Phim chữa lành - đánh đâu thắng đó, nhưng…

Không cần biết là điện ảnh hay truyền hình, chỉ cần gắn mác chữa lành là các bộ phim gần như đánh đâu thắng đó. Cơn sốt này đã và đang trở thành một xu hướng của các nhà làm phim.

Thắng lợi tuyệt đối của dòng phim chữa lành

Một ví dụ nhỡn tiền, phim Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải, chính thức ra rạp Việt từ ngày 26/4, đến nay đã vượt mốc 475 tỉ đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam - trang thống kê doanh thu phòng vé Việt độc lập), qua mặt cả “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành, vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất.

Lật mặt 7: Một điều ước kể về hành trình “chữa lành” (cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng) của bà Hai và năm người con sau khi bà bị tai nạn nghiêm trọng ở chân.

Phim không chú trọng vào các cú xoay đột ngột hay khai thác kịch tính mà tập trung vào những tình huống đời thường, gần gũi khiến mọi người đều nhìn thấy bản thân mình trong đó: "Phim nhiều cảm xúc, chữa lành, không có nhân vật phản diện, có khóc nhưng cũng có cười, rất hay"; "Phim nhẹ nhàng, tình cảm, phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện nay nên cảm xúc dễ dàng chạm đến trái tim khán giả”. “Một cái kết hướng đến sự tích cực, không bi lụy, rất chữa lành”…

Không xa trước đó, bộ phim truyền hình gắn mác chữa lành của Trung Quốc có tên Sắc xuân gửi người tình (đạo diễn Trình Lương) đã “phá đảo” không chỉ thị trường tỷ dân mà còn trở thành tác phẩm có lượt xem “khủng” ở Việt Nam. Vào năm ngoái, “Đi đến nơi có gió” (đạo diễn Đinh Tử Quang) cũng từng lập thành tích tương tự.

Và mặc dù mấy năm nay, khán giả liên tục được “chiêu đãi” bằng hàng loạt bộ phim chữa lành nhưng có vẻ “người ta còn lâu mới chán” (nhận xét của một nhà phân phối phim). Bằng chứng là câu chuyện chữa lành của Thái Lan có tên “Gia tài của ngoại” vừa ra rạp 3 ngày cuối tuần đã thu về 17 tỷ tiền vé, vượt mặt cả những bom tấn nước ngoài như “Quật mộ trùng ma” hay “Những gã trai hư”.

"Điểm mạnh của phim chữa lành là bám sát những trải nghiệm của người xem ngoài đời thực. Khi xem những thước phim mộc mạc, nhẹ nhàng, khán giả nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối và chia sẻ. Về bản chất, khán giả học được nhiều điều từ một bộ phim và thay đổi cuộc sống của mình, đó là một quá trình chữa lành", nhà nghiên cứu Hoàng Liên chia sẻ.

Phim chữa lành - đánh đâu thắng đó, nhưng…-1
“Lật mặt 7” của Lý Hải có đề tài chữa lành đã trở thành phim ăn khách thứ 2 trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Được biết, bắt đầu từ sau đại dịch Covid, dòng phim chữa lành (tên tiếng Anh: Healing drama) dần trở thành một xu hướng và ngày càng được nhiều nhà sản xuất quan tâm. Không quan trọng là phim điện ảnh hay truyền hình, chỉ cần gắn mác chữa lành là đều trở thành “vua phòng vé”.

Ngay cả những giải thưởng điện ảnh lớn cũng đã kịp điều chỉnh tiêu chí của mình khi chấp nhận tôn vinh dòng phim này. Giải Oscar cho phim hay nhất “Coda” năm 2022 là một đơn cử.

Điện ảnh vẫn nên có nhiều tiếng nói khác

Khởi thủy của dòng phim chữa lành có thể kể đến “Ăn, cầu nguyện và yêu” (đạo diễn Ryan Murphy) sản xuất năm 2010, chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của Elizabeth Gilberts. Bộ phim kể câu chuyện về sự tái sinh và cân bằng tinh thần thông qua hành trình tìm kiếm bản thân và những giá trị thực sự của cuộc sống của nữ chính Liz.

Sau đó, hàng loạt bộ phim cũng đi theo hướng khai thác này và trở thành “kinh điển” của dòng phim chữa lành như: “Cánh đồng nhỏ” của Nhật Bản, “Khu rừng nhỏ” của Hàn Quốc, loạt phim “Hồi đáp” (Reply) cũng của xứ sở kim chi…

Lý giải về việc khán giả dành tình cảm đặc biệt cho dòng phim này, nhà nghiên cứu Hoàng Liên cho biết: “Đại dịch Covid đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của con người trong xã hội hiện đại.

Những bộ phim chữa lành xuất hiện đúng lúc đã đánh trúng tâm lý thích những câu chuyện nhẹ nhàng, không có xung đột cao trào mà chỉ xoay quanh những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống đời thường, vun đắp các mối quan hệ, sự sẻ chia giữa người với người… khiến người ta dễ dàng tìm được đồng cảm và cân bằng tinh thần sau một trận đại hoảng loạn.

Lấy ví dụ, năm 2021, bộ phim “Điệu cha cha cha làng biển” (đạo diễn Yu Je-won) vượt khỏi biên giới Hàn Quốc lan tỏa đến nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam vì nó nói chính xác về sự mệt mỏi của cuộc sống đô thị và vẽ ra một đối trọng thư giãn, an toàn, thả lỏng… của cuộc sống nông thôn.

 

Thay vì mỗi ngày phải đối mặt với hàng tá deadline, sức ép cạnh tranh và cả không khí ngột ngạt ở thành phố, ai cũng sẽ thích khi được đẩy vào cuộc sống gần với thiên nhiên, trong những mối quan hệ chất phác, thật thà ở làng quê”.

Phim chữa lành - đánh đâu thắng đó, nhưng…-2
“Sắc xuân gửi người tình” là một “bom tấn chữa lành” của Trung Quốc đi theo đúng công thức: chuyện đời thường cảm động + diễn viên đẹp.

Làm phim chữa lành tất nhiên không dễ. “Vì không có yếu tố kịch tính khiến người xem vừa thót tim vừa hồi hộp, cũng không có những nút thắt khiến khán giả “xoắn não”, nên kiểu phim này chỉ có thể níu chân người xem ở nội dung câu chuyện (tốt nhất là cảm động), diễn xuất của diễn viên (cộng thêm ngoại hình “bổ mắt”), và cảnh quay trau chuốt, âm nhạc bắt tai là nắm chắc phần thắng”. Nhà phê bình Thế Khoa phân tích.

Một số nhà phê bình cũng nhận xét, có vẻ như nhận ra mỏ vàng của phim chữa lành nên các nhà làm phim đang hơi bị lạm dụng đề tài này. “Điện ảnh cần nhiều tiếng nói khác, phong cách khác. Nếu chỉ loanh quanh câu chuyện chữa lành thì rất nhàm chán. Một số người thậm chí đã phát biểu rằng họ bị phản ứng ngược khi cụm từ này được dùng một cách quá đà và ngày càng mang tính hình thức. Tốt nhất là làm phim hay, thì dù không chữa lành khán giả cũng sẽ bị thu hút”.

Ý kiến của nhà phê bình Thế Khoa nhận được hơn 5.000 lượt like và chia sẻ. Điều này cho thấy một bộ phận người xem đã và đang có dấu hiệu “bội thực” với phim chữa lành.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/phim-chua-lanh-danh-dau-thang-do-nhung-post1646564.tpo

phim việt nam

Tin tức mới nhất