Nữ bác sĩ đang mang bầu vẫn phải trực tiếp nạo phá thai và nỗi day dứt với nghề

"Em vẫn day dứt về nghiệp chướng, tới đây em sẽ mở phòng khám riêng để kiếm ít vốn. Rồi em cũng phải sinh con, em không muốn đứa con của mình sau này theo nghiệp mẹ”, tâm sự của một bác sĩ chuyên phá thai trong nỗi day dứt về nghề.

LTS: Nạo, phá thai là vấn nạn nhức nhối khiến xã hội đau đáu. Phía sau đó, còn nhiều câu chuyện mà ít ai biết. Số phận những hài nhi bị chối bỏ sẽ đi về đâu? Những người trong cuộc nói gì? Những hành động âm thầm của những người gom xác hài nhi liệu có đủ sưởi ấm cho những "linh hồn" lạnh lẽo?... Loạt bài "Phía sau những hài nhi bị chối bỏ" sẽ là những lát cắt phía sau những câu chuyện đau đớn lạnh người ấy.

Day dứt về "nghiệp chướng"

Trong quá trình thâm nhập và tìm hiểu về những “góc khuất” bên trong các phòng khám tư, chuyên về thai sản, phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể tiếp xúc với một nữ bác sỹ có tên N.L.H – người khá nổi tiếng trong giới phòng khám sản. Nhiều chị em từng đi thăm khám về thai sản ở khu vực dốc Phụ sản (quận Ba Đình) hoặc khu đường Giải Phóng, Hà Nội đã biết đến bác sĩ này.

Nữ bác sĩ đang mang bầu vẫn phải trực tiếp nạo phá thai và nỗi day dứt với nghề - Ảnh 1.
Nhiều phòng khám mọc lên như nấm

Sau nhiều ngày làm quen, nữ bác sĩ này cũng đồng ý trải lòng tất cả như muốn “trả nợ” đời.

Nữ bác sĩ trẻ cho biết, cô học Đại học y Hà Nội, khi ra trường cô xin làm việc ở một bệnh viện khá nổi tiếng. Theo lời H. công tác ở bệnh viện để có kinh nghiệm và lại có thương hiệu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan, cô tìm cách chung vốn và trở thành một trong những người quản lý một phòng khám sản. Từ đó, cô đảm trách công việc mà theo cô "chẳng ai muốn làm" này. Khi bước vào nghề cô hiểu rằng những hoài bão về nghề nghiệp đôi khi khác xa với thực tế. Hoài bão của một bác sĩ thì đẹp nhưng khi đối mặt với thực tế thì cũng lắm nỗi chua chát, đắng cay.

30 tuổi, đặc thù nghề nghiệp đã khiến H. thấu hiểu những đau đớn, mất mát của các bà mẹ bỗng dưng phải chối bỏ những đứa con tật nguyền, do sàng lọc giới tính hoặc do chưa sẵn sàng để sinh con... Nhưng cũng có lúc cô phải làm thủ thuật phá thai cho những ca thai nhi đã lớn vì cha mẹ chúng bỗng dưng không thích, không tìm được lối thoát nào khác hoặc giải quyết hậu quả từ sự quan hệ bừa bãi, lối sống thoáng, lệch lạc. Người cầu mong chút con cũng khó, kẻ mấy lần vứt bỏ vẫn có thai... Tất cả những bi kịch cuộc đời ấy, cô đều chứng kiến, khóc cười với nó.

“Mở phòng khám thì ai cũng có mục đích ban đầu như chúng em là làm tư vấn kế hoạch hóa gia đình. Khám hoặc siêu âm và làm những phần việc mà pháp luật cho phép”, H. cho hay.

Nữ bác sĩ đang mang bầu vẫn phải trực tiếp nạo phá thai và nỗi day dứt với nghề - Ảnh 2.
Nhiều đứa trẻ bị mẹ chối bỏ khi chúng chỉ còn ít ngày nữa là ra đời

Nói là như vậy, nhưng trước thực trạng trong xã hội đang tràn lan vấn nạn phá thai, lối sống phóng khoáng, sống nhanh và ngắn của một bộ phận giới trẻ đã khiến nhu cầu phá thai ngày càng tăng. Vì thế “cung - cầu” phát triển một cách chóng mặt, nhiều phòng khám mọc lên, khiến việc “phá thai” bị biến tướng theo cơ chế thị trường. Nhiều bác sĩ như H. đành phải làm công việc mà cô cho rằng "nghiệp chướng cũng phải làm" là "giải quyết" những cái thai bị cha mẹ chối bỏ.

“Thời buổi thị trường cạnh tranh, đua nhau giành giật từng khách hàng nên cứ liên quan đến sản khoa là tìm mọi cách để thu được tiền… Tuy nhiên, em chỉ dám trực tiếp làm những ca nhỏ thôi, chỉ ở dạng nạo hút khi thai mới vài tháng", H. kể.

Thấy chúng tôi tỏ ra rùng rợn khi nghe H. nói đến những ca phá thai khi thai đã lớn, H. trấn an và cho biết, hầu hết những người dám làm thủ thuật những ca thai lớn tuổi đều là người dày dặn kinh nghiệm và tuổi đời cũng đã lớn. “Em có cảm giác như là một kiếp người hay số phận của người làm nghề này khiến họ không thể bỏ nghề. Các anh chị theo nghiệp thì mới thấu hiểu, nói thì khó tin nhưng hoàn toàn là sự thật. Những ca mang thai to thì các bác sĩ trẻ tuổi không dám làm, mà phải nhờ những người đã có tuổi nghề và dày dặn kinh nghiệm. Làm nghề này, lúc nào cũng thấy rùng mình, ớn lạnh, nhưng rồi công việc cứ đến, mỗi ca là một cảnh đời, một biến cố khác nhau...", H. kể.

Tâm sự đau đớn đến ám ảnh: Phải phá thai khi mang bầu

Chia sẻ về những trường hợp đến phòng khám nạo phá thai, bác sĩ H. cho biết, đến với phòng khám thì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", đối tượng đến "nhờ" các bác sĩ "can thiệp" có 2 tầng lớp rõ rệt: Lứa tuổi teen (học trò) và tầm trung tuổi.

Câu chuyện đau lòng của một bà mẹ đưa con gái đang học lớp 12 đến phòng khám đến nay vẫn khiến bác sĩ H. nhớ mãi. Dù nữ sinh ấy sức khỏe rất yếu nhưng vẫn phải đến phòng khám để phá cái thai 12 tuần tuổi.

“Người mẹ đến liên hệ trước với tư vấn, bà ấy đề nghị tuyệt đối không được tiết lộ thông tin. Đây là trường hợp bé gái đang học lớp 12 có bầu với chính người tình của mẹ. Hai mẹ con vào bệnh viện yêu cầu không khai báo tên tuổi thật vì sợ bị lộ nên hai mẹ con đưa nhau ra phòng khám, chấp nhận ký vào cam kết nếu có sự bất trắc xảy ra… Xót xa vô cùng”, H. chia sẻ.

Nữ bác sĩ đang mang bầu vẫn phải trực tiếp nạo phá thai và nỗi day dứt với nghề - Ảnh 3.
Nhiều câu chuyện đau lòng từ những phòng khám thai.
 Có những thai nhi buộc phải lìa trần vì bị mẹ cha chối bỏ.

Đau lòng hơn, đó là câu chuyện của người phụ nữ 30 tuổi lén lút đi phá thai, rồi nhân viên phòng khám phải chứng kiến cảnh khóc lóc của người chồng khi đến đón vợ về.

“Hai vợ chồng người Ninh Bình đã có hai mặt con nhưng đều là gái, bà mẹ chồng suốt ngày đay nghiến. Theo lời tâm sự của bệnh nhân thì bà mẹ chồng đe dọa sẽ từ mặt con dâu và xui con trai đi lấy vợ khác, hôm đến phá thai cô này đi một mình.

Ngay sau khi rời giường, người vợ khóc thảm thiết vì trót ngẩng đầu nhìn thấy bộ phận em bé bị chia cắt. Đau đớn không chịu nổi, chị ấy gọi điện thông báo cho chồng về việc đi phá thai. Chồng chị đến phòng khám khóc vật vã vì mất đứa con, sau đó làm ầm ĩ và đổ lỗi cho nhân viên…”, H. chua xót kể.

Đó chỉ là trong số ít những câu chuyện đau lòng mà hàng ngày bác sĩ H. phải chứng kiến.

Chia tay chúng tôi khi thời gian đến lúc phòng khám bắt đầu tấp nập khách đến, nữ bác sĩ trẻ tuổi tỏ ra còn nhiều điều trắc ẩn.

Cô nói: “Điều đau đớn là khi mang thai, em vẫn phải thực hiện việc nạo phá thai cho bệnh nhân. Có người hỏi, em có ám ảnh không? Em trả lời ám ảnh chứ. Nhìn những đứa bé đủ hình hài, bị chối bỏ cơ hội được làm người, sau ca phẫu thuật bị biến thành những cái xác không nguyên vẹn mà đau đớn. Đến tận bây giờ khi làm nghề nhiều năm, đã tự tay phá bỏ cả trăm hài nhi, nhiều đêm em vẫn nằm mơ thấy tiếng khóc đau đớn của con trẻ.

Vẫn biết nghiệp này có chướng, tới đây em sẽ mở phòng khám riêng để kiếm ít vốn. Rồi em cũng phải sinh con, em không muốn đứa con của mình sau này theo nghiệp mẹ”.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất