"Destiny là gì vậy con?" Là lỗi ở Hồ Ngọc Hà hay ở mẹ?

(2Sao) – Không phải lỗi ở Hồ Ngọc Hà, không phải lỗi ở mẹ, lỗi ở cả một nền thẩm mỹ cổ hủ.

Trên mạng gần đây đang xôn vao bài viết của một khán giả về màn trình diễn ca khúc Destiny được Hồ Ngọc Hà trong đêm chung kết Siêu mẫu 2015 vừa qua. Theo đó, mẹ của người viết (năm nay đã gần 70 tuổi) thắc mắc tại sao trên sóng truyền hình lại có ca khúc nửa Việt nửa Anh như vậy. Khán giả này còn bày tỏ sự bức xúc của mình như sau:

Tôi thuộc thế hệ 7x, không còn tiếp nhận cái mới nhanh như giới trẻ, cũng không níu giữ cái cũ như người già, nhưng cũng thấy khó chịu với kiểu nửa nạc nửa mỡ thế này. Nếu muốn tiến ra thị trường nước ngoài thì cứ sáng tác hẳn những bài hát bằng tiếng Anh và ca sĩ phải nói tiếng Anh thuần thục thì mới phát âm chuẩn khi hát tiếng Anh, còn nếu chưa đủ khả năng thì cứ hát tiếng Việt cho thật hay

Lời chia sẻ gây hot trên mạng

Bài viết này đã gây nhiều tranh cãi. Song, đa số các ý kiến đều phê phán Hồ Ngọc Hà về việc hát nhạc Việt có lời tiếng Anh.

Họ cho rằng, đã hát cho người Việt, hát ca khúc Việt thì phải thuần tiếng Việt, việc chèn tiếng Anh vào là kệch cỡm, lố lăng. Rằng trên thế giới chẳng có nền âm nhạc nào như vậy.

Hồ Ngọc Hà trình diễn tại siêu mẫu 2015

Từ nền âm nhạc thế giới…

Trước khi phán xét ai đúng, ai sai, hãy cùng tìm hiểu qua một số nền âm nhạc tiêu biểu của thế giới.

Hàn Quốc được xem là quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất hiện nay, đặc biệt là Kpop. 

Có thể nói, Kpop đã tạo nên một làn sóng len lỏi khắp ngõ ngách của châu Á, sang tận Âu Mỹ, Trung Đông, góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc và thu ngoại tệ lớn về cho nước nhà.

Một trong những điều làm nên thành công của Kpop hiện nay chính là việc chèn thêm một số câu tiếng Anh vào và đặt tên tiếng Anh cho bài hát. Chính điều này đã khiến khán giả thế giới dễ tiếp cận với âm nhạc của họ hơn, tăng mức độ phổ biến, phủ sóng lên. 

Đơn giản, muốn tìm nghe một bài hát Kpop nào, bạn chỉ cần nhớ tên tiếng Anh và gõ nó. Trong khi đó, nếu để nguyên tiếng Hàn, chẳng ai nhớ và tìm được.

Tất nhiên, nhiều người vẫn sẽ phê phán như thế là mất gốc, là lố lăng, là thị trường… Nhưng, có thực mới vực được đạo, Các Mác đã nói, vật chất đi trước, ý thức theo sau, không có kinh tế thì cũng chẳng có tinh thần. 

Thà chèn tiếng Anh mà có thể quảng bá văn hóa quê hương, làm giàu cho đất nước, thu ngoại tệ về còn tốt hơn nhiều so với việc cứ “ru rú” với bản sắc ngôn ngữ dân tộc mà chỉ mình mình biết.

Và cũng chẳng biết, việc chèn tiếng Anh vào như vậy có làm thui chột ngôn ngữ dân tộc hay không. Chỉ biết, sau khi hát những ca khúc kiểu đó để phát triển Kpop, đã có vô số người nước ngoài tìm hiểu về tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc. Vậy thì họ thành công trong việc phát triển ngôn ngữ dân tộc họ gấp chục lần so với chúng ta rồi. 

Nhóm Wonder Girls

Chưa kể, có những ca khúc “nửa Anh nửa Hàn” đạt thứ hạng cao ở thị trường khó tính Âu Mỹ, như ca khúc Nobody của Wonder Girls leo tới thứ 76 trên bảng xếp hạng danh tiếng Billboard hot 100. 

Hay, vô số ca khúc “nửa Hàn nửa Anh” của các nhóm Kpop đạt thứ hạng cao tại Nhật, Trung, Đài…, đem đến cho họ giải thường, kinh tế, danh tiếng, sự trọng vọng. Đây là điều mà nền âm nhạc “thuần Việt” của chúng ta có mơ cũng không vươn tới được.

Từ thành công của Kpop, nền nhạc chính thống Hàn Quốc với các ca sĩ đứng tuổi cũng học theo ca sĩ trẻ. 

Xem các chương trình nhạc xưa của Hàn như I am singer, Immortal Songs… chúng ta đều thấy các ca khúc từ dân ca, cổ điển đến hiện đại đều được đề tên sang tiếng Anh cho khán giả nước ngoài dễ tiếp cận. Và từ đó, họ lại thành công lần nữa khi quảng bá văn hóa nước nhà.

Bài hát dân ca được chuyển tên tiếng Anh

Hoặc, nếu xem các ca sĩ Kpop biểu diễn, chúng ta sẽ bắt gặp cảnh những cô bác đứng tuổi vỗ tay khen ngợi, dù họ đang hát “nửa Anh nửa Hàn”. Các cô, các bác đó hiểu rằng, hát “nửa Anh nửa Hàn” không phải phỉ báng ngôn ngữ dân tộc, mà là hoạt động giải trí, là kiếm tiền đóng thuế cho phúc lợi của họ. 

Nhật Bản, một đất nước có nền văn hóa tinh hoa, thanh tao và cao sang bậc nhất châu Á, với rất nhiều loại hình nghệ thuật phức tạp, kinh viện, vẫn chấp nhận việc hát “nửa Anh nửa Nhật” trong nhạc pop. 

Những ca sĩ lớn, được mọi người trọng vọng ở Nhật như Utada Hikaru, Ayumi Hamasaki, Yutaka Ozaki vẫn chèn thêm tiếng Anh vào bài hát của họ mà vẫn khiến nó trở thành ca khúc kinh điển, được nhiều người nghe. 

Utada Hikaru

Đến giàu có, học thức cao, văn hóa cao như Nhật Bản còn chấp nhận, tại sao Việt Nam lại không?

Hay Trung Quốc, đất nước có nền văn hóa đồ sộ nhất châu Á, vẫn thoải mái với nhạc “nửa Anh nửa Trung”. Đến huyền thoại âm nhạc là Đặng Lệ Quân vẫn thường xuyên hát nhạc tiếng Anh. Các ca sĩ lớn như Châu Kiệt Luân, Dung Tổ Nhi, Thái Y Lâm… cũng không ngoại lệ. 

Đặng Lệ Quân

Âm nhạc Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông… cũng không thiếu ca khúc nửa nọ nửa kia.

Nhóm S.H.E của Đài Loan còn làm hẳn một bài hát đủ tiếng Trung, Hàn, Nhật. Điều này cũng tương tự với “nữ hoàng nhạc phim” được mọi người trọng vọng ở Hàn Quốc là Baek Ji Young.

Ngay cả ở Âu Mỹ, nền âm nhạc lớn nhất thế giới, với ngôn ngữ chính là tiếng Anh, vẫn không thiếu những ca khúc pha trộn nhiều ngôn ngữ.

Ca khúc The prayer nổi tiếng của diva Celine Dion có một nửa tiếng Anh, một nửa tiếng Ý.

Nguyên album Barcelona của huyền thoại Freddie Mercury là những ca khúc nửa tiếng Anh, nửa tiếng Tây Ban Nha.

Christina Aguilera

Christina Aguilera có hẳn một album tiếng Latin là Mi Reflejo. Beyonce làm MV Partition còn chèn nguyên một đoạn nói tiếng Pháp vào.

Lady Gaga trong ca khúc Born this way có chèn thêm một câu tiếng Ý. Khi đóng MV Paparazzi, cô nói tiếng Ý chứ không phải tiếng Anh. Tên ca khúc Alejandro của cô cũng không phải tiếng Anh.

Và còn vô số ca sĩ nổi tiếng khác của nền âm nhạc Âu Mỹ sử dụng nửa nọ nửa kia trong các ca khúc của họ, từ xa xưa tới hiện đại. 

… Tới nền âm nhạc Việt Nam

Quay về âm nhạc Việt Nam, nhiều người cho rằng, việc chèn nửa Anh nửa Việt là sản phẩm của nền âm nhạc thị trường ngày nay, rằng khi xưa chẳng ai hát vậy. 

Đa số ý kiến trên là của khán giả nhạc xưa, những người đứng tuổi, hoặc cả trẻ tuổi nhưng khó tiếp cận cái mới. 

Đặc điểm chung của nhóm khán giả này là cổ hủ, bảo thủ, ngại tìm hiểu nên thường tự cho nhạc mình nghe là sang trọng, đẳng cấp, mọi loại nhạc khác không đáng nghe. Đối tượng bị chỉ trích, phê phán nhiều nhất của nhóm khán giả này là các ca sĩ Việt thế hệ trẻ.

Họ có niềm hoài cổ cao, thích hướng về cái xưa cũ, nên tự mặc định bất cứ cái gì thuộc về quá khứ cũng đẳng cấp, mà nhạc hiện đại không thể nào sánh kịp.

Tính hoài cổ dẫn đến bảo thủ trong tiếp nhận, khó tính về thẩm mỹ nhưng thực chất lại không hề sâu sắc. 

Việc chèn nửa Anh nửa Việt vào ca khúc của nhiều ca sĩ trẻ bị họ bài xích, cho rằng không bằng ca sĩ ngày xưa. Nhưng họ có biết đâu, chính những ca sĩ nhạc xưa họ tôn thờ cũng đã từng hát nửa nọ nửa kia từ lâu lắm rồi. Chẳng riêng gì Hồ Ngọc Hà ngày nay.

Bảo Yến

Bảo Yến, một danh ca nhạc xưa từng hát nửa Anh nửa Việt trong ca khúc You and me (cũng tên tiếng Anh) do chính nhạc sĩ gạo cội Việt Nam là Quốc Dũng sáng tác hay trong ca khúc We don’t need another a hero.

Diva Thanh Lam từng hát nửa Việt nửa Anh trong ca khúc One moment in time. Thu Phương trong ca khúc Unbreak my heart cũng hát nửa Anh nửa Việt. Huyền thoại nhạc xưa Ngọc Lan thì thường xuyên hát nhạc nửa Việt nửa Anh, nửa Việt nửa Pháp, và nó làm nên thương hiệu của cô.

Tương tự Ngọc Lan, danh ca nhạc xưa Khánh Hà vô số lần hát nửa Anh nửa Việt, nửa Anh nửa Pháp. Diva Hồng Nhung cũng không kém cạnh khi sản xuất hẳn một ca khúc tủ nửa Việt nửa Anh là Papa.

Hồng Nhung

Đã từng một thời, người ta say mê nghe những ca khúc nửa Việt nửa Nga qua tiếng hát của những nghệ sĩ chính thống gạo cội như Lê Dung, Hà Trần…

Liệu có phải những diva, danh ca, huyền thoại, gạo cội âm nhạc trên đang làm lố, thui chột tiếng Việt khi hát nửa Việt nửa ngoại?

Và còn opera thì sao? Chẳng lẽ khi hát opera, nhạc cổ điển phải hát tiếng Việt cho mọi người hiểu? Có lẽ nào những nghệ sĩ opera ở Việt Nam trước giờ đang làm lố, phỉ báng tiếng Việt khi không chịu hát tiếng Việt? Hay những nước khác trên thế giới cũng tự làm lố, bôi bác ngôn ngữ của họ khi nghe opera tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Pháp?

Rõ ràng, việc hát nửa nọ nửa kia trong một ca khúc là chuyện quá đỗi bình thường trên thế giới và ở Việt Nam từ trước đến nay, chẳng ai nói gì. 

Chỉ đến khi những ca sĩ trẻ như Hồ Ngọc Hà hát thì mọi người mới đổ xô phê phán để chứng tỏ gu nhạc cao cấp, đẳng cấp nghe nhạc… của mình. Rằng họ nghe nhạc chuẩn mực quen rồi, không nghe được kiểu này. 

Họ có chắc họ chưa từng nghe một bài nửa Việt nửa nọ nào mà không tấm tắc khen hay? Và nếu không phải Hồ Ngọc Hà, mà là Ngọc Lan, Bảo Yến, Khánh Hà thì họ có dám gạch đá, chê bai chuyện nửa Tây nửa ta này?

Tất cả chỉ là định kiến xã hội, tồn tại ở một lớp người bảo thủ, cứng nhắc, cố bám vào những dòng nhạc xưa cũ mình nghe để tự cho rằng gu thẩm mỹ của mình hơn thế hệ trẻ sinh sau mình. Và Hồ Ngọc Hà là nạn nhân của sự cổ hủ này.

Sự khó tiếp nhận cái mới này tạo nên thói tự cao, gây nguy hại nhất đến nền âm nhạc Việt Nam. 

Nó bảo thủ với cái cũ, kìm hãm sự phát triển của cái mới, cản trở tiến trình vận động của âm nhạc, khiến nền âm nhạc của chúng ta mãi dậm chân tại chỗ, không tiến thêm được bước nào, không hội nhập được với thế giới. Trong khi những nền âm nhạc châu Á như Hàn, Trung, Nhật lại ngày một lớn mạnh nhờ thoải mái trong tiếp nhận. 

Kết

Tóm lại, không phải lỗi ở Hồ Ngọc Hà, không phải lỗi ở mẹ, mà là lỗi ở khoảng cách thế hệ, sự bảo thủ, cứng nhắc trong tiếp nhận xã hội, tiếp nhận thẩm mỹ. Chỉ cần chúng ta mở lòng hơn, thoải mái hơn, yêu thương nhau hơn, nền âm nhạc của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ như các nước khác. Xin được kết với câu nói của Hồ Ngọc Hà từng chia sẻ, đó là, đừng phê phán những thứ mình không hiểu, và nếu hiểu đúng được thì tốt, chứ đừng hiểu sai.


Đức Long
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất