Nguyên liệu nào trong bánh mì có thể gây ngộ độc hàng loạt?

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, những thực phẩm thịt, patê, đồ chua làm nhân có khả năng gây ngộ độc cao hơn là lớp vỏ bánh mì.

Ngày 14/9, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin các cơ sở y tế trên địa bàn ghi nhận 141 trường hợp ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhiều trường hợp là du khách tới Hội An, trải nghiệm bánh mì Phượng vì đây là quán bánh mì lâu năm, rất nổi tiếng.

Những bệnh nhân này sau khi ăn bánh từ 2 đến 10 giờ sau đều có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, nhiều trường hợp phải đi cấp cứu tại các bệnh viện.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra cơ sở và yêu cầu tiệm bánh mì giữ mẫu thức ăn, niêm phong và làm xét nghiệm.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 10 nguyên liệu, thực phẩm dùng để chế biến bánh mì Phượng, bao gồm các loại rau, dưa, chả heo, xốt trứng gà tươi… được mua từ các cơ sở có địa chỉ rõ ràng trong chợ Hội An. Riêng pate được làm trực tiếp tại cơ sở. 

Trước đó, tháng 5/2023, tại Bến Tre cũng xảy ra vụ ngộ độc do ăn bánh mì tại một cơ sở trên đường Đồng Khởi, Phú Khương, thành phố Bến Tre. Tổng số người ngộ độc khi ăn bánh mì lên đến 173 người trong đó 10 người điều trị ngoại trú, 163 người nhập viện. 

Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm làm nhân bánh mì được Viện Paster TP.HCM thực hiện cho thấy các loại thịt,  patê, bơ, đồ chua… đều nhiễm ba loại vi khuẩn là E-coli, Coli-form và Shigella ở mức cao. Các loại vi khuẩn này chính là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết bánh mì làm từ bột mì và nướng.

Bánh mì chỉ ngộ độc khi để quá lâu, do nấm mốc và ít gây ngộ độc nặng. Một số bánh mì làm được cho thêm bơ, sữa, trứng thời hạn sử dụng rất ngắn và nhà sản xuất luôn khuyến cáo về thời gian ăn, bảo quản loại bánh này.

Khi hết hạn, bánh mốc lên, người dân có thể quan sát bằng mắt thường.

Vì vậy, ông Thịnh nghi ngờ chất lượng nhân bánh như thịt, pate, nước xốt, thịt nguội, xúc xích, rau muối chua... Đặc biệt là pate có thành phần từ gan lợn, gan gà giàu axit amin, dễ sinh sôi vi sinh vật gây ngộ độc đặc biệt là E.Coli, Salmonella.

Nguyên liệu nào trong bánh mì có thể gây ngộ độc hàng loạt?-1
Hơn 100 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An. Ảnh: P.Thúy

Với các cơ sở làm bánh mì bán số lượng lớn, người làm thường chuẩn bị sẵn nhân bánh từ trước và khách mua mới nhồi nhân. Nếu quá trình bảo quản nhân bánh không đảm bảo đúng quy định vi sinh vật dễ tấn công. 

"Thậm chí, nhiều cơ sở không trực tiếp làm nhân bánh mì mà họ nhập ở cơ sở khác, mua ở chợ và vận chuyển tới điểm bán. Các quy trình này nếu không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc đều có thể xảy ra", PGS Thịnh cho biết thêm.

Theo ông Thịnh, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, tập huấn cho những người kinh doanh thực phẩm ăn sẵn. Nếu họ sai sót trong khâu bảo quản, chế biến có thể dẫn tới ngộ độc hàng loạt.

Liên quan tới vụ ngộ độc này, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì.

Theo VietNamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ngo-doc-khi-an-banh-mi-nguyen-nhan-tu-dau-2189571.html

bánh mì

Tin tức mới nhất