Rùng mình cảnh 300 con giun đũa khiến bệnh nhân nguy kịch

Giun đũa là loại ký sinh trùng thường gặp nhất là ở trẻ em. Giun đũa không chỉ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng của con người mà còn gây nên những biến chứng khá nghiêm trọng.

1. Thực trạng nhiễm giun đũa ở người tại Việt Nam

Giun đũa sống ở khắp nơi. 1/4 số người trên trái đất bị loài giun này ký sinh trong cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ người mang giun đũa có khác nhau tùy thuộc vào yếu tố vùng.

Ở vùng ôn đới, tỷ lệ người nhiễm giun đũa ít hơn và mức độ nhẹ hơn. Bệnh đặc biệt hoành hành ở các địa phương thuộc vùng nhiệt đới.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị nhiễm giun đũa khá cao, có nơi lên đến 100% nhất là những nơi còn có tập quán dùng phân người để trồng trọt.

Theo con số ước tính của bộ y tế, trung bình tỷ lệ nhiễm giun đũa ở miền Nam là 20 - 40%, ở đồng bằng sông Hồng con số cao hơn chiếm đến 60 - 80% dân số.

Tỷ lệ nhiễm giun của trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 44%. Tại một số địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La... con số này là hơn 70%.

Trường hợp nhiễm giun đũa "kỷ lục" thuộc về một bệnh nhi 3 tuổi tên là Trần Văn Đạt ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Cháu Đạt nhập viện vào tháng 10 năm 2011 tại bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa, thể trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Chuẩn đoán ban đầu là bệnh nhi này bị tắc ruột chưa rõ nguyên nhân.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định cháu Đạt bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun. Các bác sĩ đã phải mổ phanh ruột bệnh nhi này, gắp tổng cộng hơn 300 con dài 0,3-1cm, tổng trọng lượng hơn 0,5kg.

Trường hợp của cháu Trần Văn Đạt tuy là hy hữu nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi...

2. Những điều bạn cần biết về giun đũa

Giun đũa là gì?

Giun đũa có tên khoa học là Ascarris Lumbricoides là loài ký sinh trùng to sống trong ruột non rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em.

Giun đũa trưởng thành sống chủ yếu ở đoạn cuối của ruột non. Con cái đẻ mỗi ngày trung bình 200.000 trứng. Trứng giun mới đẻ không có phôi, hình bầu dục, có vỏ dày sần sùi, kích thước khoảng 60 x 40 micromet.

Giun đũa gây bệnh cho người bằng cách nào?

Bệnh giun đũa ký sinh ở người chủ yếu là do trứng có phôi gây nhiễm theo con đường tiêu hóa, qua thức ăn, nước uống, rau quả hoặc do tay bẩn chứa trứng giun rồi đưa vào miệng.

Ở thức ăn, loại giun này lây lan chủ yếu qua rau cải hoặc hoa quả có chứa trứng giun.

Khi ấu trùng giun lọt vào đường tiêu hóa của người, nhờ tác dụng co bóp của dạ dày, ruột và dịch vị, dịch ruột, dịch tiêu hóa làm vỡ trứng và phóng thích phôi khiến phôi có thể biến thành ấu trùng.

Ấu trùng đi ngang qua thành ruột non, theo con đường máu đến gan, theo tĩnh mạch trên gan tìm đến phổi. Từ phổi, chúng đi lên cuống phổi sang hầu, sau đó được nuốt trở lại ống tiêu hóa, định vị ở ruột non rồi trưởng thành ở đó.

Thời gian một chu kỳ từ trứng giun trở thành giun trưởng thành mất khoảng 2 tháng. Bản thân một con giun có thể sống trong cơ thể người đến 1 năm.

Chu trình phát triển của giun đũa (Ảnh: Internet)
Chu trình phát triển của giun đũa (Ảnh: Internet)

Bị giun đũa ký sinh nguy hiểm thế nào?

Giun đũa khi ký sinh trong cơ thể người có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau:

- Giun có thể chui vào ống mật gây tắc ống dẫn mật, viêm túi mật, vàng da do ứ mật, áp xe gan, tắc ruột.

- Giun đũa chui vào ống tụy làm nghẽn ống tụy, gây ra biến chứng viêm tụy cấp hoặc bán cấp.

- Giun đũa cũng có thể chui vào ruột thừa gây ra bệnh viêm ruột thừa.

- Ngoài ra, chúng có thể làm thủng ruột gây ra hiện tượng viêm màng bụng khi trú hoặc lan tỏa.

Nhận biết người bị nhiễm giun đũa như thế nào?

Người bị giun đũa ký sinh có thể có vài triệu chứng sau đây:

- Triệu chứng ở đường tiêu hóa: Người bệnh có thể có những cơn đau bụng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa.

- Triệu chứng ở đường hô hấp: Những triệu chứng ở đường hô hấp xuất hiện khi giun lưu hành vào phổi gây ra những cơn ho, thâm nhiễm phổi (hội chứng Loeffle), tăng bạch cầu đa nhân ưa acid.

- Triệu chứng ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy ngứa mũi, lên cơn co giật, ngủ không yên, hay hốt hoảng, nghiến răng, ứa nước miếng, thích nằm sấp.

- Triệu chứng toàn thân: Do giun đũa chiếm đoạt thức ăn trong ruột người bệnh nên có thể làm suy yếu sức khỏe của người bệnh, gây ra chứng thiếu dinh dưỡng.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp nhiễm giun đũa mà không có triệu chứng rõ rệt, cần phải thử phân thì mới phát hiện có trứng giun. Có cả trường hợp đặc biệt nhiễm toàn giun đực nên thử phân không phát hiện ra trứng giun, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm.

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất