Những thương hiệu phim Hoa Ngữ có nhiều phiên bản làm lại nhất

(2Sao) – Đây là các thương hiệu được khai thác triệt để thời gian qua.

Có những thương hiệu phim chỉ cần nghe tên là khán giả đã đoán được nội dung. Tuy nhiên họ vẫn trông ngóng phiên bản mới của các thương hiệu này. Vì vậy việc làm lại các thương hiệu phim có tiếng của Hoa Ngữ là việc thường xuyên xảy ra. Có sẵn lượng fan, lại có tiếng vang từ các phiên bản cũ, nên khán giả mỗi năm đều được thưởng thức các bản mới của những thương hiệu này.

Tây Du Ký


Đây có thể xem là thương hiệu được làm lại nhiều nhất trong các phim Hoa Ngữ. Xoay quanh nội dung 4 thầy trò Đường Tăng lên đường đến Thiên Trúc thỉnh kinh, các nhà làm phim đã biến tấu, thêm thắt và cải biên nhiều tình tiết trong tiểu thuyết gốc. Các phiên bản chuyển thể trọn vẹn nguyên tác có thể kể tới như “Tây Du Ký 1986”, “Tây Du Ký 2011”. Trong khi đó số lượng các phiên bản “cải biên “ lại dày đặc hơn với “Tây Du Ký TVB”, “Tây Du Ký Triết Giang”, “Tây Du Ký Truyện tình ngoại truyện”, “Tây Du Ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”. Việc thương hiệu này liên tục được làm lại đã khiến khán giả mệt mỏi và cảm thấy không còn thú vị nữa, khi tác phẩm kinh điển ngày càng bị cải biên đến mất chất.

Phong Thần Bảng


Câu chuyện về hồ ly tinh Đắc Kỷ quyến rũ Trụ Vương, hãm hại hiền thần, khuấy đảo triều chính, dẫn tới việc Khương Tử Nha lãnh đạo trung thần nổi dậy diệt ả yêu nữ này… đã không còn xa lạ với khán giả yêu phim Hoa Ngữ. Đã có rất nhiều bản dựng của thương hiệu này, song thành công nhất có thể kể đến “Đắc Kỷ - Trụ Vương” của TVB do Trần Hạo Dân và Ôn Bích Hà đóng. Sau này Đại Lục cũng có thực hiện các phim về thương hiệu này. Như “Phong Thần Bảng” phiên bản Phạm Băng Băng đóng Đắc Kỷ, phần 2 do Lâm Tâm Như thế. Hay “Phong Thần Bảng” phiên bản Trương Hinh Dư đóng Đắc Kỷ và phần 2 do Lý Y Hiểu đóng… Các phiên bản mới bị chỉ trích vì “chế” quá đà và xa rời nguyên tác.

Thanh Xà Bạch Xà


Là một trong các truyền thuyết dân gian của Trung Hoa, nói về hai con rắn mong muốn trở thành con người. Bạch Xà có tấm lòng nhân hậu, trải qua mối tình đầy đau khổ với Hứa Tiên. Trong khi đó Thanh Xà lại có sự đố kỵ với tỷ muội của mình và thường xuyên gây rối… Câu chuyện đã được dựng thành nhiều phiên bản phim truyền hình và điện ảnh, đơn cử như phiên bản của Phạm Văn Phương đóng Bạch Xà, hay phiên bản điện ảnh Huỳnh Thánh Y đóng Bạch Xà. Việc làm lại bằng cách thay đổi tình tiết và thêm nhiều cải biên đã mang đến nhiều phiên bản phim mới lạ cho khán giả. 

Võ Tắc Thiên


Có vẻ như câu chuyện về nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, luôn là đề tài phong phú cho các nhà làm phim Hoa Ngữ. Mỗi phiên bản chuyển thể của “Võ Tắc Thiên” đều mang lại những phong cách mới và không hề rập khuôn. Như “Võ Tắc Thiên bí sử” nói về những bí mật trong cuộc đời của bà, hay “Võ Mỵ Nương truyền kỳ” lại nói về thời bà còn là Tài nhân… Những bộ phim khác như “Địch Nhân Kiệt” có trọng tâm là Võ Tắc Thiên cũng được khai thác triệt để. Tất cả các phim về người phụ nữ quyền lưc này đã cho thấy

Bao Thanh Thiên


Những câu chuyện truyền kỳ về Bao Thanh Thiên không bao giờ lỗi thời, nhất là với sự thành công quá lớn của series “Bao Thanh Thiên” đến từ Đài Loan đã mở màn cho thương hiệu “Bao Thanh Thiên” liên tục được làm lại. Trải qua nhiều năm, các nhân vật Bao Chửng, Triển Chiêu…vẫn còn có sức hút mạnh mẽ với khán giả. “Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên”, “Tân Bao Thanh Thiên”, “Bao Thanh Thiên làm lại”… đều là những phim tiêu biểu trong những năm gần đây. Hãng TVB thỉnh thoảng còn ưu ái đưa nhân vật Bao Chửng vào các phim nhỏ của mình, như gần đây có “Tam thế duyên”.

Series Kim Dung


Với số lương tiểu thuyết đồ sộ của Kim Dung, khoảng 2-3 năm thì các nhà làm phim sẽ làm lại một quyển tiểu thuyết nào đó của ông. Với số lượng fan đông đảo cũng như danh tiếng từ các phiên bản cũ, các phim chuyển thể này đều được dư luận quan tâm và bàn luận. “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu đại hiệp”, “Tiếu ngạo giang hồ”… đều là những tác phẩm thường xuyên được chuyển thể và tạo tiếng vang. Dẫu vậy hiện tại, với việc “chế” quá đà nội dung của các nhà làm phim gần đây thì khán giả không còn mặn mà với phim Kim Dung nữa.

Series Cổ Long


Cũng như Kim Dung, series tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long là kho tàng khai thác phong phú của các nhà làm phim Hoa Ngữ. “Sở Lưu Hương”, “Lục Tiểu Phụng”, “Tiểu Lý phi đao”, “Song hùng kỳ hiệp”… là những thương hiệu tiểu thuyết Cổ Long thường xuyên được làm lại trên màn ảnh nhỏ. Dù rằng độ phổ biến của Cổ Long không bằng Kim Dung, nhưng các phim này vẫn có lượng fan ổn định theo dõi và bàn luận. Tuy vậy mức độ trung thành nguyên tác của phim Cổ Long gần như không có, bởi những truyện của Cổ Long khá dài và chia thành nhiều phần khác nhau. Vì vậy mỗi lần dựng là mỗi phiên bản khác về nội dung và không bản nào là giống với bản nào.

Nhân Sư
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất