Trưởng khoa BV Nhi nói gì về thiết bị trong mũ len Trung Quốc?

Việc cho trẻ nghe những âm thanh lạ, đặc biệt là âm thanh không điều chỉnh được như sự việc vừa qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Những ngày vừa qua, thông tin về việc những chiếc mũ len xuất xứ Trung Quốc có gắn thiết bị phát ra âm thanh lạ đang khiến rất nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Sự việc trên được phát hiện từ một chia sẻ trên mạng internet với đoạn clip “mổ” chiếc mũ len có kiểu trùm hai tai dành cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, vẫn được bày bán tràn lan ngoài thị trường trong mùa đông.

Ở phần mũ len tiếp giáp với tai được đính hai quả bông mịn đã phát hiện giấu thiết bị lạ. Khi được lôi ra, thiết bị lạ là một hộp hình chữ nhật màu ghi. Bên trong có chứa thiết bị màu đen được đấu với ba cục pin, một vi mạch, bên ngoài chiếc hộp này ghi nhãn “Made in China”.

Sự việc chỉ được phát hiện khi bé gái đội chiếc mũ trong vòng một tuần, liên tục kêu tai bên phải đau nhức và ù. Đặc biệt, khi đội chiếc mũ len này, bé gái thường nghe thấy tiếng nhạc rè rè phát ra từ mũ. Thấy hiện tượng bất thường, phụ huynh của cháu bé đã kiểm tra và phát hiện vật thể lạ trên.

truong khoa bv nhi noi gi ve thiet bi trong mu len trung quoc? - 1
Chiếc mũ len Trung Quốc bên trong chứa thiết bị lạ

Trước sự việc trên, TS Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng Khoa Tai mũi họng (BV Nhi Trung ương) cho biết đã nghe thử loại mũ này và cảm thấy âm thanh phát ra từ đó rất khó chịu. Người lớn nghe thấy vậy thì chắc chắn trẻ em cũng không thể thích được. Theo ước chừng của TS Xương, nó có tần số và cường độ rất lớn, khoảng 90 đề xi ben (dB), trong khi ngưỡng an toàn của trẻ chỉ từ 70 dB trở xuống.

“Nếu trẻ đeo loại mũ này trong một thời gian dài nhiều giờ liền, nhiều ngày liền chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nghe về sau”, TS Xương khuyến cáo.

Cùng quan điểm trên, BS Nguyễn Thị Tố Uyên (BV Tai Mũi Họng Trung ương) cũng cho rằng những âm thanh dội trực tiếp vào tai khiến trẻ cảm thấy đau đầu, ù tai chính tỏ tế bào nghe của trẻ đã có dấu hiệu tổn thương.

“Những âm thanh từ chiếc mũ len áp sát tai sẽ không thể kiểm soát được tần số và cường độ. Điều này là rất nguy hiểm, thậm chí sẽ gây điếc ở một tần số nhất định và điếc ở nhiều mức độ khác nhau”, BS Uyên cho biết.

BS Uyên khuyến cáo, không chỉ ở đối tượng trẻ em mà ngay cả với người lớn, không nên và hạn chế ít nhất đeo tai nghe nhạc, nghe điện thoại thời gian quá dài, nhất là nghe nhạc ngủ quên qua đêm. Volume của Headphone sẽ gây điếc ở một tần số nhất định, thường là tần số 4000 Hz. Với các thanh niên, hạn chế không sử dụng Headphone và phải để với âm thanh nhỏ.

Cách hạn chế tác hại khi dùng tai nghe:

Không nên mở âm lượng quá to, điều chỉnh sao cho mức âm lượng không quá 60% so với mức cao nhất của thiết bị. Không đeo tai nghe quá lâu, không nên đeo tai nghe lúc ngủ dễ ngủ quên.

Dùng các loại tai nghe vừa khít với tai để không phải tăng volume do ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài. Nếu không thì phải nhớ rằng: khi volume bật càng to thì thời gian nghe càng phải được rút ngắn tương ứng.

Nên dùng các loại tai nghe chụp cả tai. Loại tai nghe này sẽ ngăn không cho âm thanh bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự “trung thực” của âm thanh nhưng lại rất đắt và cũng khá “cồng kềnh” nên không được ưu ái nhiều bởi các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất để hạn chế tác hại của việc đeo tai nghe.

Theo Eva/ khám phá

Tin tức mới nhất