Ngoại binh ở điện ảnh Việt

Các đạo diễn Việt Kiều trở về và đã làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam những năm gần đây.

Những đạo diễn Việt kiều đang mang đến cho phim Việt một diện mạo mới, một hơi thở mới, một sinh khí mới.

Anh hùng hội tụ

Tác phẩm Mùi hương nước mắm (The scent of fish sauce) dài 23 phút của Trịnh Đình lê Minh để lại nhiều ấn tượng với khán giả nước ngoài tại Liên hoan phim Bucheon lần thứ 19 (BiFan 2015) tại Hàn Quốc. Ban giám khảo nhận định bộ phim đã tạo được ấn tượng và thật sự khác biệt so với những phim khác. Mùi hương nước mắm kể về Mai - một cô y tá trẻ người Việt sống ở Mỹ.

Mai được một phụ nữ Mỹ tuyển chọn để chăm sóc con trai bà ta là Matt - một chàng thanh niên bị tai nạn phải bó bột - trong thời gian người mẹ đi vắng. Trong món ăn đầu tiên nấu cho Matt, Mai cho một ít nước mắm vào và bị anh ta từ chối. Sau đó, Mai vẫn cho nước mắm vào các món ăn. Mối quan hệ giữa họ dần trở nên gần gũi trong không khí, mùi vị, màu sắc của nước mắm thấm đẫm vào những món ăn và những ký ức của Mai về xưởng làm nước mắm ở quê nhà.

Phim được đánh giá cao như một câu chuyện mới mẻ về giao thoa văn hóa từ góc nhìn của một đạo diễn Việt Nam. Sự thích thú của khán giả dành cho  bộ phim không chỉ là ý tưởng kết nối nước mắm vào một chuyện tình cách biệt văn hóa mà còn là cách làm phim nhẹ nhàng và lãng đãng như những đợt sóng là dự án tốt nghiệp khóa thạc sĩ điện ảnh chuyên ngành đạo diễn kéo dài ba năm tại Đại học Austin – Texas (Mỹ) nhờ giành được học bổng của chương trình Fulbright.

Tư duy của một người được giáo dục tại một nền điện ảnh Mỹ phần nào là mẫu số chung của những ngoại binh đang góp sức cho điện ảnh Việt hiện nay. Những cái tên Hồ Quang Minh, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Nguyễn Đức Minh, Trần Anh Hùng, Hàm Trần, Dustin Nguyễn… đã trở thành những thương hiệu khó thay thế ở điện ảnh Việt.

Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn và gần đây nhất là Siêu trộm, cái tên Hàm Trần trở thành một cái tên “bán vé” không thua kém Charlie Nguyễn hay Victor Vũ. Phim Hàm Trần nằm ngoài chuẩn mực tử tế hay cẩu thả thường thấy mà nó thực sự là một tác phẩm điện ảnh”, đạo diễn Lê Hoàng nói.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trong những bộ phim đáng chú y nhất
của điện ảnh Việt Nam trong năm vừa qua.

Quay phim, dựng phim, biên kịch, diễn viên, đạo diễn vả sản xuất... thật khó tin khi một người có thể đảm nhận tất cả các vai trò. Nhưng đó chính là mẫu số chung của các ngoại binh trước khi họ trở thành những thương hiệu cộm cán như hiện nay của ở thị trường điện ảnh Việt. Đó cũng chính là lý do, những bộ phim như Lửa phật, Trúng số.. (Dustin Nguyễn), Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Tèo em hay Bụi đời chợ Lớn,.. (Charlie Nguyễn), Cô dâu đại chiến, Giao lộ định mệnh Thiên mệnh anh hùng, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ)… khá tốt về cả mặt tư duy đề tài, sử dụng chất liệu, chọn góc máy, hình ảnh.
Thay đổi diện mạo điện ảnh Việt

Điều không thể phủ nhận, sự góp mặt của các ngoại binh ở tất cả các khâu từ đạo diễn, sản xuất, biên kịch, quay phim, dựng phim.. đã tạo nên một sắc thái mới cho điện ảnh Việt: đó là sự tươi trẻ đầy tích cực như nhận định của diễn viên Kinh Quốc.

Trong khi đó, với đạo diễn trẻ Trịnh Lê Minh (đang làm giảng viên trường điện ảnh) thì “Các đạo diễn Việt Kiều đã mang lại nhiều điều cho điện ảnh Việt: đó là cấu trúc kịch bản ba hồi theo cấu trúc kinh điển của Hollywood, đó là việc viết kịch bản phim bám sát yêu cầu và đặc trưng của từng thể loại.

Họ cũng mang về những quy chuẩn chung về mặt tổ chức sản xuất, về cấu trúc đoàn phim, những điều mà một thời gian dài các nhà làm phim trong nước đi lệch do không cập nhật được. Đó là những giá trị rất quý mà chính các đạo diễn Việt Kiều đã mang về, truyền lại, gợi nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim sống trong nước học hỏi”.

Đồng thuận với quan điểm này, đạo diễn Đinh Anh Dũng bảo rằng: “Ngôn ngữ điện ảnh và cách thể hiện của họ rất mới. Sự tiếp cận gần với điện ảnh thế giới có sức lôi cuốn thực sự với khán giả trẻ hiện nay”. Tất nhiên, “họ là những cánh én nhưng để làm nên mùa xuân thì chưa đủ khi sự thay đổi cần được thực hiện từ chính những người nằm trong guồng máy chứ không phải những người ở bên ngoài đang trở về để hội nhập”, ông Dũng nói.

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng việc các đạo diễn Việt kiều về nước
 làm phim là một điều đáng quý.


Theo đạo diễn Lê Hoàng, ở bất cứ lĩnh vực nào trong đó có điện ảnh Việt rất cần sự đóng góp của các ngoại binh này bởi mỗi người họ đều sở hữu một ưu thế nổi bật. Trong đó, Charlie Nguyễn mạnh về hành động còn Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại lợi thế về kiểu làm phim đậm chất châu Âu. Nếu Hồ Quang Minh (với các phim Trang giấy trắng, Con thú tật nguyền, Thời xa vắng) độc đáo trong cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh thì nay Victor Vũ cũng có tiếng nói “độc” không kém trong khả năng đa dạng của mình ở nhiều thể loại phim.

Hẳn nhiên “đôi lúc những tác phẩm của họ có ảnh hưởng nhiểu bởi suy nghĩ và cách làm của nước ngoài nhưng điều đó không tránh khỏi khi họ được đào tạo từ chính những nơi đấy ra. Nhưng, rõ ràng, họ đã góp sức không nhỏ vào việc nâng chất cho nền điện ảnh Việt”, đạo diễn Lê Hoàng khẳng định.

Thực tế, vai trò của các ngoại binh rất quan trọng vì họ đã tạo ra sự khởi sắc cho nền điện ảnh thương mại Việt Nam, từ đó truyền cảm hứng cho các nhà làm phim nội khác. “Tiêu chuẩn chất lượng trong phim của họ là thứ mà các nhà làm phim nội đã hướng đến, và nhiều người đã học hỏi được tiêu chuẩn đó. Chính điều đó đã tạo nên một diện mạo mới mẻ cho điện ảnh Việt hiện nay”, giới chuyên môn khẳng định.   

Theo Tri Thức

Tin tức mới nhất