5 thói quen ăn rau của người Việt mất sạch dinh dưỡng

Một trong những sai lầm khi ăn rau mà nhiều người Việt mắc phải đó là thói quen để lại rau ăn thừa cho những bữa ăn kế tiếp.

Rau xanh là món không thể thiếu trong những bữa cơm của mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên, chỉ một vài sai lầm trong cách chế biến có thể làm mất đi hết dinh dưỡng, thậm chí là gây hại đến sức khỏe.

Thành phần trong rau xanh thường giàu vitamin, canxi, kali, magie, chất xơ và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, một chế độ ăn uống đầy đủ rau xanh có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường loại 2, bệnh tim và hội chứng chuyển hóa... 

5 thói quen ăn rau của người Việt mất sạch dinh dưỡng-1
Rau chân vịt nếu ăn thừa tốt nhất không nên giữ lại cho bữa sau. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vào mùa hè, một trong những sai lầm khi ăn rau mà nhiều người mắc phải đó là thói quen để lại rau ăn thừa cho những bữa ăn kế tiếp.

Nhiều gia đình vì tiết kiệm nên thường nấu dư rau từ tối hôm trước, cất tủ lạnh để sáng hôm sau mang đi làm ăn tiếp. Điều này nếu lặp lại thường xuyên sẽ gián tiếp gây hại sức khỏe.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau xanh sau khi nấu nên ăn ngay. Nếu bảo quản và hâm nóng trong thời gian dài sẽ bị mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng, mùi vị sẽ thay đổi và dễ bị hư hơn.

Bên cạnh đó, việc để rau qua đêm cũng khiến hàm lượng nitrit sẽ tăng lên, sau khi chất này được ăn vào cơ thể sẽ biến thành nitrosamine gây ra một số tổn thương cho cơ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, những loại rau là rau lá xanh như mồng tơi, các loại rau họ cải, chân vịt hoặc cần tây ... chứa nhiều nitrat hơn, để lâu ngày sẽ sinh ra một lượng lớn nitrit.

Lượng nitrit dư thừa này sẽ khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng, dễ dẫn đến các bệnh về gan.

Ngoài ra, 4 sai lầm khác cần tránh khi ăn rau để không gây hại sức khỏe

5 thói quen ăn rau của người Việt mất sạch dinh dưỡng-2
Ảnh minh họa

Không thái rau trước khi rửa

Đây là một thói quen phổ biến mà nhiều người thường mắc phải khi sơ chế rau. Nhiều chất dinh dưỡng và các chất có lợi trong rau quả có thể hòa tan trong nước.

Vì thế nếu cắt rau trước khi rửa sẽ khiến các chất dinh dưỡng bị mất phần lớn trong nước. Tốt nhất bạn nên rửa sạch sau đó cắt và nấu sẽ đảm bảo được dinh dưỡng trong rau.

Không ngâm rau với nước muối quá 10 phút

Ngâm rau trong nước muối loãng không diệt trừ được giun sán như nhiều người vẫn nghĩ, lượng hóa chất bám trên rau cũng không thể giảm đi, ngược lại còn có thể là mùi vị rau bị thay đổi.

Ngâm rau sống quá lâu trên 10 phút có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng vốn có của nó.

Không nấu rau quá kỹ

Nấu rau quá kỹ sẽ khiến phần lớn vitamin C bị phá hủy. Nitrat không độc hại trong rau sẽ được chuyển thành nitrite, và nitrite sẽ biến đổi hemoglobin bình thường thành methemoglobin gây cản trở việc lưu thông oxy trong cơ thể, nguy hiểm hơn có thể khiến cơ thể bị bầm tím, khó thở.

Không ăn quá nhiều rau

Không phải bất cứ loại rau nào cũng có thể dễ dàng tiêu hóa như măng tây, cần tây, đậu hay những loại rau có chất xơ thô cao.

Vì vậy, những người gặp các vấn đề về tiêu hóa nếu ăn quá nhiều rau có chất xơ thô sẽ khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng. 

Nêu ăn bao nhiêu rau là đủ? 

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, mỗi ngày chúng ta cần cung cấp 25-30g chất xơ, tương đương khoảng 300g rau và 200g trái cây.

Như vậy đối với người lớn, mỗi bữa ăn chính, bạn phải ăn 100g rau - tức 1 chén đầy (không chứa nước) rau hay bầu, bí, dưa leo, cà chua…

Với trẻ em cần được tập cho ăn rau dần với cách chế biến khác nhau và phù hợp. Tùy vào độ tuổi của trẻ sẽ cần tiêu thụ lượng rau củ quả khác nhau.

Theo Sức khỏe và đời sống

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.suckhoedoisong.vn/5-thoi-quen-an-rau-cua-nguoi-viet-mat-sach-dinh-duong-tiem-an-nguy-co-ung-thu-can-tu-bo-som-172230529114126623.htm

mẹo nấu ăn món ngon dinh dưỡng

Tin tức mới nhất