Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop, ‘đắt’ giá ở Kpop

Vpop và Kpop có vô số điểm khác biệt trong hướng đào tạo, cách thức quảng bá và cả vấn đề bản quyền…

Không có cùng thời gian phát triển, nền văn hóa… Vpop và Kpop khác nhau là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ngoài những điểm khác hiển nhiên như ngôn ngữ, số lượng ca sĩ… Vpop và Kpop còn có những chênh lệch không phải ai cũng biết.

Hướng đào tạo

Ở Vpop, ca sĩ Việt tự do phát triển sự nghiệp, tự do ký kết hợp đồng biểu diễn hay quảng cáo và họ cũng tự do tung ra sản phẩm âm nhạc bởi không ai ngoài họ quản lý công việc ca hát của chính mình.

Trường hợp hoạt động theo công ty quản lý ở Vpop vô cùng hiếm hoi, trong đó có thể kể tới 365, Sơn Tùng M-TP, Lime, Đông Nhi…

Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở Kpop
Sơn Tùng ngày càng chuyên nghiệp hơn khi đầu quân về công ty Wepro của đạo diễn của Quang Huy.

Trái lại, ca sĩ Hàn Quốc không thể tự ý lên sân khấu biểu diễn nếu thiếu đi bệ phóng từ các công ty quản lý. Thậm chí, để được ra mắt, các ca sĩ Kpop còn phải được công ty quản lý đào tạo về thanh nhạc, vũ đạo, cách diễn xuất… trong nhiều năm liền.

G-Dragon từng có tới 11 năm làm thực tập sinh của SM và YG, Min (miss A), Jo Kwon (2AM), Jessica… chôn vùi tuổi thanh xuân tới 7-8 năm tại công ty trước khi debut…

Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở Kpop
G-Dragon mất tới 11 năm rèn luyện để có được thành công như hôm nay.

Đây là hạn chế với ca sĩ Hàn nhưng cũng giúp họ chuyên nghiệp hơn trong trang phục, phong cách biểu diễn và cả cách đối đầu với scandal…

Bản thân Thanh Bùi, nhà sản xuất từng làm việc với đối tác Hàn Quốc cũng thừa nhận khác biệt này giữa Vpop và Kpop.

Khi nhận được câu hỏi: “Vậy việc giáo dục âm nhạc đó chính là điểm yếu cốt lõi của nền âm nhạc Việt Nam so với Hàn Quốc?”, Thanh Bùi đã thẳng thắn nhận xét: “Còn hơn thế nữa, chữ ‘ca sĩ’ ở Việt Nam nó hơi bị rẻ tiền, nghệ thuật bị bán rẻ”.

Ca sĩ và nhóm nhạc

Hướng đào tạo dẫn tới một điểm khác biệt nữa giữa Vpop và Kpop đó chính là lối biểu diễn. Vpop toàn ca sĩ solo, Kpop ngược lại với vô số nhóm nhạc, trong khi ca sĩ solo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ca sĩ solo có thể xem như một lợi thế của Vpop khi so sánh với Kpop, những cái tên nổi bật nhất Vpop hiện nay đều đang hoạt động “một thân một mình”. Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Sơn Tùng, Noo Phước Thịnh… là ví dụ diển hình.


Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở KpopĐông Nhi đại diện cho thế hệ ca sĩ trẻ ở Vpop.

Vpop quả thực rất hiếm mô hình nhóm nhạc bởi thiếu công ty quản lý thì không thể gắn kết những con người khác nhau vào cùng một tập thể.

365, La Thăng, Lime… là nhóm nhạc hiếm hoi còn sót lại tại Vpop. Khi được hỏi về khả năng tồn tại, trưởng nhóm Lime, Kim Cương đã chia sẻ: “Công ty quản lý của nhóm là Hàn Quốc, họ khá nghiêm khắc và kiểm soát các thành viên khá chặt.

Bởi vậy, rất khó để ai đó có tinh thần cá nhân, thay vào đó, tinh thần nhóm phải luôn đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, khi có công ty quản lý, cách làm việc của nhóm cũng sẽ không bị riêng rẽ. Bởi vậy, mình nghĩ nhóm sẽ không thể tan rã như mọi người nói”.

Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở Kpop
Lime đem đến làn gió mới khi theo đuổi hình mẫu nhóm nhạc.

Còn ở Kpop, nhóm nhạc mới là lợi thế. Trong 7 tháng đầu năm 2015, Kpop có tới 37 nhóm nhạc ra mắt nhưng ca sĩ solo chỉ là 7 người. Chênh lệch giữa nhóm nhạc và ca sĩ solo ở Kpop càng thấy rõ hơn khi thâm nhập các công ty quản lý lớn. Tỷ lệ nhóm nhạc/ ca sĩ ở YG là 6/1, SM là 7/2, JYP là 8/2…

Ca sĩ solo thực sự nổi bật ở Kpop chỉ có IU, Lee Hyori, BoA, Bi Rain, Lee Seung Gi… trong khi những nhóm nhạc như SNSD, Big Bang, 2NE1, EXO, 2PM, Beast, TVXQ, Super Junior… hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ.

Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở KpopNhắc tới Kpop, người ta thường nghĩ tới SNSD hay Big Bang, Super Junior, Wonder Girls, TVXQ, EXO...

Hình ảnh quảng bá

Ca sĩ Hàn Quốc không gặp khó khăn để có thể tiếp cận công chúng mỗi khi tung ra ca khúc, album mới bởi họ có tới 9 trang web âm nhạc như Melon, Bugs, Mnet, Geine…

Bên cạnh đó, thần tượng Kpop, kể cả tân binh còn có thể giới thiệu ca khúc tới khán giả thông qua sóng truyền hình nhờ những chương trình âm nhạc hàng tuần như Music Bank, Music Core, Inkigayo, Show Champion…

Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở Kpop

Các chương trình âm nhạc Hàn Quốc còn tới nhiều quốc gia khác để ghi hình, điển hình như Music Bank tại Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua.

Các nghệ sĩ Kpop thường biểu diễn đi, biểu diễn lại 1 ca khúc mới với tần suất từ 4-5 lần/tuần trong thời gian 1-2 tháng trên các show âm nhạc cố định hàng tuần.

Ngoài ra, mỗi lần tung ca khúc mới, họ còn tích cực tham gia các chương trình thực tế, radio, gameshow… để thu hút sự chú ý.

Trong khi đó, hướng quảng bá lại là hạn chế lớn nhất ca sĩ Việt. Không có nhiều BXH âm nhạc uy tín như Hàn Quốc, Vpop lại thiếu đi những chương trình âm nhạc định kỳ trên sóng truyền hình… Bởi vậy cách duy nhất để khán giả biết tới ca khúc mới của ca sĩ Việt là tận dụng các trang mạng xã hội.

MV

Sau nhiều năm, MV Vpop giờ đây vẫn khá trung thành với những câu chuyện tình yêu não nề, khi nhân vật chính thất tình hay bị bệnh hiểm nghèo.

365 được yêu mến nhờ những MV mới mẻ, sáng tạo.

Tuy những nhân tố trẻ như Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, 365… đã thay đổi rất nhiều màu sắc của Vpop với những MV có cốt chuyện sáng tạo nhưng mặt bằng chung, MV Vpop vẫn còn rất một màu khi thiên về những câu chuyện tình buồn.

Về phía Kpop, lối làm MV não nề đã lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những MV kỹ xảo, kết hợp vũ đạo. Bên cạnh những MV quay ngoại cảnh nhiều màu sắc, đẹp long lanh như Party (SNSD), Remember (A Pink), We Like 2 Party (Big Bang)… các sản phẩm âm nhạc “đóng hộp” vẫn luôn là xu thế chủ đạo.

MV của EXO hầu hết được quay trong nhà.

Trong đó, SM Ent có tới 90% số MV được thực hiện trong… "hộp". Từ những nghệ sĩ lớn như SNSD, TVXQ, Super Junior đến loạt đàn em mới ra mắt như Red Velvet, EXO, các MV của họ tuy sử dụng hình ảnh đẹp nhưng hầu hết chỉ được quay trong nhà.

Vấn đề bản quyền


Mới đây, Thảo Trang gây xôn xao về tuyên bố “cần một bệ đỡ” để đi ra quốc tế. Những phát ngôn của Thảo Trang gây tranh cãi nhưng phản ánh phần nào thị trường âm nhạc tại Việt Nam hiện nay.

Từ lâu khán giả Việt vốn đã quen với việc nghe, tải nhạc miễn phí bởi vậy với việc đầu tư tiền triệu, thậm chí tiền tỷ cho các sản phẩm âm nhạc khiến ca sĩ nước ta gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hồi vốn hay thực hiện những dự án đầu tư tiếp theo.

Không chỉ Thảo Trang mà nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khác cũng thấy được vấn đề của Vpop hiện nay.

 “Vpop đầu tư không thua Hàn Quốc. Tuy nhiên, Kpop họ thu về tiền bán đĩa, bản quyền trên toàn Châu Á.

Còn Việt Nam không thu được tiền bán đĩa, bản quyền lại hạn hẹp chỉ trong nước, nên mức độ đầu tư thấp hơn là điều khó tránh khỏi”, nhà sản xuất Only C chia sẻ về sự khác nhau giữa thị trường Hàn Quốc và Việt Nam.

Danh ca sĩ bị ‘rẻ’ ở Vpop ‘đắt’ giá ở Kpop
Nhạc sĩ Only C

Trong khi đó, dù có tới 9 trang nghe nhạc nhưng bất cứ khi nào muốn nghe hay tải một ca khúc nào đó, khán giả Hàn đều phải bỏ tiền mua. Điều đó giúp nghệ sĩ được hưởng quyền lợi mà họ đáng được nhận.

Mỗi làng nhạc đều có những hướng phát triển, sáng tạo riêng và Vpop có thể học hỏi được nhiều thứ từ chính sự khác biệt đó.

Không khó để nhận thấy, nhiều ca sĩ Việt gần đây đã vận dụng một cách khéo léo màu sắc của Kpop, cụ thể trong cách ăn mặc, kiểu quay MV “một lèo” hay “khối hộp” cũng như biểu cảm khi lên sân khấu để đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình.

Dù gây nên những tranh cãi liên quan đến danh giới giữa học hỏi và sao chép nhưng không thể phủ nhận sự kết hợp giữa màu sắc Kpop và Vpop đang giúp âm nhạc nước ta trở nên đa dạng và mới mẻ hơn.

Theo Đất Việt

Tin tức mới nhất