Học viên gãy cổ khi đang tập yoga: Bác sĩ nói gì?

Tập yoga mang lại sự mềm dẻo nhưng nếu bạn cố thực hiện các động tác khó có thể gây chấn thương cột sống, đột quỵ.

Trên mạng xã hội ngày 17/9 chia sẻ clip ghi lại cảnh một học viên yoga bị gãy xương cổ khi tập tư thế cái cày ngược dù có hướng dẫn viên. 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, tập yoga hiện nay là là trào lưu, xu hướng ở nhiều nơi.

Trên mạng xã hội, bạn dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh ấn tượng của học viên yoga với các tư thế uốn dẻo mà người bình thường không thể đạt được. Yoga mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng tập như thế nào là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Học viên gãy cổ khi đang tập yoga: Bác sĩ nói gì?-1
Hình ảnh người tập yoga trước khi sự cố xảy ra. Ảnh cắt từ clip. 

Hiện nay các trung tâm yoga được mở rất nhiều, một số huấn luyện viên chưa được đào tạo bài bản hoặc có người dạy thích học viên của mình tập những bài thật khó để thể hiện đẳng cấp. Khi đó, chấn thương sẽ xảy ra.

Bác sĩ Vũ đã gặp nhiều trường hợp tai nạn liên quan tới yoga. Nếu học viên chấn thương cột sống lưng sẽ bị liệt hai chân, chấn thương đốt sống cổ sẽ bị liệt tứ chi. Ngoài ra, các sự cố khác như gãy xương, trật khớp hoặc tai biến tim mạch cũng xảy ra phổ biến.

Đặc biệt, một số động tác dồn trọng lượng cơ thể về cổ cũng có khả năng gây chấn thương. Các tư thế cái cày, trồng cây chuối... được nhiều học viên chinh phục nhưng có thể dẫn tới gãy xương cổ, đột quỵ nhất là những người bị bệnh tim mạch.

Ngoài ra, các tư thế cầu vồng, rắn hổ mang có nguy cơ dẫn tới gãy lưng nhất là những người bị bệnh loãng xương. Vì vậy, người tập hết sức thận trọng vơi các động tác này. 

Theo bác sĩ Vũ, khi tập yoga cần tập từ dễ đến khó. Mọi người cần tập theo sức của mình, không lấy người khác làm đích. Nhiều người thấy bạn bên cạnh thực hiện động tác khó cũng cố gắng làm theo và bị chấn thương.

Sức uốn dẻo của mỗi người một khác, có động tác chỉ hợp với người trẻ, người trung niên, cao niên không nên cố tập theo.

Người tập bắt buộc phải có hướng dẫn viên, tuyệt đối không nên tự thực hiện. Quan niệm động tác càng khó càng tốt cho sức khỏe là không đúng, không nên tập theo phong trào. Việc luyện tập đòi hỏi sự chậm rãi, cẩn thận và chính xác.

Người già, người có bệnh nền vẫn có thể tập yoga nhưng phải chọn động tác phù hợp, có sự tư vấn và hướng dẫn của người có chuyên môn, bác sĩ. Đặc biệt, người có bệnh tăng huyết áp không tập các động tác như cái cày, trồng chuối.

Học viên nên tập các động tác hướng tới vùng thắt lưng, lưng trên, vùng vai và cánh tay giúp tăng độ dẻo dai, thư giãn. Nên tập vào buổi sáng trước khi làm việc và buổi tối trước khi đi ngủ. Các động tác nên tập là: thư giãn, thở bốn thời, để tay sau gáy, ưỡn cột sống…

Đối với các trung tâm dạy yoga, bác sĩ Vũ khuyến cáo, huấn luyện viên không nên yêu cầu học viên tập các động tác quá khó để livestream, chụp ảnh quảng cáo. H

c viên mỗi người một thể trạng, sức khỏe khác nhau nên không cố tập cùng một động tác, tư thế, có thể xảy ra tai nạn như trường hợp trên.

Theo Vietnamnet 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/hoc-vien-gay-co-khi-dang-tap-yoga-bac-si-noi-gi-2191178.html?fbclid=IwAR1KhI8sICO3_ym_hB9x0t5AUZ78b1Ln__-K6EUD5tSs1OZ3jAJsHggXKFw

Yoga

Tin tức mới nhất