Nên mua cá chép thật hay cá chép giấy cúng ông Táo?

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, người dân có thể dùng cá chép thật hoặc cá chép giấy để cúng ông Táo đều được, miễn là thành tâm.

Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, 3 vị Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc Hoàng mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong hạ giới suốt một năm. Đến đêm Giao thừa, Táo quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.

Để chuẩn bị tươm tất cho 3 vị lên thiên đình bẩm tấu, gia chủ phải chuẩn bị mũ mão, khăn áo và cả cá chép để các vị làm phương tiện đi lại. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, sau đó người dân sẽ lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu trời.

Mọi năm, người dân thường mua cá chép sống rồi chen nhau ra sông thả cá, gây ra nhiều hệ lụy không đáng có. Tuy nhiên, năm nay, phần lớn người dân không mua cá chép sống để thả vào ngày ông Công, ông Táo mà thay vào đó là dùng cá chép vàng hàng mã, được làm đẹp mắt để tiễn ông Táo về trời.

Chị Hoàng Thị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chọn kỹ lưỡng từng bộ đồ hàng mã vừa chia sẻ: “Bây giờ sông ngòi ô nhiễm lắm, thả cá xuống đó không khéo cá lại chết oan, như thế bản thân tôi cũng thấy áy náy nên chọn hóa cá chép thay vì phóng sinh như mọi năm”.

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Đức (Cù Chính Lan, Hà Nội) nói thêm: “Việc thả cá ra sông, hồ hay hóa cá cũng không khác nhau là mấy, miễn là mình thành tâm là được. Việc thả cá sống không những lãng phí tiền bạc mà còn dần tiếp tay cho việc hủy hoại môi trường sống. Làm thế có khác nào giết cá!”.

Nên mua cá chép thật hay cá chép giấy cúng ông Táo?

Nên mua cá chép thật hay cá chép giấy cúng ông Táo?.

Trao đổi về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) cho rằng, trong ngày 23 này, người dân có thể dùng cá chép thật hoặc cá chép giấy để cúng đều được.

Theo GS Thịnh, với các gia đình có điều kiện thì nên dùng cá chép thật để làm lễ và sau đó thả phóng sinh.

"Cá chép thật sau khi làm lễ được thả phóng sinh mang rất nhiều ý nghĩa. Ngoài việc để đưa ông Táo bay về trời theo quan niệm của dân gian thì tục lệ phóng sinh này còn mang tư tưởng của Phật giáo liên quan đến vấn đề môi trường rất sâu sắc. Tinh thần từ bi theo quan niệm của nhà Phật. Lòng từ bi của nhà Phật không chỉ với loài người mà nó mở rộng ra muôn loài, muôn vật. Triết lý nhà Phật là coi tất cả  muôn loài, kể cả con người cùng chung một bản thể, cội nguồn", GS Thịnh nói.

Cùng với đó, theo GS Thịnh, việc sử dụng cá chép thật còn mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

"Ở nhiều nơi, người ta nuôi cá chép phục vụ cho ngày 23 tháng Chạp thu về nguồn lợi rất lớn, tạo nhiều công ăn, việc làm nên việc dùng cá chép thật cũng mang ý nghĩa xã hội lớn", GS Thịnh chia sẻ.

Đồng quan điểm, Đại đức Thích Thanh Hùng, Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Nam Trực (Nam Định), trụ trì chùa Liên Tỉnh cho rằng, đối với đạo Phật không có quan niệm về dùng cá chép thật hay cá chép giấy để cúng trong ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tinh thần từ bi của đạo Phật thể hiện tục phóng sinh. "Do vậy, theo quan điểm của tôi và tục truyền từ xưa các cụ truyền lại thì vẫn lên dùng cá chép thật để cúng ông Táo, sau đó mang ra các ao, hồ, sông, suối để phóng sinh.

Sự phóng sinh đó là một nét văn hóa đẹp và phù hợp với tinh thần từ bi của đạo Phật. Còn cá chép giấy cũng có thể dùng nhưng nó không mang nhiều ý nghĩa...", Đại đức Hùng bày tỏ.

                                                                                                                       Theo Khỏe & đẹp


Tin tức mới nhất