Những giọng nữ cao trữ tình tiêu biểu ở Việt Nam (Phần 2)

(2Sao) – Sau Thái Thanh, Thu Minh, Mỹ Như thì những nữ ca sĩ sau đều là các giọng nữ cao trữ tình tiêu biểu ở Việt Nam

Trong opera và nhạc cổ điển, nữ cao trữ tình (lirico soprano) được định nghĩa là một loại giọng nữ cao ấm áp, có độ sáng, giàu âm sắc, âm khu trung đầy đặn, bay bổng, mềm mại, thường thể hiện vai những người phụ nữ hiền lành, yếu mềm.

Có hai loại nữ cao trữ tình là full lirico soprano (nữ cao trữ tình đầy đặn) và light lirico soprano (nữ cao trữ tình mảnh).

Đặc trưng của full lirico soprano là âm sắc đầy đặn, có độ dày, khỏe, legato (hát liền note) phát triển với full voice (hát toàn giọng), có khả năng điều chỉnh âm lượng vừa phải trên quãng cao, âm lượng chắc chắn ở những quãng hát dài hơi. Điển hình cho loại giọng này là Lara Fabian, Celine Dion, Montserrat Caballe, Renee Fleming.


Điển hình của full lirico soprano trong opera là Montserrat Caballe với chất giọng đẹp như pha lê, mềm mại, ấm áp, legato uyển chuyển, hát nhỏ tiếng bậc thầy, nhưng cũng lên được những note cao uy lực, mạnh mẽ.
 

Lara Fabian là điển hình của full lirico soprano trong nhạc đại chúng với quãng trung phát triển, legato mượt mà, chất giọng ấm áp, mềm mại.

Đặc trưng của light lirico soprano là âm sắc mảnh, sáng, có khả năng chuyển giọng và pha giọng nhanh chóng, thực hiện kĩ thuật hoa mĩ dễ dàng hơn. Điển hình cho loại giọng này là Cyndi Lauper, Christina Aguilera, SoHyang, Kathleen Battle, Leona Lewis, Mirella Freni.

Kathleen Battle là giọng light lirico soprano điển hình ở opera



SoHyang là một điển hình của light lirico soprano trong nhạc đại chúng, với âm sắc mảnh, sáng, mềm, khả năng chuyển giọng và thực hiện kĩ thuật hoa mĩ rất linh hoạt, nhưng kém phát triển ở quãng trung. Với cấu tạo bộ máy phát âm đặc biệt, có thể belt mixed voice (giọng pha) lên những note cao với tính chất của spinto soprano (nữ cao trữ tình kịch tính), khác với nhiều light lirico soprano thông thường.

Nữ cao trữ tình là loại giọng phổ biến thường thấy ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, có vô số giọng nữ cao trữ tình, nhưng sau đây là một số ca sĩ điển hình nhất.

Lê Dung

Nói về tiếng hát Lê Dung, ai cũng phải ngợi ca về sự ngọt ngào, da diết hiếm có trong một chất giọng opera/cổ điển được đào tạo bài bản. Lê Dung đương nhiên hát đẹp, rất đẹp, có thể nói là đẹp bậc nhất trong các giọng soprano Việt Nam, vì dám chắc rằng ít có ca sĩ nào nắm vững vàng được nghệ thuật hát đẹp bel canto của Ý như bà.

Những note nhạc Lê Dung hát không những chắc chắn trong từng làn hơi mà còn rất trau chuốt, mượt mà, đạt được độ ổn định cao về âm vực, kỹ thuật. Bằng kĩ thuật thượng thừa, Lê Dung gần như đã khai thác tối đa ưu thế trong loại giọng light lirico soprano của mình.

Lê Dung

Làn hơi khỏe, dài, kèm theo sự hỗ trợ tốt về hơi thở giúp Lê Dung có được những leagto mượt mà, ít gợn, không phô chênh, vênh note, mà lại rất linh hoạt.


Kĩ thuật fortissimo của Lê Dung khá tốt, bà có thể điều khiển âm lượng to đột biến trên các chuỗi crescendo.



Đặc biệt, ở những đoạn fortissimo trên quãng cao C6 (Đô cao), bà thực hiện rất tốt, dù hơi gắt do đặc trưng riêng của loại giọng, nhưng vẫn khá đẹp. Nếu ai đã từng nghe Lê Dung hát trực tiếp aria Brindisi trong vở La Traviata hẳn không khỏi quên được khoảnh khắc bà đẩy giọng lên C6 ở đoạn cao trào vô cùng nội lực.

Staccato của Lê Dung cũng rất vững. Trong bài Cô gái vót chông, bà phiêu đoạn giả tiếng chim trên quãng 6 mượt mà, rõ ràng mà linh hoạt, không bị căng thẳng, vênh note như nhiều ca sĩ khác.


Khả năng điều khiển âm lượng của Lê Dung vô cùng đáng nể, đoạn cuối aria Pace, pace mio dio trong vở La Forza del Destino, bà đã thực hiện vuốt giọng nhỏ dần rồi chuyển sang to đột biến trên cùng một legato.


Đương nhiên không thể không nhắc tới kĩ thuật pianissimo (hát nhỏ tiếng), một trong những lợi thế của giọng nữ cao trữ tình mà Lê Dung phát huy tốt. Trong aria O mio babbino cano, bà đã thực hiện chuyển giọng xuống những note pianissimo rất đẹp, vang, mượt trên một legato.


Giọng hát Lê Dung còn tỏ ra khá linh hoạt, biến hóa khi tạo màu sắc ả đào, ca trù.


Không chỉ là con chim sơn ca đầu đàn, là cây đại thụ của thanh nhạc cổ điển Việt Nam, Lê Dung còn thành công ở cả mảng nhạc nhẹ. Bà là một trong những tiếng hát nhạc nhẹ được ưa chuộng ở những thập niên trước, với nhiều ca khúc trữ tình như Họa mi hót trong mưa, Mưa trên biển vắng, Bâng qươ, Hoa sữa, Mùa đông của anh, Sơn nữ ca…

Siu Black

Nếu hầu hết các giọng nữ cao trữ tình ở Việt Nam là light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) thì riêng Siu Black lại sở hữu loại giọng full lirico soprano (nữ cao trữ tình đầy đặn), vốn là loại giọng ít thấy, nên có phần dày, khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn.


Không quá chú trọng vào kĩ thuật, Siu Black chủ yếu phát huy hết nội lực bẩm sinh trong giọng hát khỏe, vang, đậm chất rock của mình, và tập trung vào quãng trung nhiều hơn, nên cô đã tạo được thương hiệu riêng với người nghe, đó là Họa mi núi rừng với chất giọng man dại, tự do, đậm chất Tây Nguyên.

Siu Black

Có thể nói, Siu Black có khoảng vang và rền rất lớn trong giọng hát của mình, nên dù có dữ dội tới đâu thì vẫn cứ đẹp và tạo sự thoải mái cho người nghe.


Dù là một nữ cao, nhưng thế mạnh của Siu Black lại nằm ở những quãng trung vô cùng to khỏe, chắc chắn, vang sảng, trải dài khắp sân khấu. Hiếm có nữ cao nào trong nhạc nhẹ Việt Nam lại sở hữu những fortissimo (kĩ thuật đẩy to tiếng) nội lực như Siu Black. Sở trường của cô là gằn giọng ở mọi note nhạc, để khiến giọng hát kiểu mình trở nên rực lửa, kịch tính hơn.

Khánh Linh


Có thể nói, Khánh Linh là giọng light lirico soprano thuần chất và đúng nghĩa nhất. Chất giọng của cô trong vắt, tươi sáng như pha lê, mảnh mai và nhẹ nhàng như ánh nắng sớm.


Khánh Linh là ca sĩ được đào tạo trường lớp bài bản, lại được rèn luyện kĩ càng về thanh nhạc cổ điển, nên sở hữu kĩ thuật chắc chắn, chính xác.

Khánh Linh

Khác với những ca sĩ khác, Khánh Linh chỉ dùng kĩ thuật để làm giọng hát trở nên đẹp nhất có thể, phát huy tối đa chất nhẹ, mảnh, sáng của mình, chứ không hề phô diễn.

Thùy Chi

Sở hữu chất giọng gần tương đồng như Khánh Linh, nhưng do thiếu sự đào tạo thanh nhạc nên Thùy Chi có phần thua thiệt về kĩ thuật, cũng như khả năng làm chủ giọng hát.


Tuy nhiên, Thùy Chi lại khá thông minh khi biết vận dụng chất trong sáng, ngọt ngào, angelic (chất thiên thần) trong giọng hát của mình để đóng đinh tên tuổi ở những bản tình ca tuổi teen đầy thơ mộng, lãng mạn, ngọt ngào. Cô gần như trở thành một thần tượng bất diệt trong lòng nhiều thế hệ trẻ.

Thùy Chi

Giọng hát mảnh của Thùy Chi giúp cô trở nên linh hoạt, có thể mixed voice lên những note rất cao.

(Còn tiếp)

Đức Long
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất