết Nguyên đán.

Cả năm nay, Shirley Zhang, một phiên dịch viên ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), đã mong mỏi được trở về quê nhà Tây An vào dịp Tết Nguyên đán - thời điểm mà chỉ phụ bố mẹ làm việc nhà hay nghe những câu chuyện phiếm từ hàng xóm thôi cũng đủ khiến cô vui vẻ.

Năm trước, vì đại dịch, cô đã dành kỳ nghỉ lễ tại thành phố cùng bạn bè nhằm hưởng ứng lời kêu gọi không di chuyển của chính phủ, theo The Washington Post.

“Ý nghĩa của Tết là sum vầy bên gia đình. Kiểu hạnh phúc này không giống như lúc ở cùng bạn bè. Tất cả chúng tôi đều hy vọng được trở về nhà”, Zhang (29 tuổi) chia sẻ.

Tuy nhiên, do sự xuất hiện của biến chủng Omicron, đây có thể sẽ là năm thứ 3 liên tiếp hàng triệu người như Zhang bỏ lỡ Tết Nguyên đán.

Chính phủ cũng đã đưa ra những hạn chế thậm chí nghiêm ngặt hơn trước trong bối cảnh Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh đang đến gần.

Hàng triệu người Trung Quốc mất Tết lần thứ 3-1
Một tiểu thương bán đồ trang trí Tết Nguyên đán ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Bức xúc

Tuần này, các nhà chức trách đã phát hiện những ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên của Trung Quốc - một người thành phố cảng Thiên Tân, gần Bắc Kinh và người còn lại ở thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông).

Cả hai chính quyền thành phố gấp rút ngăn chặn sự lây lan bằng cách truy vết, xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa.

Ngay từ trước khi biến chủng mới xuất hiện, giới chức đã siết chặt kiểm soát biên giới, đồng thời không khuyến khích người dân du lịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 31/1-6/2.

Tại tỉnh Chiết Giang, nơi bùng phát gần 300 ca bệnh, hơn nửa triệu người được yêu cầu phải ở nhà và 100.000 người khác được đưa đến các cơ sở cách ly.

Trung Quốc, một trong những quốc gia cuối cùng duy trì chính sách "Zero Covid-19", quả quyết giữ vững cách tiếp cận của mình, từ việc phong tỏa toàn bộ công viên giải trí, khu dân cư và trường học mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới, cho đến cách ly khách du lịch tối đa 6 tuần.

Tuy nhiên, khi một cái Tết khác đang đến gần, cái giá phải trả của chính sách "Zero Covid-19" được đem ra mổ xẻ, làm dấy lên sự bất bình khi không rõ người dân sẽ phải trì hoãn cuộc sống trong bao lâu.

Deng Juanjuan, giáo viên tiếng Anh 34 tuổi ở Bắc Kinh, và chồng cô, kỹ sư công nghệ thông tin tại một công ty chứng khoán nhà nước, sẽ "ăn Tết tại chỗ" như giới chức địa phương đã khuyến khích.

Đề cập đến hướng dẫn từ phía công ty của chồng, Deng cho biết họ được “khuyến nghị” không di chuyển trong Tết, “không phải nhiệm vụ bắt buộc”. Trước đó, chồng của cô từng lên kế hoạch về tỉnh Hồ Nam để thăm người mẹ đang sống một mình.

“Thật thất vọng khi thấy các hạn chế cứ tiếp diễn và không có lối thoát. Khi nào cuộc sống của chúng tôi sẽ bình thường trở lại?”, Deng nói.

Hàng triệu người Trung Quốc mất Tết lần thứ 3-2
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm axit nucleic tại thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) hồi tháng 1. Ảnh: CFP.

Đối với nhiều trong số 370 triệu người lao động nhập cư của Trung Quốc, Tết Nguyên đán là cơ hội duy nhất của họ để trở về thăm gia đình nhờ số ngày nghỉ dài.

“Đời người có bao nhiêu lần 3 năm? Chuyện gia đình sum họp trong dịp năm mới vốn là truyền thống hàng nghìn năm. Đối với chúng tôi, điều này cũng quan trọng như việc phòng chống Covid-19 vậy”, một người dùng Weibo bày tỏ.

“Khi bạn yêu cầu chúng tôi tiêm liều vaccine bổ sung, tôi đã đồng ý. Các đợt xét nghiệm nucleic, tôi cũng đã làm. Nhưng 3 năm không được về nhà là quá đủ rồi”, người khác viết.

Một số cư dân khác như Zhang cho biết họ chấp nhận các biện pháp hạn chế, nhưng băn khoăn rằng liệu cách tiếp cận này có thể kéo dài mãi hay không.

“Chính sách ‘Zero Covid-19’ rất khó khăn. Mọi người phải tuân theo đủ kiểu hạn chế. Bạn có thể yêu cầu 1 hay 10 người thực hiện, nhưng 1 tỷ người thì quá nhiều”, cô nói.

Vẫn theo đuổi "Zero Covid-19"

Viện dẫn nguy cơ lây lan biến chủng Omicron, ngày 15/12, giới chức thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) kêu gọi những nhân viên chính phủ hoặc công ty nhà nước hãy "làm gương" và từ bỏ các chuyến về quê dịp lễ này.

Ngày 12/12, thành phố Lãng Trung (tỉnh Tứ Xuyên) xuất bản bức thư ngỏ kêu gọi người lao động nhập cư không trở về quê nhà trừ trường hợp khẩn thiết.

Tại Ngọc Lâm (tỉnh Quảng Tây), chính quyền đề nghị thay thế việc về quê bằng cách gọi video. Giới chức thành phố Thượng Hải cũng kêu gọi người dân hủy bỏ các chuyến đi không cần thiết.

Một số biện pháp hạn chế bổ sung cũng được thực hiện nhằm ngăn biến chủng Omicron làm gián đoạn Thế vận hội mùa đông. Bắc Kinh đã yêu cầu du khách đến từ những địa điểm được cho là rủi ro cao báo cáo quan chức y tế địa phương khi quay trở lại thủ đô.

Tại Trương Gia Khẩu, cách Bắc Kinh 45 phút đi bằng đường sắt cao tốc, công nhân chính phủ, nhân viên công ty nhà nước và công chức trong khu vực xây dựng Thế vận hội đã được yêu cầu hủy các chuyến đi không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán.

Hàng triệu người Trung Quốc mất Tết lần thứ 3-3
Trung Quốc nằm trong số ít các quốc gia vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid-19". Ảnh: Noel Cellis/AFP.

Những thông báo này đã gây ra chỉ trích, ngay cả trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Trong một bài đăng hôm 12/12, Hu Xijin, biên tập viên của Global Times, cảnh báo về việc “hấp tấp” yêu cầu người dân từ bỏ việc trở về quê thăm gia đình.

“Rõ ràng là đại dịch sẽ không thể biến mất trong thời gian ngắn… nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, nền kinh tế cần phải tiếp tục”, ông viết. Theo Hu, trọng tâm của chính sách “Zero Covid-19” là “giảm thiểu chi phí chống dịch, chứ không phải bất chấp mọi giá”.

“Khi đại dịch kéo dài, chúng ta cần phải cân nhắc sức chịu đựng tâm lý của mọi người. Trong bối cảnh Covid-19, Tết cũng là một dạng liệu pháp điều trị tâm lý”, trích một bài viết trên Beijing News hôm 15/12.

Trong mùa hè, song song với tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng tăng của Trung Quốc là sự xuất hiện của biến chủng Delta. Tình cảnh này đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu Trung Quốc đã đến lúc dần mở cửa biên giới như các quốc gia khác hay chưa.

Từ sau nhiều nghiên cứu cho rằng việc nới lỏng biên giới sẽ nhanh chóng dẫn đến nhiều ca nhiễm hơn cả cuộc bùng phát ở Vũ Hán năm 2020, rất ít chuyên gia tranh luận về việc thay đổi hướng đi.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron có khả năng củng cố quyết tâm đó. Thành phố Thiên Tân đã xây dựng riêng khu cách ly chỉ dành cho các bệnh nhân mắc biến chủng Omicron tại một số bệnh viện được chỉ định.

Tại Quảng Châu, hơn 1.000 người được cho là có quan hệ gần gũi, hoặc nghi ngờ có quan hệ gần gũi với F0 được đưa vào diện cách ly tập trung.

Các quan chức y tế cho rằng chính sách "Zero Covid-19" vẫn tiết kiệm chi phí nhất cho Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo vào tuần trước, Liang Wannian, người đứng đầu nhóm ứng phó với Covid-19 của Trung Quốc, cho biết các phương thức tiếp cận "động" không nhằm mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn sự lây lan tại địa phương, điều bất khả thi lúc này, mà để phá vỡ chuỗi lây lan càng nhanh càng tốt.

"Chính sách này không chỉ để hạn chế dịch bệnh bùng phát, mà còn kiểm soát và cắt bỏ nó", ông nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/hang-trieu-nguoi-trung-quoc-mat-tet-lan-thu-3-post1283894.html?fbclid=IwAR2oWfjx7mGJ2o-gbmtOLTF3H_HO49ychkldq5uxVelHgQfTUUPfvEml44g

COVID-19 vaccine

Tin tức mới nhất