WHO bác bỏ thông tin thất thiệt về Quinvaxem

Theo ông Toda từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc-xin Quinvaxem đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006 và cho phép lưu hành.

WHO bác bỏ thông tin thất thiệt về Quinvaxem

Hiện vắc-xin này đã được sử dụng tại 94 nước trên toàn thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, vắc-xin này được sử dụng cho các nước Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ngoài Quinvaxem, các vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào cũng được sử dụng rộng rãi tại 131 nước trên thế giới.

Riêng tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều. Chuyên gia của WHO cũng khẳng định tỉ lệ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem không tăng so với các năm trước. 94% các trường hợp sốc phản vệ đều hồi phục nhờ được cán bộ y tế xử trí phù hợp và được các cơ sở khám chữa bệnh chăm sóc, điều trị kịp thời theo quy định của Bộ Y tế.

Tỉ lệ tai biến nặng liên quan đến vắc-xin bạch hầu - ho gà (toàn tế bào) - uốn ván đến nay là 4,5/triệu liều vắc-xin sử dụng trong khi tỉ lệ theo thống kê của WHO là 1-20/triệu liều. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để bảo đảm việc sử dụng vắc-xin an toàn.

Hiện WHO vẫn khuyến cáo sử dụng vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào để tạo miễn dịch phòng bệnh. Vì thế, ông Toda cũng khuyến nghị các bà mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không chậm trễ, nhất là trong thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca mắc bệnh ho gà ở Việt Nam và xảy ra ổ dịch bạch hầu ở một số nước láng giềng.

Liên quan đến các tin đồn xung quanh vắc-xin Quinvaxem, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đây là những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Trước khi lưu hành, các lô vắc-xin này đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm chất lượng.

Theo Người lao động

Tin tức mới nhất