Tiếng ồn: Kẻ thù của sức khỏe

Con người nghe không chỉ tiếng nói của nhau mà còn cả những tiếng động tự nhiên như sấm sét, mưa rơi… hay những âm thanh từ tiếng chim hót, âm nhạc…

Tiếng động gồm những âm thanh có sóng lan truyền trong môi trường không khí, nước, chất rắn với tần số dao động từ 20 đến 15.000 Hz. Tai người không nghe được hạ âm dưới 20 Hz và siêu âm trên 15.000 Hz. Tần số tiếng nói bình thường từ 500 đến 2.000 Hz.

Tiếng động nghe to hay nhỏ là do cường độ của âm thanh được đo bằng đơn vị decibel (dB). Ví dụ, tiếng lá cây: 10 dB; nói nhỏ: 20-30 dB; nhà ở, bệnh viện yên tĩnh: 40 dB; văn phòng bàn giấy: 50 dB; nói chuyện bình thường: 55 dB; cửa hàng đông người, tiếng nhạc xập xình, cơ sở sản xuất: trên 60 dB; máy móc kêu rất to hay tiếng máy bay: 100-120 dB. Nếu tiếng động đến mức 120 dB sẽ khiến tai đau nhức; 130-140 dB sẽ gây thủng màng nhĩ, thậm chí điếc.


Ảnh minh họa

Tiếng ồn là hiện tượng vật lý tác động lên thính giác gây khó chịu. Tiếng ồn tập hợp nhiều âm thanh có tần số khác nhau và cường độ trên 60 dB. Sản xuất công nghiệp có nhiều tiếng ồn làm giảm sự chú ý và năng suất của người lao động, dễ gây tai nạn và bệnh điếc nghề nghiệp.

Ở những đô thị lớn với nhiều phương tiện giao thông, tiếng ồn cao tới 80 dB. Theo Viện Vệ sinh y tế công cộng, tại một bệnh viện lớn ở TP HCM có đến 80% các khoa, phòng có tiếng ồn cao 60-70 dB, vượt tiêu chuẩn quốc tế là 50 dB đối với phòng làm việc bàn giấy. Một số phòng mổ và phòng bệnh nhân có mức độ ồn 70-75 dB, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Tiếng ồn gây tác hại nếu tần số cao trên 4.000 Hz, chẳng hạn như tiếng còi xe. Tiếng ồn trong sinh hoạt kéo dài sẽ gây khó chịu, căng thẳng, giảm sự tập trung, đau đầu, tăng nhịp tim, rối loạn tiêu hóa, có thể rối loạn một số nội tiết tố, giảm thính lực. Tiếng ồn trầm tần số thấp như động cơ xe làm rung động các nội tạng trong cơ thể, tạo cảm giác rất khó chịu. Cường độ tiếng ồn càng cao, tác hại càng lớn. Khi đó, bộ phận thính giác bị rung động; đầu óc mệt mỏi, giảm khả năng suy nghĩ; hoạt động tim mạch, hô hấp cũng nhanh hơn; huyết áp tăng; rối loạn thần kinh vận động, chuột rút, co cứng cơ; tuyến giáp và tuyến thượng thận có thể bị ảnh hưởng; rối loạn giấc ngủ, dễ bị stress, cáu gắt; có thể giãn đồng tử, rối loạn thị lực...

Ở các nước công nghiệp Âu, Mỹ, tiếng ồn sinh hoạt được xem là tác nhân gây hại hàng đầu đối với môi trường. Riêng ở nước ta, ngày càng có nhiều tiếng ồn từ lĩnh vực xây dựng, giao thông (động cơ, còi xe), các hàng quán mở nhạc lớn... từ trên 80 dB đến 100 dB, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, nghỉ ngơi và chữa bệnh của người dân.

Theo Người lao động


Tin tức mới nhất