Sự thật rùng mình về những đặc sản "sang chảnh"
Củ ráy biến thành sâm Ngọc Linh, gân heo biến thành... hải sâm,... là những cách "hô biến" sản phẩm không giá trị thành thực phẩm sang chảnh để thu lợi bất chính của dân buôn...
Củ ráy "đội lốt" sâm Ngọc Linh
Ai cũng biết theo thời giá trị trường, nếu là sâm trồng, 1kg sâm Ngọc Linh thấp nhất cũng phải 30 triệu đồng. Trong trường hợp là sâm rừng, thì mức giá ấy còn cao nữa, đến 100 triệu đồng.
Chính mức giá khủng khiếp này của sâm Ngọc Linh đã khiến nhiều kẻ tham tiền đã “hô biến” củ ráy thành củ sâm, lừa người tiêu dùng.
Trong quá trình ăn dầm nằm dề trên đỉnh đèo Măng-rơi, huyện Tu-mơ-rông, cửa ngõ dẫn vào vùng núi Ngọc Linh, nhiều thủ thuật biến loại củ gáy (củ ráy) có độc thành sâm Ngọc Linh của đám tay buôn được họ tiết lộ.
Với công nghệ này, chỉ với vốn đầu tư vài trăm ngàn đồng, khi câu được "cá", tay buôn sẽ thu về từ 30-40 triệu đồng. Trong trường hợp câu được "cá mập", có kẻ ẵm đến cả trăm triệu đồng. Tin được không?!
Sâm Ngọc Linh kỳ thực khác với nhìn nhận và suy nghĩ của nhiều người, cũng khác với miệng lưỡi của đám buôn rằng "chỉ duy nhất trên độ cao 1.800m của đỉnh Ngọc Linh mới có".
Kỳ thực loại sâm quý này hiện diện ở nhiều tỉnh Tây Nguyên (Quảng Nam, Gia Lai và Lâm Đồng), và ở độ cao thấp hơn các đầu nậu tung hô. Thông tin sâm Ngọc Linh chỉ hiện diện trên cao độ 1.800m trở lên là không chính xác.
Vì loại sâm quý này từng được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện ở nơi thấp hơn, 1.500m so với mặt nước biển.
Tên gọi "sâm Ngọc Linh" là cách gọi dân gian mà nhiều người quen dùng gắn với địa danh mà loài sâm quý này được tìm thấy. Thực chất, trong y văn, các y sư, y gia ghi sâm Ngọc Linh là "sâm Việt Nam".
Cây này thuộc họ nhân sâm, là cây thảo sống lâu năm, có chiều cao từ 40cm đến 1m, thân rễ dạng củ, chia thành nhiều mắt (nên còn được gọi sâm trúc) có thể dài đến 1m: "Sâm Ngọc Linh sinh trưởng không theo quy luật tự nhiên nào.
Ngày trước các nhà nghiên cứu gặp loại thảo dược quý này trên độ cao 1.000m, ở rải rác và cũng có thể gặp chúng ở dạng đám dưới những tán rừng ẩm thấp, dọc theo các triền suối".
Y học cổ truyền Việt Nam ghi nhận tính vị và tác dụng của sâm Ngọc Linh là có vị đắng, không độc, thân rễ được dùng như nhân sâm làm thuốc bổ tăng lực, chống suy nhược và hồi phục sức khỏe, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng.
Ở liều thấp, sâm Ngọc Linh giúp tăng vận động, tăng trí nhớ. Ở liều cao loại sâm quý này giúp tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống.
Một số tài liệu y văn còn cho biết sâm Ngọc Linh có tác dụng bảo vệ tế bào, giúp hồi bền số hồng cầu, bạch cầu giảm, có tác dụng tăng nội tiết số sinh dục, kháng viêm, điều hòa hoạt động của tim, hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, kháng khuẩn…
Sâm Ngọc Linh có giá trị dược liệu cao, quý hiếm nên có giá hàng chục triệu đồng/kg cũng là chuyện bình thường.
Nhưng chính giá ấy đã khiến nhiều con buôn tung các độc chiêu bẫy mồi, biến củ ráy thành sâm Ngọc Linh để hốt bạc. "Cây gáy là loại cây độc phân bố khắp núi rừng Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên, ở nơi ẩm thấp.
Về nhân dạng, cây này giống cây môn, có lá hình trái tim thuôn dài, thân mềm, cao 0,3-1,5m, rễ phát triển thành củ dài có nhiều đốt ngắn…”.
Từ điển “Những cây thuốc Việt Nam” mô tả trong củ gáy có tinh bột và chất gây ngứa, được nhân dân ở một số địa phương dùng làm thuốc chữa mụn nhọn, ghẻ, sưng bàn tay, chân.
Một số tài liệu cổ xem củ gáy là vị thuốc có độc tính, ăn vào sẽ gây ngứa trong miệng và cổ họng…
Cây gáy có độc, độc đến độ khi cần đào làm thuốc, người ta phải đeo găng tay vì sợ mủ từ loại cây thuốc có độc tính này dính vào người sẽ gây phồng rộp, ngứa ngáy. Vậy nhưng dân buôn dược liệu không ngại biến cây này thành sâm Ngọc Linh.
Bà Tâm Ửng, chủ một cơ sở chuyên bán sâm dây ở thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum khẳng định bà là người ở gần xứ sâm quý, từ Kon Tum muốn đi vào vùng sâm Ngọc Linh phải đi qua nhà bà, nhưng không thể nhận dạng đâu là sâm Ngọc Linh thật, đâu là sâm Ngọc Linh rởm nếu không còn cành lá và hoa.
Và vì không giỏi nhận dạng nên bà Tâm Ửng không kinh doanh sâm Ngọc Linh mà nói theo bà, làm gì có mà bán buôn: "Buôn trúng sâm dỏm, mình mất uy tín đã đành mà còn hại người ta.
Người ta đang đau bệnh, cần sâm quý để chữa bệnh, tốn kém dăm bảy chục triệu mua về cái thứ có độc rồi uống vào, tội nghiệp biết mấy!".
Một số chủ cơ sở bán các sản vật từ núi rừng Kon Tum như mật ong, sơn tra, hà thủ ô… ở Đắk Tô mà tôi tiếp cận đều có chung tâm tình như bà Tâm Ửng…
Có người còn thẳng thắn nói rằng tuy sâm Ngọc Linh hiếm vô cùng nhưng nếu họ mạnh dạn bước qua cái ranh giới "đạo đức", thì khách muốn bao nhiêu tấn sâm Ngọc Linh họ cũng dư sức đáp ứng: "Tấn chứ không phải tạ đâu nhé em…
Nói như vậy để lưu ý cho em biết là sâm Ngọc Linh dỏm nhiều vô kể".
Chị Mai, 46 tuổi, ở trung tâm huyện Tu-mơ-rông, người rành rẽ ngọn nguồn về sâm Ngọc Linh đã nói vậy.
Rồi chị Mai cho biết tuy là củ độc, uống vào gây sưng miệng, ngứa ngáy, gây suy gan, phù thận nhưng qua tài nghệ chế biến của các “chuyên gia”, khách dùng củ sâm độc mà cứ tin sái cổ đó là sâm Ngọc Linh thứ thiệt, vì dùng vào thấy hưng phấn, thấy ăn được ngủ được, tăng cân nhanh chóng nên rất… thần tượng?
Sự thật kinh hoàng trong bát súp cua tẩm bổ
An ninh thế giới đưa tin, thông thường, khi đặt tiệc sinh nhật, thôi nôi, đám cưới hoặc liên hoan, khá nhiều người vẫn chọn món khai vị là súp cua hoặc súp măng tây cua.
Tùy theo từng nhà hàng, quán ăn, chén súp cua ấy có giá từ 25.000 đến 100.000 đồng. Trên những vỉa hè ở một số con đường tại TP HCM, cũng có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đẩy chuyên bán món súp cua cho khách mang về.
Nhìn vào chén súp này, là một hỗn hợp gồm bột năng được nấu sền sệt cộng với những mẩu thịt "cua" nhỏ tí, nát vụn, lợn cợn mấy nhúm lòng đỏ trứng và vài cọng rau ngò, giá mỗi chén chỉ 10.000 đồng - trong lúc cua biển loại rẻ nhất cũng 100.000 đồng/kg mà 1kg cua khi hấp lên, tối đa cũng chỉ lấy được khoảng 350 gam thịt.
Vậy thì cua ở đâu ra mà rẻ thế? Theo tiết lộ của chị chủ quán, PV tìm đến kho N. bởi nó có tấm bảng nhỏ treo ở phía trước.
Bước vào, PV thấy trên nền xi măng ướt sũng nước là hàng chục người ngồi trên những chiếc ghế gỗ thấp lè tè, hầu hết là phụ nữ và những đứa trẻ chỉ khoảng 13, 14 tuổi.
Trước mặt họ là những đống ngoe và những mẩu càng của cả cua lẫn ghẹ đã được hấp chín.
Mỗi người một con dao lưỡi nhỏ tựa như dao mổ y khoa, họ cần mẫn tách từng mẩu thịt bé tí trong những chiếc ngoe, mẩu càng ấy ra rồi bỏ vào chiếc rổ đặt ngay bên cạnh.
Cứ mỗi lần có một mẩu thịt bỏ vào rổ là cả đàn ruồi lại bay lên. Chưa bao giờ PV thấy ruồi nhiều như thế.
Nó bu đen kín ở những đống vỏ ngoe, trong những chiếc rổ đựng thành phẩm khiến nhiều rổ chỉ lúc nhúc một màu đen, nó bám cả lên quần áo, đầu tóc của những người ngồi đó.
Thỉnh thoảng có người đứng lên đi ra phía sau là đám ruồi lại rùng rùng chuyển động nhưng chỉ trong giây lát, mọi sự đâu lại vào đấy.
Hỏi thăm, tôi biết họ chỉ làm thuê cho chủ và số thịt ghẹ sau khi tách ra sẽ được đông lạnh rồi chuyển vào TP HCM, còn ở TP HCM người ta làm thành món ăn gì thì họ không biết!
Mặc dù trực tiếp chế biến thực phẩm nhưng nhìn qua ngó tại, tôi chẳng hề thấy ai mang găng tay.
Một thằng bé chừng 14 tuổi, da đen nhẻm, ở trần, thay vì dùng dao tách ngoe ghẹ ra như những người khác thì nó ngậm nguyên cái ngoe vào miệng rồi cắn sát vào đốt ngoe.
Tiếp theo, nó kéo mạnh, vỏ ngoe tụt ra còn mẩu thịt nằm lại trong miệng nó. Bưng chiếc rổ lên, nó nhổ mẩu thịt vào rổ rồi lại tiếp tục với một cái ngoe khác.
Theo lời chị bán quán, trong quá trình kéo lưới "giã cào", một số cua, ghẹ bị rụng ngoe, gãy càng. Những người chế biến thu mua số rơi rụng ấy - kể cả những con cua, con ghẹ chết với giá chỉ khoảng 25.000 hoặc 30.000 đồng/kg tùy theo ngoe to hay nhỏ.
Sau đó, họ đem về hấp chín rồi thuê người tách ngoe ra để lấy thịt rồi cho vào tủ cấp đông.
Khi đã được 2 hay 3kg, họ đóng gói, chuyển vào TP HCM để đại lý bán cho một số tiệm ăn.
Thế nên có những chén súp măng tây cua ngọt lịm do bỏ nhiều bột ngọt mà khách vẫn thường ăn thì chưa chắc đã là cua thật, mà phải gọi là "súp măng tây ngoe ghẹ" mới chính xác!
Gân heo thành… hải sâm
Cũng vẫn ở những tiệc cưới, tiệc sinh nhật, thôi nôi, tiệc liên hoan, nhiều người thường đặt quán ăn, nhà hàng làm món hải sâm xào cải bẹ xanh.
Theo Đông y, hải sâm (hay còn gọi là đồn đột, sâm biển, đỉa biển), vị mặn, tính ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa, giảm ho, tiêu độc, cầm máu...
Về mặt dinh dưỡng, hải sâm là loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm (khoảng 55%), ít chất béo. Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều chất khoáng vi lượng hơn các loài thủy, hải sản khác như kẽm, sắt, đồng, i-ốt, crôm...
Theo các tài liệu của ngành thủy hải sản, biển Việt Nam có hơn 50 loài hải sâm sinh sống, trải dài từ Khánh Hòa đến Côn Đảo, trong đó có khoảng 40 loài ăn được như hải sâm vú, hải sâm mít, hải sâm lựu, hải sâm trắng, hải sâm đen, hải sâm gai....
Hiện tại, giá 1kg hải sâm sống dao động từ 1 triệu đến 1.200.000 đồng/kg tùy loại, còn hải sâm khô từ 1.500.000 đến 1.800.000 đồng/kg.
Chính vì đắt, cộng với nhu cầu ngày càng cao trên thị trường nên đã xuất hiện hải sâm giả.
Ông Ngọc, một người chuyên bỏ mối mặt hàng thủy hải sản tươi sống cho một số quán nhậu, tiệm ăn ở quận 11, TP HCM cho tôi biết loại hải sâm giả này thường là hàng khô, được đưa về từ Trung Quốc, giá chỉ từ 400.000 đến 500.000 đồng/kg.
Ông nói: "Nếu chỉ nhìn và sờ nắn thì rất khó phân biệt bởi lẽ hình thù, màu sắc, độ cứng của nó giống y như thật.
Khi nấu hoặc xào, nó cũng mềm, cũng lầy nhầy nhưng nếu là hải sâm thật thì mặc dù lầy nhầy nhưng miếng hải sâm vẫn giữ nguyên hình dạng. Còn hải sâm giả thì có thể biến dạng…".
Vẫn theo ông Ngọc, xác xuất loại hải sâm giả được làm từ gân heo là rất cao. Đưa tôi xem một tấm hình từ máy điện thoại của ông, trong đó là 2 con hải sâm giống y hệt nhau, ông nói:
"Họ lấy gân heo đã khử mùi, hầm nhừ, trộn thêm một số hóa chất để vừa chống mốc, vừa bảo quản được dài ngày cùng hương liệu để cho ra mùi hải sâm rồi đổ vào khuôn ép tạo hình, sau đó tạo màu xám đen trên lớp da và sấy khô.
Hồi tháng 4 vừa rồi, có người chào tôi loại hải sâm ấy. Thoạt đầu, họ đòi 1.250.000 đồng/kg. Thấy giá hợp lý, tôi đã định mua nhưng khi quan sát kỹ, tôi nhận thấy trong số những con hải sâm, có 2 con giống nhau như đúc, từ kích thước, màu sắc đến những nếp nhăn trên thân.
Hóa ra hai con ấy đều được ép cùng một cái khuôn nên tôi làm bộ trả giá xuống còn 350.000 đồng. Dùng dằng một hồi, thế mà họ vẫn đồng ý bán".
Thực tế cho thấy, thực phẩm giả ngày càng xuất hiện nhiều trong một số quán ăn, quán nhậu bình dân, chủ yếu phục vụ cho những thực khách túi tiền vừa phải.
Súp "măng tây ngoe ghẹ" chẳng hạn, nó hoàn toàn có đủ chất dinh dưỡng nếu được chế biến hợp vệ sinh.
Hoặc như gân heo giả hải sâm, măng giả khô bò, gạch cua trứng vịt muối, cua "đẹt", xét cho cùng thì nó cũng vẫn là thực phẩm nhưng điều nguy hiểm nằm ở chỗ để làm ra hàng giả, người ta đã không ngần ngại sử dụng những chất phụ gia nguy hiểm cho sức khỏe của người ăn.
Theo Đời sống pháp luật
-
30 phút trướcMới đây, một nữ du khách Trung Quốc đã bị hất văng ra khỏi tàu sau khi đu hẳn người ra bên ngoài để tạo dáng chụp ảnh.
-
1 giờ trướcQuảng Nam đón hơn 8 triệu lượt khách trong năm 2024, vượt qua kỷ lục 7,8 triệu lượt của năm 2019. Tổng doanh thu du lịch mang lại cho địa phương này khoảng 30.820 tỷ đồng.
-
2 giờ trướcBữa tiệc ấm áp trong đêm Giáng sinh với các món ăn truyền thống, đặc trưng là dịp để bạn cùng gia đình quây quần bên nhau.
-
4 giờ trướcBánh "ngon, bổ, rẻ" nhưng bạn cần lưu ý những vấn đề dưới đây khi sử dụng thực phẩm này để tránh "rước họa vào thân"
-
14 giờ trướcXuất hiện trên bài đăng của một chàng trai người Mỹ 18 tuổi, búp bê Giáng sinh Cookie nhanh chóng gây sốt mạng nhờ vào thiết kế kỳ lạ, thậm chí có phần "xấu xí".
-
1 ngày trướcNam bệnh nhân thường lựa chọn món lẩu trong các bữa ăn tiếp khách. Gần đây, ông sụt cân, mệt mỏi, đi khám phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn 2.
-
2 ngày trướcUng thư là bệnh lý ác tính nhưng cơ hội điều trị khỏi, kéo dài thời gian sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có giai đoạn bệnh.
-
2 ngày trướcBuồng vệ sinh trên máy bay chở khách của hãng hàng không American Airlines bất ngờ gặp sự cố khiến nước tràn ra khắp khoang hành khách.
-
2 ngày trướcMới đây, trang cẩm nang du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet của Mỹ đã công bố danh sách những điểm du lịch tốt nhất châu Á, trong đó có Hội An của Việt Nam.
-
2 ngày trướcBắt được con cá chép khổng lồ nặng gần 30kg, người đàn ông đã treo sau xe ô tô và lái xe đi khoe khắp phố.
-
2 ngày trướcSau 3 ngày xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó thở, chủ quán thịt chó ở Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định mắc bệnh dại và tử vong ngay sau đó.
-
2 ngày trướcDu khách đến Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La) ngoài hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, còn được trải nghiệm ẩm thực người Mông, đốt lửa trại, tắm lá thuốc, thưởng thức văn nghệ cộng đồng…
-
2 ngày trướcHoa mận trắng tinh khôi biểu tượng của núi rừng Tây Bắc đang ồ ạt xuống phố Hà Nội.
-
2 ngày trướcBổ sung các loại hạt giàu Omega-3 vào chế độ ăn hàng ngày là cách hiệu quả và tự nhiên rất tốt cho sức khoẻ, dưới đây là 4 loại hạt giàu Omega-3.
-
2 ngày trướcMỗi lần lên giảng đường, Xu phải đi máy bay vượt 9.000km từ nhà mình ở Trung Quốc đến trường đại học ở Australia; anh chịu khó đi lại vì muốn ở gần bạn gái.
-
3 ngày trướcMột ổ gồm 6 quả trứng khủng long hóa thạch bất ngờ được 2 du khách phát hiện khi đang tham quan một công viên ở thành phố Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông.
-
3 ngày trướcChuỗi quán rượu kiểu izakaya nổi tiếng tuyên bố chấm dứt việc cung cấp dịch vụ "tát tỉnh rượu" sau khi có khách hàng khiếu nại.
-
3 ngày trướcThay vì mua hàng bán sẵn, bạn hoàn toàn có thể tự làm thịt bò khô bằng nồi cơm điện để vừa đảm bảo chất lượng thịt và độ an toàn, vừa tiết kiệm chi phí.
-
3 ngày trướcVới một chút gừng the và ấm, mật ong ngọt và chanh, bạn đã có ngay một tách trà gừng vừa giúp làm ấm cơ thể, giải rượu, giảm nhức đầu, giúp tinh thần tỉnh táo hơn rất nhiều.
-
3 ngày trướcMột hành khách gây xôn xao mạng xã hội khi mang theo chú chó Great Dane của mình lên một chuyến bay gần đây.
Tin tức mới nhất
-
30 phút trước
-
45 phút trước
-
57 phút trước
-
1 giờ trước