Sự thật cần biết khi dùng mì chính

Đồn thổi về mì chính gây hại cho sức khỏe đang khiến nhiều người lo lắng, vậy thứ gia vị này có thực sự gây hại hay không?

Trả lời Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, đây hoàn toàn là hiểu nhầm.

Giá trị dinh dưỡng = 0


Bà Lâm cho hay, cũng như các loại gia vị khác như muối, mắm, dấm, nước tương, ớt, tiêu,… mì chính (hay còn gọi là bột ngọt) không đem lại giá trị dinh dưỡng mà chỉ đơn thuần là một chất tạo vị cho món ăn. Mì chính xuất phát từ Nhật Bản khi GS. Kikunae – Đại học Hoàng gia Tokyo tách chiết thành công glutamate từ một lượng lớn tảo biển khô và đã đặt tên cho vị này là “Umami” (có nghĩa là “vị ngon”).

Từ lúc xuất hiện đến nay, tác dụng của mì chính là làm cho món ăn ngon hơn nhờ khả năng giữ nguyên hương vị tự nhiên của nguyên liệu và làm hài hòa hương vị tổng thể của món ăn. Chính vì vậy, nhiều người đã “nghiện” mì chính như một thứ gia vị không thể thiếu trong bất kỳ một món ăn nào.

Ở Việt Nam, thời bao cấp, các bác sĩ thường kê đơn mì chính cho những người bị đau đầu hay bệnh thần kinh để bồi bổ. Tuy nhiên, đây chỉ là chất phụ gia tạo vị ngon ngọt cho thức ăn chứ không phải là chất bổ dưỡng, hoàn toàn không thể thay thế các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, chất bột, chất xơ, chất béo, khoáng chất... có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên khác.

Không vô hại như đồn thổi

Mì chính mặc dù không đem lại bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào, song Tiến sĩ Lâm lo ngại, hiện nay trên nhiều trang mạng đang xuất hiện rất nhiều thông tin sai chiều về mì chính khiến người tiêu dùng hoang mang. Bà Lâm khẳng định: mì chính hoàn toàn không đem lại bất kỳ tác dụng nào cho cơ thể.

Sự thật cần biết khi dùng mì chính
Sự thật cần biết khi dùng mì chính.

“Sở dĩ có thông tin này là do trước đây, từng có nhiều tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới giả định về tác hại của mì chính cũng như nhiều loại gia vị, thực phẩm khác. Sau khi nghiên cứu, giả định này được cho là không có căn cứ. Nhiều người đã biết đến thông tin này nhưng lại không hiểu rõ ngọn ngành nên đã hiểu lầm về mì chính – một gia vị quen thuộc với nhiều nhà”, bà Lâm nói.

Tiến sĩ Lâm cũng cho hay, nhiều tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới như JECFA (Ủy ban các chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO)), EC/SCF (Ủy ban Khoa học Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu), FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ),… kết luận mì chính là một gia vị an toàn đối với cả người lớn và trẻ em với liều dùng hàng ngày không xác định, tùy theo sở thích và khẩu vị. Riêng ở nước ta, Bộ Y tế xếp mì chính vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” từ năm 2001. Như vậy đủ để thấy sự an toàn của loại gia vị này.

Việc sử dụng mì chính không gây ảnh hưởng đến não và hoạt động thần kinh như nhiều người vẫn lo ngại. Mặc dù glutamate đóng vai trò là chất truyền dẫn thần kinh trong não bộ nhưng nhờ có “hàng rào ở ruột” và “hàng rào máu não” trong cơ thể, bột ngọt hay glutamate từ khẩu phần ăn không thể đi vào máu cũng như từ máu đi vào não.

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, hiện nay không có khuyến cáo nào về việc sử dụng bột ngọt cho trẻ em. Hai tổ chức JECFA và FAO sau nhiều năm nghiên cứu đưa ra kết luận: “Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không hề có bất kỳ mối nguy hại nào trên trẻ em được chỉ ra”. Kể cả với thai nhi hay trẻ sơ sinh, việc người mẹ sử dụng gia vị này cũng không có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Về việc nhiều người có biểu hiện như chóng mặt, bủn rủn tay chân, tê mỏi tay chân, hồi hộp,… (Hay còn được gọi là “Hội chứng nhà hàng Trung Quốc”), PGS. TS Lâm cũng cho biết, mì chính tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. JECFA từng tuyên bố điều này vào năm 1987.

Tuy nhiên, không loại trừ một số người có cơ địa quá mẫn cảm với lượng lớn mì chính được sử dụng trong các món ăn hoặc do yếu tố tâm lý ở người sử dụng sau khi nghe nhiều thông tin không hay về bột ngọt. Việc quá mẫn cảm với mì chính cũng thông thường như khi chúng ta ăn các loại gia vị hoặc thực phẩm khác. Trong trường hợp này có thể giảm bớt lượng mì chính thường dùng.

Nhiệt độ nấu ăn thông thường dao động trong khoảng 130 - 190 độ C  và thường không vượt quá 250 độ C. Ở khoảng nhiệt độ nấu ăn này, mì chính đã được chứng minh là không bị biến đổi thành những thành phần gây hại cho cơ thể.

Như vậy, có thể nêm loại gia vị này vào bất cứ thời điểm nào khi nấu ăn. Thời điểm này tùy thuộc vào món ăn cũng như kinh nghiệm của người nấu.

“Ngộ nhận về những tác hại của mì chính khiến nhiều người loại bỏ hẳn gia vị này trong các món ăn hàng ngày là điều hoàn toàn không nên. Bởi hiện nay chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào khuyến nghị dừng ăn mì chính. Song cũng không vì thế mà ăn quá nhiều. Nếu dùng quá nhiều bột ngọt sẽ làm thay đổi hương vị tự nhiên của thực phẩm, ăn nhiều cũng có thể làm ảnh hưởng đến khẩu vị,…”, bà Lâm nhấn mạnh.

Theo Tri thức

Tin tức mới nhất