Nhạc Việt đóng băng đến bao giờ?

Thị trường nhạc Việt trong 3 tháng qua kém sôi động vì những ca sĩ hàng đầu tạm gác lại kế hoạch ra mắt sản phẩm mới.

Nhà sản xuất Châu Đăng Khoa chia sẻ về câu chuyện Sofia - giọng ca trực thuộc công ty Superbrothers - ra mắt sản phẩm đầu tay Nhớ Người Hay Nhớ vào đầu năm. Ca khúc thành hit, nhưng nổi lên đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM.

Vài tháng qua, Sofia không thể dùng ca khúc hit để chạy show và quảng bá tên tuổi. Ê-kíp coi như mất trắng so với tâm huyết cùng khoản đầu tư đổ vào Nhớ Người Hay Nhớ.

Đó là câu chuyện chung của loạt ca sĩ có tên tuổi ra mắt sản phẩm trong năm 2021, đặc biệt ở giai đoạn khoảng 4 tháng gần đây. Một ca sĩ khác trải lòng: "Ra mắt ca khúc đầu tư rầm rộ ở thời điểm này chẳng khác gì một canh bạc".

Nhạc Việt đóng băng đến bao giờ?-1
"Thức Giấc" của Da LAB vẫn là MV được đầu tư mạnh bậc nhất trong khoảng 2 tháng qua. Ảnh: NVCC.

Tại sao thị trường đóng băng?

Các ca sĩ hoạt động trên thị trường, về cơ bản đi theo quy trình: Đầu tư, phát hành sản phẩm, quảng bá và chạy show. Trong đó, bước phát hành sản phẩm được thực hiện trên các nền tảng (nhạc số). Các ca sĩ sẽ có doanh thu từ nhạc số, sau đó tiếp tục chạy show để kiếm tiền.

Trên bình diện thị trường, chi phí đầu tư sản phẩm của nhóm ca sĩ hàng đầu, bao gồm quay MV, quảng bá, chí ít phải vài trăm triệu đồng. Nhiều sản phẩm lên đến tiền tỷ.

Từ cơ sở đó, chuyện các ca sĩ hàng đầu tạm thời rút lui khỏi đường đua là điều dễ hiểu, bởi họ không thể dồn tâm huyết, đầu tư mạnh mẽ cho một sản phẩm mà không thể biết đâu là vạch đích cần nhắm tới.

Để phân tích cụ thể về khía cạnh này, một nhạc sĩ trên thị trường nêu quan điểm: "Cách làm trên thị trường nhạc Việt khá đặc thù so với quốc tế. Ví dụ ở thị trường Âu - Mỹ, khi phát hành sản phẩm, trước tiên, họ thu về nguồn lợi lớn từ các nền tảng nhạc số. Thậm chí khán giả bỏ tiền cho từng ca khúc của ca sĩ Âu - Mỹ. Còn với nhạc Việt, doanh thu từ nhạc số không đáng là bao và mục tiêu chính vẫn là chạy show".

"Vài tháng qua, mảng giải trí ở TP.HCM đóng băng. Một khi TP.HCM chưa thể hoạt động, các ca sĩ cũng mất đi thị phần lớn nhất. Chưa tính tới chuyện họ thu về nguồn lợi gì. Ngay cả việc ca sĩ ra bài, thành hit, nhưng không được biểu diễn quảng bá trên sân khấu đã là thiệt thòi. Mà với ca khúc hit ở Vpop, hiệu ứng chỉ là ngắn hạn, do đó nhiều ca sĩ chọn phương án an toàn là tạm hoãn mọi kế hoạch".

Vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, như Da LAB phát hành MV Thức Giấc được đầu tư mạnh đúng giai đoạn dịch bệnh bùng lên. Orange dũng cảm phát hành MV Em Hát Ai Nghe ở thời điểm "nóng" nhất.

Da LAB lý giải: "Ban đầu, nhóm tính toán ra mắt 'Thức Giấc' ở thời điểm TP.HCM hết giãn cách 1 tuần. Sau đó, TP.HCM tiếp tục giãn cách. Da LAB vẫn ra MV và sẵn sàng cho kịch bản không thể quảng bá, biểu diễn ca khúc".

Trong khi đó, MV Em Hát Ai Nghe sản xuất từ đầu năm. Đây là sản phẩm solo đầu tay của Orange. Giọng ca sinh năm 1998 quyết định phát hành MV Em Hát Ai Nghe trong thời điểm thị trường tĩnh lặng để thu hút chú ý. Thực tế, Em hát ai nghe dễ dàng leo top thịnh hành vì ít đối thủ cạnh tranh.

Nhạc Việt đóng băng đến bao giờ?-2
Orange tận dụng đường đua thông thoáng để phát hành sản phẩm.

Bao giờ trở lại?

Ê-kíp của Châu Đăng Khoa cho biết sẽ không trở lại đường đua nhạc Việt khi dịch bệnh chưa được kiểm soát. Nhiều ê-kíp của các ca sĩ, qua trao đổi, cũng nhấn mạnh không có ý định ra nhạc cho đến hết năm nay.

"Đây là khó khăn chung của cả ngành giải trí, chứ không chỉ âm nhạc. Khi dịch bệnh bùng phát, giải trí là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng. Đến khi tình hình ổn thỏa, ngành giải trí cũng chưa thể phục hồi ngay, bởi khán giả phải ổn định cuộc sống, trước khi nghĩ đến chuyện tìm đến nhu cầu giải trí", Châu Đăng Khoa nêu góc nhìn.

Giới ca sĩ có lẽ chưa từng trải qua viễn cảnh như hiện tại. Tuy nhiên, trong những mặt tối, vẫn có những điểm sáng. Từ chính câu chuyện của Châu Đăng Khoa, anh cho biết đây là thời điểm để xả stress, có cơ hội nhìn lại chặng đường đã qua, và học thêm nhiều cái mới.

Châu Đăng Khoa tiếp tục: "Khi thị trường ngày càng phát triển, những người làm nhạc phải hoạt động tích cực hơn. Các ca khúc hit bây giờ có tuổi thọ cũng ngắn hơn trước, do đó ca sĩ phải làm việc liên tục để duy trì tên tuổi. Bây giờ, một ca sĩ không có hit trong một năm là bắt đầu dấu hiệu đi xuống. Do đó, trước khi xảy ra tình cảnh như bây giờ, các ca sĩ phải đặt trọn tâm huyết và gần như không có thời gian để làm chuyện khác".

Thị trường nhạc Việt chuyển biến, dẫn đến nhiều thay đổi thú vị. Khi đường đua thông thoáng, các giọng ca mới đồng loạt ra mắt sản phẩm. Không phải những MV tiền tỷ, mà các ca khúc được thể hiện theo dạng Lyrics Video hoặc Performance Video, nhưng vẫn được chú ý.

Top thịnh hành không còn những cuộc đua gay cấn của nhóm ca sĩ hàng đầu thị trường, mà thay bằng loạt sản phẩm đảo vị trí liên tục.

Sự chú ý từ khán giả không còn đổ dồn vào 1, 2 ca sĩ, mà phân tán cho nhiều sản phẩm. Các giọng ca mới phải tận dụng thời điểm này, bởi đây là thời cơ tốt nhất để họ rút ngắn quãng đường nổi tiếng.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nhac-viet-dong-bang-den-bao-gio-post1263232.html?fbclid=IwAR0DjHM_ZkCsqXhIn7zYf4IhhN4J1PhNrrwxQ3Gj1DNP0QA97EUgg0ty8gY

Orange DaLAB châu đăng khoa

Tin tức mới nhất