Lộ tuyến cổ tử cung có gây ung thư?

Nhiều chị em phụ nữ sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều khí hư đi khám các bác sĩ kết luận bị viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Lộ tuyến là một tổn thương lành tính ở cổ tử cung, hay gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, do các tế bào tuyến trong ống cổ tử cung phát triển lan ra phía ngoài.

Khi có biểu hiện ra khí hư nhiều hoặc nghi ngờ lộ tuyến cần đến cơ sở y tế để được điều trị.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm lộ tuyến tử cung trong đó hay gặp do các nguyên nhân như: Những người đã sinh đẻ là đối tượng dễ mắc phải, do cổ tử cung mở rộng sau quá trình vượt cạn.

Những người có tổn thương sau một số thủ thuật nạo hút thai cũng có thể khiến tế bào bên trong mọc lan ra ngoài gây lộ tuyến cổ tử cung. Những người chưa sinh đẻ vẫn có khả năng lộ tuyến cổ tử cung do các biến động về nội tiết sinh dục nữ hoặc đôi khi không có lý do.

Ngoài ra, ở một số phụ nữ, thay đổi PH môi trường âm đạo, quan hệ tình dục mạnh bạo... cũng là một nguyên nhân gây lộ tuyến.

Khi mắc biểu hiện thường thấy là ra nhiều khí hư, nếu bị nhiễm khuẩn thì khí hư sẽ có mủ và hôi. Lộ tuyến có thể làm giảm khả năng thụ thai ở người có bệnh, nhất là khi kèm theo viêm.


Vì thế, phụ nữ hiếm muộn nếu bị lộ tuyến thì việc đầu tiên cần làm là điều trị dứt điểm.

Một số người bị lộ tuyến lâu ngày có thể xuất hiện tổn thương nghi ngờ, cần soi cổ tử cung và xét nghiệm phiến đồ âm đạo để phát hiện tế bào bất thường. Nếu có hình ảnh bất thường soi cổ tử cung cũng là một triệu chứng gợi ý để phát hiện ung thư cổ tử cung. Tuy vậy, có tổn thương nghi ngờ chưa chắc đã là ung thư.

Nếu chỉ lộ tuyến hoặc đã điều trị hết viêm thì có thể diệt liên bào tuyến bằng phương pháp đốt điện, đốt nhiệt hoặc áp lạnh nhưng không áp dụng hết cho tất cả các trường hợp lộ tuyến.

Nhiều người thường hay sử dụng thuốc hoặc thảo dược tại nhà mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Trong khi đó, việc đặt thuốc không đúng càng làm rối loạn môi trường âm đạo, có thể gây ra bệnh do mất cân bằng vi khuẩn có lợi, tổn thương các mô bên trong.

Vì vậy, viêm lộ tuyến khi nào cần phải điều trị, việc điều trị như thế nào, chỉ định đốt hay đặt thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt trong thủ thuật đốt cần phải lưu ý tuân thủ việc tái khám, kiêng quan hệ tình dục theo sự hướng dẫn của bác sĩ cho từng trường hợp.

Sau khi điều trị, cần rửa vệ sinh bên ngoài, không ngâm, không thụt rửa bên trong âm đạo. Cần thực hiện tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ trực tiếp điều trị. Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị cho đến khi lành hẳn.

Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem. Để tránh tái phát, cần vệ sinh phụ khoa đúng cách, chú ý giữ vệ sinh vùng kín vào những ngày có kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tức mới nhất