Lao vòi trứng: Bệnh dễ dẫn đến tắc vòi trứng, gây vô sinh

Nhiều chị bất thường trong kinh nguyệt thường bỏ qua. Tuy nhiên đó cũng có thể dấu hiệu của bệnh lao vòi trứng mà nhiều chị em chưa biết đến.

Chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi, lấy chồng đã được hơn một năm. Vợ chồng em mong muốn có con sớm nhưng đến nay mà vẫn không thấy gì. Trong khi đó, chuyện “chăn gối” của vợ chồng em vẫn diễn ra đều đặn. Tuy nhiên, thời gian gần đây em thường xuyên thấy đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt và hay mệt mỏi. Em đi khám, chụp tử cung - vòi trứng thì bác sĩ kết luận bị lao vòi trứng (một dạng của bệnh lao sinh dục nữ) dẫn đến tắc vòi trứng, gây trở ngại cho quá trình thụ thai.

Hiện tại em rất hoang mang và không biết lao vòi trứng là thế nào và có ảnh nghiêm trọng đến chuyện con cái của vợ chồng em sau này không. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn! (Phương Trinh)


Trả lời:

Phương Trinh thân mến!

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao Koch gây nên. Loại vi trùng này có thể gây bệnh ở tất cả các bộ phận trên cơ thể nhưng chủ yếu là lao phổi, tiếp đến là lao gan, lao ruột và lao bộ phận sinh dục (có cả nam và nữ giới).

1
Lao vòi trứng rất nguy hiểm cho chị em trong độ tuổi sinh sinh (ảnh minh họa)

Lao cơ quan sinh dục phần nhiều gặp ở nữ giới trong độ tuổi từ 20-45. Nữ giới bị lao cơ quan sinh dục chủ yếu là do bị nhiễm trùng lây lan từ bệnh lao phổi, các bệnh đường ruột, bệnh tiết niệu… sau đó vi trùng theo đường lưu thông của máu hay tuyến lympho lây lan đến cơ quan sinh dục khiến cho ống dẫn trứng bị viêm nhiễm khuẩn trước tiên rồi lan ra đến tử cung, buồng trứng và bộ phận âm đạo ngoài.

Ở nữ giới, lao sinh dục thường gặp nhất ở vòi trứng rồi đến dạ con, cổ tử cung, âm đạo và âm hộ.

Những biểu hiện của lao sinh dục nữ cũng gần như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như “vùng kín” ra nhiều khí hư, kinh nguyệt bị rối loạn, đau bụng dưới âm ỉ, bệnh nhân luôn mệt mỏi, cơ thể khó chịu. Khi đi khám sẽ thấy hiện tượng cổ tử cung bị loét, sần sùi, dễ chảy máu, vòi trứng và dây chằng rộng dính với buồng trứng, dễ sờ thấy u cục vùng hố chậu. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có thể có những triệu chứng của áp xe vùng vòi trứng, đôi khi kèm theo những khối u lớn vùng ổ bụng.

Lao sinh dục nữ phổ biến nhất là lao ở vòi trứng, ít gặp hơn ở buồng trứng hay dây chằng. Khi bị lao ở vòi trứng thường là những tổn thương mạn tính, lâu ngày gây nên tắc vòi trứng, gây chửa ngoài dạ con hoặc vô sinh khi hai vòi trứng đều bị tắc.  Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm bệnh lao sinh dục nữ giúp nữ giới hạn chế được nguy cơ vô sinh.

Bệnh lao sinh dục nữ cũng giống như các bệnh lao thông thường khác. Để phòng bệnh, bạn cần biết cách giữ vệ sinh, tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lao cần cách ly, không ăn chung bát đũa, sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Khi có những biểu hiện lạ trong cơ thể, cần đi khám để nhanh chóng phát hiện sớm và điều trị, tránh những nguy hiểm và tổn thất không đáng có.  

Nếu băn khoăn, bạn có thể tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được thăm khám cẩn thận và chỉ định điều trị thích hợp, đúng bệnh.

Chúc bạn vui khỏe!

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ


Tin tức mới nhất