Sục ozone có tẩy độc được thực phẩm không?

Phần trả lời của bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM trong khuôn khổ cuộc giao lưu trực tuyến "Người Việt ăn gì để khỏi chết?"

Hỏi: Bệnh nhân ung thư thời gian gần đây thường ăn chay để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, điều đó có đúng không? (Công Tráng - Ninh Bình)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân ung thư là vẫn ăn đủ các chất và cân bằng nhưng hạn chế lượng đạm động vật. Hạn chế là ăn ít chứ không phải không ăn.

Khi ăn đạm động vật nhiều và chế biến thịt ở nhiệt độ cao thì sẽ tạo ra những tiền chất gây ung thư.

Hỏi: Thưa bà, có phải ăn quá nóng, quá lạnh cũng dễ mắc ung thư? (Nguyễn Ngọc Vũ - Q. Tân Bình, TPHCM)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thức ăn quá nóng có thể ảnh hưởng tới niêm mạc của vùng miệng, thực quản trong quá trình nhai và nuốt sẽ làm biến đổi một số tế bào như cơ chế bị phỏng dẫn tới nguy cơ gây ra ung thư vùng miệng, hầu và thực quản.

Thức ăn lạnh thì không có nguy cơ gây ra ung thư nhưng không tốt ở những người bị viêm họng mãn tính.

Hỏi: Sục ozon có tác dụng giải độc thực phẩm không? (Thanh Giang - Hà Tây)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Sục ozon không giải độc được hoàn toàn nhưng giảm được lượng thuốc trừ sâu và chất bảo quản.

Đối với rau, quả và trái cây, để hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản khi chế biến cần lưu ý:

Thứ nhất, rửa sạch dưới vòi nước ba lần. Thứ hai, đối với rau củ có vỏ dày có thể dùng bàn chải để chà dưới vòi nước.

Đối với những rau củ phải ăn cả vỏ như dâu tây, sơri có thể ngâm trong nước muối loãng hoặc dấm loãng hoặc nước ấm 40 độ C trong 15 phút.

Hỏi: Theo bà, việc thanh lọc cơ thể thường xuyên có thể đào thải được tế bào ung thư không? (Kim Tú - Hải Phòng)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thanh lọc cơ thể trong những sách vở của thế giới không đề cập tới nhiều.

Cái quan trọng người ta đề cập tới là sự lựa chọn thực phẩm khi ăn vào để cân bằng và có lợi cho sức khỏe, chứ không phải là ăn những thực phẩm không có lợi rồi thanh lọc.

Theo tôi, phương pháp thanh lọc cơ thể không thực sự hiệu quả. Nếu thực sự có hiệu quả, nó đã được đề cập đến trong các tài liệu khoa học.

Hỏi: Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với người bệnh, tuy nhiên đối với người mắc bệnh ung thư dạ dày thì khả năng tiếp nhận cũng như hấp thụ dinh dưỡng rất hạn chế.

Vậy theo bác sỹ, chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư dạ dày cần chú ý những gì? (Bích Hường - Thái Bình)

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ cho bệnh nhân ung thư dạ dày còn tùy thuộc vào bệnh nhân có cắt được dạ dày hay không. Chắc chắn rằng khi bị ung thư dạ dày sẽ có ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa thức ăn.

Trong trường hợp bạn đã được phẫu thuật cắt toàn phần hoặc gần toàn phần dạ dày, chế độ ăn sau phẫu thuật cần phải ăn ít cho mỗi bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày, hạn chế những thức ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều chất tinh bột, nhiều chất đường.

Như vậy, người bệnh cần phải ăn nhiều thức ăn có chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu để cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho người bệnh.

Nếu trong trường hợp bướu lớn không thể phẫu thuật cắt dạ dày được, diễn tiến sau đó sẽ làm cho bệnh nhân bị hẹp môn vị, làm cho thức ăn không thể đi xuống ruột non được, bệnh nhân sẽ bị nôn ói hết tất cả những thức ăn vừa ăn vào.

Khi đó, cần phải mở hổng tràng (ruột non) ra da để nuôi ăn. Khi nuôi ăn với ống thông hổng tràng cần phải lựa những thức ăn dễ hấp thu, phải truyền nhỏ giọt, việc chế biến cần được hướng dẫn từ các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo Soha/ trí thức trẻ


Tin tức mới nhất