Paris và Madonna

Kim là phụ nữ Hàn Quốc khá hiếm ở thời đại này, Hassan hay nói những lời có cánh. Một ngày "Đầu giờ cô giáo hỏi sao không thấy G. đi học. Hassan bảo: Có khi chết ở Paris rồi..."



Ấy là ngày đầu tiên chúng tôi - những người nhập cư trở lại lớp học tiếng địa phương tại Bỉ sau sự kiện 13/11 - cuối tuần đẫm máu ở Paris.

Hassan trẻ tuổi, bồng bột tếu táo chứ chẳng ác ý gì. Kim bộc trực nhìn vấn đề luôn ngay thẳng. Chỉ 3 người trong lớp nói rằng từ khi sang đây chẳng được dân Bỉ giúp đỡ gì. Một người Rumani và một Iraq giải thích vì tôi không cần giúp, riêng Kim liệt kê “ở bến xe buýt tôi chỉ muộn vài giây và tay chạm gần cửa tài xế vẫn chạy thẳng, trong chung cư tôi vẫy gọi hàng xóm họ cũng giả điếc”.

Chưa hả, Kim trút tiếp vào tai tôi “Năm ngoái tôi theo chồng sang đây và đến ngay trung tâm đăng ký học tiếng. Họ liệt kê hàng đống thủ tục, phải học bằng này bằng kia nếu muốn nhập quốc tịch. Ơ hay, đời nào tôi bỏ quốc tịch Hàn để nhận quốc tịch Bỉ. Xin lỗi, tôi sang đây bằng máy bay chứ không phải bằng thuyền”.

Quang cảnh đêm diễn Rebel Heart của Madonna tại Bỉ. Ảnh: Minh Thu

Tuần qua sống trong những ngày toàn quốc báo động, nghe nhắc cực đoan - Molenbeek cũng nhiều như thế giới lặp đi lặp lại thảm sát - Paris.

Những tổ chức Hồi giáo ở Bỉ nhanh chóng ra tuyên bố chung Lên án chủ nghĩa bạo lực cực đoan - gương mặt vô nhân tính gây ra vụ thảm sát ở Paris. Chủ nghĩa bạo lực cực đoan là kẻ thù châu Âu đang phải đối phó. Nghe tôi kể lớp học chủ yếu người gốc Ả rập nhập cư, chị bạn ở Pháp nhắc ngay "cẩn thận kẻo kết bạn với IS mà không biết". Đấy cũng là kiểu suy nghĩ cực đoan, không cứ phải theo đạo nào.

Trong khi đó, bé Anne học lớp hai hệ Tiểu học ở Đức kể với mẹ “Cô giáo bảo có những kẻ đầu óc không bình thường vừa giết nhiều người vô tội ở Paris. Cô cũng chỉ cách cho chúng con nhanh chóng đẩy bàn ghế chặn cửa, núp góc lớp nếu chúng bất ngờ xông vào trường...”. Bé Sophia 8 tuổi con một người bạn Việt của tôi ở Bỉ được cô giáo dạy “Nếu kẻ xấu tấn công lớp học, các con phải chui xuống gầm bàn và đừng nhìn vào mắt chúng...”. Không ai nhắc cụm từ “Hồi giáo cực đoan” với bọn trẻ.

Chợ Abattoir ở quận Anderlecht của Brussels là nơi khá nhiều Việt kiều ưa thích mua sắm vào cuối tuần, vì bày bán ngoài trời phong phú thịt rau giá rẻ. Tôi chưa có dịp khảo giá chợ này còn Kim vừa kịp đến đó, kết luận “Nhà đông con nên đi, vác cả lô cả mớ về ăn mới rẻ. Neo người như vợ chồng nhà tôi dạo chợ cho vui chứ mua vài lạng thịt mấy quả cà chua thật không bõ công đi”.

Vừa rồi Abattoir cũng tạm đóng cửa vì sợ khủng bố, chỉ lác đác vài gian trong nhà bày hàng. Kim bảo nhìn mặt người Thổ, người Morocco bao năm buôn bán, gắn bó với Abattoir giờ bần thần trước cảnh khách thưa vắng mà thương. Không thảm sát bằng máu nhưng ở một khía cạnh khác, chủ nghĩa bạo lực cực đoan đồng thời cũng chặn nguồn kiếm cơm của chính người Ảrập trên đất khách.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói trong lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát ở Paris “Bọn khủng bố có chết chóc, chúng ta có tình yêu”. Vì có tình yêu, tour diễn Rebel Heart của Madonna vẫn tổ chức ở thành phố Antwerp của Bỉ tối 28/11. Tôi rủ chồng đi, có loại vé chỉ 55 euro. Anh xua tay “Madonna là thứ quá khích, quá extreme. Không đi”. Cô bạn Việt khác của tôi được tặng vé VIP trị giá 181 euro, chi ngay 50 euro cho người trông trẻ để vợ chồng cùng đi. Tội gì không đi. Ngồi hàng đầu cô quay cận ống kính vào Madonna, nắc nỏm “Chết thật. Mình 35 tuổi ngồi xem từ 9h30- 12h30 có lúc ngáp vì mệt trong khi Madonna 57 tuổi đùi vế săn chắc đâu vào đấy, nhảy khỏe và gợi tình hơn cả Hồ Ngọc Hà”. Ngồi nhà xem thời sự điểm tin Rebel Heart, tiếc nuối trong tôi cũng dịu đi khi nghe Madonna nói “Lúc này nhiều người bảo tôi đừng đến Bỉ, vì không an toàn. Tại sao tôi phải nghe lời người khác. Tôi làm điều tôi thích”.

Theo Kiều Bích Hương/Báo Tiền Phong


Tin tức mới nhất