Người họa sĩ già và những tấm biển quảng cáo vẽ tay "độc nhất vô nhị" ở Sài Gòn

Giữa vô vàn những tấm bảng quảng cáo điện tử nhập nhòe đủ màu sắc với công nghệ hiện đại thì vẫn còn một lão họa sĩ cặm cụi bám nghề bằng những nét vẽ thủ công đầy tỉ mỉ và tinh tế.

Nếu ai đi ngang qua đường An Dương Vương thuộc quận 6 sẽ thấy một cửa hàng vẽ bảng hiệu với sự đặc biệt bởi những biển quảng cáo vẽ tay hoàn toàn mà khó có thể tìm thấy khắp Sài Gòn rộng lớn.


Người thợ vẽ ấy là ông Nguyễn Thế Minh, năm nay đã 67 tuổi. Là người Sài Gòn gốc, ông đã gắn bó với nghề này được hơn 30 năm.


Tuy không phải là con nhà nòi nhưng ông yêu hội họa từ thuở nhỏ. Thời trung học, sáng đến trường, chiều ông lại đến lớp học vẽ nằm trên đường Phan Đăng Lưu. Rồi những lần được nghe họa sĩ Vũ Trọng Hợp (anh em kết nghĩa với ba ông Phương) hướng dẫn và chỉ điểm đã giúp ông nắm được nhiều kỹ thuật hội họa để ôm ấp giấc mơ trở thành họa sĩ.


Nhưng cuộc đời vất vả, sau 1975, ông gác bảng màu, cọ vẽ để lao vào cuộc mưu sinh như bao người. Thời điểm ấy, ông đã nghĩ mình sẽ buông bỏ nghề vẽ.


Thế nhưng như cái nghiệp, ông loanh quanh mãi rồi cũng trở về với cây cọ bảng màu. Và cứ thế suốt 30 năm, ông miệt mài vẽ những biển hiệu quảng cáo.


Với người họa sĩ già này, mỗi bức vẽ đều phải tỉ mỉ và cẩn thận từng li từng tí để không bao giờ phụ lòng khách hàng. Vì mỗi khách hàng đã đến đây đặt biển hiệu thủ công, đều là những người có mắt nghệ thuật.


"Vẽ cọ sẽ cho người ta cảm giác gần gũi, chân thật và mỗi họa sĩ sẽ truyền tải một phong cách, thần thái riêng nên không lẫn vào đâu được", lão họa sĩ chia sẻ.


Vào những năm 2000 công nghệ in ấn phát triển đẩy những thợ vẽ như ông Minh ra khỏi cuộc chơi trong ngành quảng cáo. Mọi thứ trước đây được vẽ bằng cọ, sơn dầu trên bảng kẽm mà người thợ dùng cả tâm huyết để có thể hoàn thành trong vài ngày thì nay đã nhanh chóng được chuyển qua mọi chất liệu và hoàn tất trong vài giờ bởi công nghệ in tiên tiến, có lúc cả tháng chỉ có một đơn hàng, thế nhưng ông vẫn kiên quyết giữ nghề. "Tôi may mắn hơn nhiều bạn vẽ khác vì có nghề thuốc trị bong gân, trật xương gia truyền nên lấy cái này đắp cái kia chứ không cũng khó trụ nổi với nghề", ông tâm sự.


Lão họa sĩ băng bó cho một bệnh nhân vô cùng cẩn thận, và dặn dò tỉ mỉ trước khi về.


Điều đặc biệt ít ai biết, đó là ông Minh còn rất hay làm thơ thế nhưng ông chưa có cơ hội xuất bản. Khi viết thơ, ông lấy bút danh là Hoài Minh Phương.


Vẽ cho rất nhiều người, thế nhưng người phụ nữ gắn bó với ông Minh suốt mấy chục năm lại chưa hề có một bức chân dung, đó chính là người vợ của ông. Bà Nhàn năm nay đã 62 tuổi chia sẻ: "Hồi đó tán tôi, ông ấy còn chưa làm họa sĩ mà mới chỉ làm thơ, ông ấy toàn tặng tôi thơ".


Bà Nhàn từ khi lấy người chồng họa sĩ với tâm hồn lãng mạn, đã thôi việc và ở nhà làm nội trợ để toàn tâm nuôi dạy các con và hỗ trợ chồng. Trong ảnh bà vừa đi mua màu vẽ giùm chồng.


Mỗi ngày cửa tiệm mở từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Một bức vẽ dài tới gần hai mét, ông cũng chỉ lấy giá chưa tới hai triệu đồng cho những bốn ngày làm việc. Ông cười: "Vẽ còn thua lương thợ hồ đó cháu".


Thời gian gần đây, phong cách Sài Gòn xưa đang trở thành một trào lưu khá thịnh trong giới trẻ, và phong cách typography kiểu chữ ngày xưa đang nhen nhóm quay trở lại ngày một nhiều hơn nên ông cũng trở nên bận bịu cả ngày.


Có những lần say sưa ông làm đến tận đêm khuya.


Hiện nay nghề này ở Sài Gòn đã thất truyền và chỉ có mình nhà ông Minh còn lưu giữ. Ông có ba người con trai, và may mắn rằng cậu Ba lại mê nghề vẽ như cha mình.

Điều ông Phương luôn tâm niệm, đó là mong những bức tranh của mình sẽ được tiếp tục phát triển và duy trì, vì nghề này tiền ít, mà cực nhiều, nhưng nó sẽ là nét văn hóa quý báu của Sài Gòn.
Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất